BVR&MT – Vấn đề rác thải sau lễ hội không còn là điều quá xa lạ và cũng đã nhiều lần khiến các cơ quan chức năng ngành văn hóa phải “gióng hồi chuông” cảnh báo. Tuy nhiên, do chế tài xử lý còn bất cập nên việc giải quyết còn gặp nhiều khó khăn.
Lễ chùa bái Phật, thờ phụng thần linh để cầu sức khỏe và bình an vào mỗi dịp đầu xuân năm mới đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của nhiều người Việt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây vào mỗi dịp xuân về chúng ta đứng trước thực trạng những nơi được coi là linh thiêng chứa đựng vẻ lung linh, huyền ảo phần nào mất đi vẻ đẹp của nó thay vào đó là sự tiêu điều, xơ xác của rác thải ngập quanh khu vực đền, chùa.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng & Môi trường tại Đền Công Đồng, Bắc Lệ (tại Lạng Sơn), cùng với dòng người đổ về đây lễ chùa đầu năm rất đông. Điều này đồng nghĩa với điều đó là một lượng rác khổng lồ được rải khắp những con đường vào đền Bắc Lệ. Số lượng rác thải như hộp đựng thức ăn, chai nước khoáng, những túi ni lông, vỏ bánh, trái cây, hoa quả… nhan nhản khắp lối đi.
Những chiếc thùng đựng rác đã tràn ngập tới mức du khách bỏ vào nó lại rơi xuống, người ta đành xếp xung quanh những thùng rác. Tuy nhiên, một bộ phận người dân thiếu ý thức, mặc dù có thùng rác bên cạnh nhưng vẫn “vô tư” vất rác ra bên ngoài. Đặc biệt, ở các gian hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn nhanh, nhiều bạn trẻ vừa xem hàng, vừa mua quà ăn, tay vứt luôn rác xuống đường, từ vỏ bánh, non nước, cho tới túi ni lông đựng thức ăn, đựng hàng hóa, những bìa carton, những lon bia, nước ngọt lăn lóc trên đường.
Ngoài vấn đề rác thải, còn kéo theo những hệ lụy khác liên quan đến môi trường xung quanh mùa lễ hội, du xuân đầu năm còn có thể kể đến như việc ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí do bụi và khí thải cũng rất đáng báo động. Những điểm lễ hội như Đền Trần, Chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng, Hội Lim… đón hàng ngàn, chục ngàn phương tiện giao thông, du khách tới mỗi ngày, thải ra một lượng khí thải rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, việc đốt hương, vàng mã tràn lan dễ gây cháy nổ và ô nhiễm không khí cũng rất đáng báo động.
Mặc dù công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng có phát huy hiệu quả, thế nhưng cũng không thể nào “quản” được hàng nghìn người đổ dồn về lễ hội cùng một lúc. Chính vì vậy, cùng với sự tuyên truyền và vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước thì cũng cần phải có sự hưởng ứng, ý thức của người tham gia lễ hội, thiếu một trong hai sẽ không thể có một mùa lễ hội văn minh, lịch sự, và linh thiêng nữa.
Có thể thấy, ý thức của mỗi du khách đều đóng vai trò cực kỳ quan trọng góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chốn đền chùa linh thiêng. Mỗi hành động bỏ rác đúng nơi quy định cũng đã góp phần to lớn trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh sạch đẹp. Ngoài ra nó còn góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Thạch Thảo