BVR&MT – Khu vực ao nuôi cá được đầu tư làm lán trữ cám, có thuyền, có hệ thống dây kéo điện về, có wifi, mua guồng tạo ôxy, lắp 4 mắt camera an ninh.Đó là ao nuôi cá của gia đình anh Đặng Văn Sơn, thôn Khe Ván, xã Quang Minh, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộng 2 mẫu, nằm giữa những đồi quế xanh tốt, thoáng đãng, trong lành.
Mạnh dạn đầu tư nuôi cá, anh Sơn cũng đã tính toán các yếu tố, phát huy lợi thế là có diện tích mặt nước rộng, nguồn cung trên địa bàn xã.
Ở trong thôn, trước anh Sơn đã có 2 hộ khác nuôi cá. Hiện nay, quy mô nuôi cá của gia đình anh lớn nhất xã và cũng lớn nhất về sản lượng cung ứng cho thị trường. Bắt đầu thực hiện mô hình từ đầu năm 2020, anh Sơn đã tập trung đầu tư cho ao nuôi cá khá lớn.
Đắp lại toàn bộ diện tích ao, nguồn nước được anh dẫn về từ suối Ngòi Mụ cách ao 1,2 km với hệ thống ống dẫn lớn cùng với xây cống thoát nước, các bậc tháo nước dần theo từng nấc. Anh cũng đã đầu tư làm tràn chống ngập.
Ngoài ra, khu vực ao nuôi cá được anh Sơn đầu tư làm lán trữ cám cá, mua thuyền, hệ thống dây kéo điện về, có wifi, mua guồng tạo ôxy, lắp 4 mắt camera an ninh. Tính tổng chi phí đầu tư để có thể tiến hành thả lứa cá đầu cũng đã lên đến gần 200 triệu đồng.
Giữa tháng 3 âm lịch năm 2020, anh Sơn mua 16 triệu đồng tiền cá giống về thả lứa đầu tiên với 1 vạn rô phi đơn tính, 2.000 con chép, 400 con trắm cỏ. Về kỹ thuật nuôi cá, anh Sơn cho rằng: “Không nói là quá khó nhưng cũng không thể nói là dễ”.
Ngoài cám, hàng ngày bổ sung thêm thức ăn cho cá từ nguồn lá sắn, lá chuối. Tháng 10 âm lịch, lứa cá được xuất bán. Năm đầu tiên chăn nuôi cá, chưa có nhiều kinh nghiệm nên kết quả chưa được như mong muốn. Thị trường tiêu thụ về cơ bản thuận lợi, chủ yếu bán buôn cho mối hàng ở thị trấn Mậu A, anh Sơn thu lãi 60 triệu đồng.
Sang năm 2021, cũng vào thời điểm giữa tháng 3 âm lịch, anh thả lứa cá thứ hai với tiền giống là hơn 18 triệu đồng, trong đó có 1,3 vạn cá rô đơn tính, 1.000 con trắm cỏ. Đã sắp vào đợt thu lứa cá năm nay, anh Sơn cũng có nhiều nỗi niềm. Giá cám cá cao hơn năm ngoái, mỗi bao tăng 90.000 đồng nên tiền cám cá mỗi ngày cũng tăng 540.000 đồng. Thế nhưng giá bán đổ cho mối tiêu thụ cá ở thị trấn Mậu A không tăng, khả năng thua lỗ có thể tính trước chứ không bất ngờ.
Anh Sơn xác định rõ khó khăn hiện nay cũng là tạm thời khi dịch bệnh Covid-19 suốt một thời gian dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hơn thế, theo như anh Sơn cho biết: “Vì đã đầu tư không ít khi lựa chọn hướng đi này nên tôi cũng sẽ vẫn quyết tâm thực hiện”.
Điều may mắn như anh chia sẻ là gia đình có trên 10 ha quế từ 4 năm tuổi đến gần 10 năm tuổi. Đây là nguồn thu chính vô cùng quan trọng của anh mỗi năm.
Ở thời điểm hiện nay, quế trở thành nguồn thu chính để san sẻ, gánh đỡ cho vụ cá này chứ không cũng sẽ rất chật vật. Hàng năm, từ nguồn khai thác tỉa luân phiên cũng cho gia đình anh thu về khoảng 400 triệu đồng, tất nhiên còn phụ thuộc giá thị trường.
Thời gian qua, nhà anh vừa thu xong 1 ha quế và tiền đã cầm trong tay là 420 triệu đồng. Quế thu hoạch đến đâu là anh bán ngay cho mối mua trên địa bàn xã rất thuận tiện và nhanh chóng. Vụ này, quế vỏ tươi được giá 28.000 đồng/kg, vỏ khô 57.000 đồng/kg, lá tươi 2.100 đồng/kg, gỗ quế dao động từ 1,4 – 1,6 triệu đồng/m3 tùy cỡ to nhỏ khác nhau.
Dù lựa chọn bất cứ mô hình phát triển kinh tế nào thì để có được kết quả tốt nhất, ai cũng đều phải cố gắng, quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn có thể xảy ra bất ngờ. Với suy nghĩ như vậy, anh Sơn khẳng định: “Tôi sẽ không bỏ cuộc và sang năm vẫn tiếp tục duy trì nuôi cá cũng như học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cá cho hiệu quả cao hơn nữa”.