Ưu tiên bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai

BVR&MT – Tỉnh Nghệ An đang thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

Lũ quét mang theo một lượng lớn bùn, đất đá, rác thải đổ về thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Cụ thể, tỉnh chủ trương bố trí, ổn định dân cư phù hợp với quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng; ưu tiên bố trí ổn định dân cư để phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Cùng với đó, bố trí, ổn định dân cư trên cơ sở nguyện vọng và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục tập quán, sản xuất của người dân địa phương; ưu tiên thực hiện bố trí dân cư xen ghép kết hợp với di dân tập trung…

Thống kê của các địa phương cho thấy, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hoàn thành được 7 dự án đầu tư bố trí dân cư, góp phần ổn định cho 644 hộ dân; trong đó, có 242 hộ vùng thiên tai, 282 hộ vùng biên giới, 120 hộ vùng đặc biệt khó khăn; có 13 dự án với quy mô bố trí cho 887 hộ dân đang thực hiện dở dang, kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành; 4 dự án quy mô bố trí ổn định cho 405 hộ dân tuy đã được phê duyệt nhưng chưa có vốn đầu tư.

Tại Nghệ An, chương trình bố trí, ổn định dân cư đang góp phần tạo điều kiện cho các hộ di dân ổn định chỗ ở và phát triển sản xuất. Cũng thông qua đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các dự án tái định cư được chú trọng đầu tư đồng bộ. Một số địa phương trong tỉnh cũng phối hợp với các ngành chức năng công khai, minh bạch việc thực hiện, khuyến khích các hộ, nhất là các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai di dời nhanh đến nơi ở mới, ổn định sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, việc bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nổi lên đó là nhu cầu hàng năm lớn, trong khi nguồn lực của địa phương hạn chế; mức hỗ trợ cho các hộ dân thấp; người dân tái định cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống sau khi di chuyển vào vùng dự án.

Mặt khác, việc tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho người dân gặp khó khăn do đối tượng bỗ trí sắp xếp ổn định dân cư chủ yếu là khu vực miền núi, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn…

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh, số lượng dự án dở dang, kéo dài vẫn còn nhiều, gây bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương, lãng phí vốn đầu tư. Đơn cử, như dự án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương; dự án xây dựng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp)…