BVR&MT – Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 – 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ thị nêu rõ, từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30 – 40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công ở mức rất thấp; Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m³ nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m³ nước.
Năm 2020, được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020 – 2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu – nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020 – 2021, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020 – 2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015 – 2016, 2019 – 2020.
Cùng với đó, các địa phương cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.
Bộ TN&MT chỉ đạo tổ chức theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn.
Đồng thời, tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đề nghị tăng cường xả nước từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn để góp phần đẩy mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long trong trường hợp cần thiết và hiệu quả…
Hoàng Tôn