BVR&MT – Mặc dù tình trạng nông sản được mùa-mất giá đã diễn ra trong nhiều năm qua và năm nào cũng có ít nhất một loại rau củ quả cần cộng đồng chung tay “giải cứu”nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ dứt điểm tình trạng này bởi nông dân vẫn sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm.”
Các mô hình sản xuất mới đã được doanh nghiệp và các Bộ, ngành áp dụng nhằm tìm ra lời giải cho “bài toán vừa được mùa vừa được giá”. Một trong những mô hình đó là sản xuất liên kết sâu theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao. Đây được xem là “chìa khóa vàng” để nông nghiệp phát triển bền vững.
Nông nghiệp công nghệ cao
Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện có một số mô hình cũng như giải pháp thành công để “đầu ra” của người nông dân sản xuất nhỏ lẻ có sự ổn định, bền vững thông qua hợp đồng liên kết.
Vị đại diện Cục Trồng trọt cũng dẫn chứng ví dụ như: hợp đồng sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở phía Nam. Đã có rất nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp mua với nông dân, được mua dưới rất nhiều hình thức: đầu tư trước vật tư cho nông dân; sau đó doanh nghiệp thu mua sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân; nhờ đó, người nông dân có tiền và trả lại tiền vật tư cho doanh nghiệp.
Với mô hình sản xuất rau ở một số tỉnh phía Bắc, các doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng thu mua nông sản trước khi người nông dân sản xuất.
Mô hình sản xuất nguyên liệu sữa cung cấp cho các nhà máy thì các doanh nghiệp đã phải ký hợp đồng trước với người nông dân.
Những năm qua, nông nghiệp Hưng Yên có sự chuyển đổi mạnh mẽ, nhất là thúc đẩy phát triển những cây, con có lợi thế, hiệu quả kinh tế cao như: gà Đông Tảo, nhãn, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu… Bên cạnh việc phát triển những cây con có thế mạnh hiện nay, Hưng Yên cũng rất chú trọng khâu phát triển thị trường và đầu tư mạnh mẽ nông nghiệp công nghệ cao.
“Cũng trong vùng trồng cà chua của thôn Tính Ninh, xã Trung Nghĩa (Hưng Yên) nhưng trái với tình trạng giá cà chua rớt thảm, bán không ai mua của bà con nông dân thì mô hình trồng áp dụng công nghệ cao theo mô hình của Nhật đã mang lại lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp.”
Đó là những chia sẻ của anh Nguyễn Đình Thiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Rau, củ, quả Nhật Việt (thôn Tính Ninh, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên) sản xuất rau tươi theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng dự kiến 100 tấn/năm.
Giám đốc Nguyễn Đình Thiệp cho biết, mặc dù những ngày qua cà chua của bà con nông dân có giá rất rẻ, thậm chí bán không ai mua thì sản phẩm của công ty anh vẫn ổn định mức giá cũng như thị trường đầu ra.
“Bật mí” về bí kíp sản xuất của mình, anh Thiệp đã không ngần ngại cho hay, khác với mô hình sản xuất của bà con nông dân thì công ty anh đã lựa chọn đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao theo công nghệ của Nhật như mô hình trồng rau trong nhà lưới, ươm hạt trên khay của Nhật, nhập giống từ Nhật về để sản xuất như giống cà chua, xà lách, bắp cải…
“Hiện tại quy mô mới chỉ khoảng được hơn 1ha trồng tất cả các loại rau trồng hàng ngày phục vụ bữa cơm cho người tiêu dùng như bắp cải, xu hào, xà lách, rau muống, rau cải, cà chua… Tuy nhiên, một số giống của Nhật có sự khác biệt như cà chua quả sai hơn, ăn ngon hơn, xà lách ăn giòn hơn, cây to hơn.
Đặc biệt, công ty sản xuất rau theo quy trình VietGAP và chủ yếu sử dụng phân hữu cơ nên năng suất, chất lượng rau rất tốt. Các đoàn khảo sát của Nhật cũng như địa phương về tham quan rất nhiều và họ đánh giá cao mô hình sản xuất của doanh nghiệp,” anh Thiệp cười tươi nói.
Anh Thiệp cũng cung cấp thêm, ở Việt Nam, môi trường khí hậu thuận lợi cho sâu bệnh phát triển nên việc trồng rau trong nhà lưới thì tránh được nhiều tác hại từ môi trường cũng như yếu tố sâu bệnh, hoặc mùa nóng mình che lưới đen có thể giảm nhiệt độ rất nhiều, tránh được các côn trùng sâu bệnh. Từ đó, vừa giảm được chi phí về phân bón, cũng như thuốc bảo vệ thực vật.
“Cụ thể, như cà chua được trồng trong nhà lưới có sự khác biệt so với bên ngoài về chất lượng cũng như năng suất. Trong nhà lưới thì cây cà chua có thể giảm được một số bệnh như sương muối, ngập úng, vàng lá…,” anh Thiệp cho hay.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công ty cũng đã liên kết để có các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để sản xuất theo nhu cầu của thị trường vì thế không có tình trạng bấp bênh khi sản xuất.
Về vấn đề thị trường, anh Thiệp cũng cho biết,chủ yếu công ty có hợp đồng nhập bán và phân phối ở Hà Nội, Hưng Yên và một số đơn hàng ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Giá của một số sản phẩm, hiện một số mặt hàng cao hơn so với giá trên thị trường, ví dụ như cà chua của người dân đang bán chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, thì bên công ty bán lẻ khoảng 25.000 đồng/kg, các đại lý nhập hàng thì có thể chiết khấu thêm 20-30% so với mức giá bán lẻ này.
“Hiện tại doanh nghiệp cũng có một số đơn vị như siêu thị, nhà hàng lớn đặt hàng nhưng công ty chưa dám ký, bởi vì số lượng sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của các đơn vị. Sắp tới công ty cũng dự định mở rộng thêm quy mô lên khoảng 3-5ha, lúc đấy chúng tôi mới đưa hàng vào các siêu thị lớn,” anh Thiệp cho hay.
Ông Nguyễn Văn Doanh , Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết,hiện nay, Sở đang tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên lập dự án xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, tạo chỗ đứng cho nông sản địa phương.
“Theo đó, đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng được 3 – 5 vùng nông nghiệp công nghệ cao (bao gồm các vùng hoa, cây cảnh, rau màu, lúa chất lượng cao) với tổng diện tích khoảng 1.000ha. Trước mắt, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất tập trung, công nghệ cao huyện Văn Giang (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận chủ trương đầu tư),” ông Doanh cho biết.
Thoát khỏi nỗi lo được mùa, mất giá
Bên cạnh khâu ứng dụng công nghệ cao, thì việc liên kết sản xuất cũng là một nút thắt quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững.
Thành công từ mô hình trồng chuối và liên kết với nông dân cũng như hợp tác xã và các doanh nghiệp thu mua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuận Tâm Thành (Hưng Yên) được mệnh danh là “vua chuối” đất Bắc.
Trong lúc rất nhiều cuộc “giải cứu” chuối cho bà con nông dân Đồng Nai và các tỉnh phía Nam do chuối ế ẩm, ở vựa chuối lớn nhất nhì miền Bắc của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuận Tâm Thành (Hưng Yên) “không có hàng bán.”
Anh Phạm Năng Thành, Giám đốc Công ty Thuận Tâm Thành cho biết, hiện nay anh có khoảng hơn 60ha đất trồng chuối ở Hưng Yên (chưa kể diện tích liên kết), sản lượng 3.000-4.000 tấn mỗi năm và công ty đã liên kết bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ trồng chuối lân lận (khoảng 10.000 tấn/năm) với giá trung bình 8.000-10.000 đồng/kg song vẫn không đủ chuối để bán.
“Với diện tích lớn như vậy nhưng nông dân vùng này vẫn yên tâm sản xuất mà không lo rơi vào thảm cảnh được mùa-rớt giá như những khu vực khác bởi phần lớn những dự án này đã được doanh nghiệp vào cuộc và hình thành những chuỗi sản xuất, thu mua khép kín,” anh Thành nói.
Anh Thành cho biết, vùng chuối tiêu hồng của anh được tiêu thụ đa dạng các thị trường chủ yếu bán trong nước tại các siêu thị, chợ, một phần để xuất đi Nga, Hàn Quốc và một vài nước Trung Đông. Do vậy không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hay các thị trường khác nếu có biến cố.
“Bà con còn trồng kiểu tự phát, không tập trung, thì không xuất khẩu được ‘bí cả đầu ra.’ Không cứ gì chuối, nhiều loại hoa quả khác cũng vậy, nên mới sinh ra cảnh ‘thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa,’” anh Thành nói.
Do vậy, theo anh Thành, bà con phải liên kết dạng hợp tác xã, với các doanh nghiệp thu mua và có hợp đồng trồng quy mô lớn, thống nhất cùng một giống, ngày nào phun thuốc, ngày nào bón phân… phải ghi chép rõ ràng. Lúc thu hoạch cần có thời gian cách ly, không thể xuề xoà đối với thị trường xuất khẩu.
“Cái quan trọng là kỹ thuật, đầu vào, đầu ra chúng tôi lo tất. Trước khi thu hoạch 1-2 tháng, chúng tôi đã ký hợp đồng, đặt tiền cọc cho bà con nông dân, mua theo giá thị trường nên họ yên tâm. Đã ký kết lo đầu ra, thì đắt rẻ thế nào tôi cũng là người chịu trách nhiệm,” anh Thành nói.
Nhấn mạnh về mô hình liên kết sản xuất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho hay muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn phải trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ với chuỗi khép kín; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp và du lịch, theo đó thu hút doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ và hình thành các hợp tác xã kiểu mới.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cũng cho hay, việc xây dựng liên kết theo chuỗi đó là một xu hướng tất yếu mà chúng ta phải đi đến. Không thể đi bằng con đường nào khác nhất là trong bối cảnh sản xuất hàng hóa lớn, chúng ta phải có cạnh tranh về mặt chất lượng để có thể vượt qua được hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu đặt ra.
“Trong dài hạn vẫn phải theo chủ trương tinh thần tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để tăng tính cạnh tranh hàng nông sản của chúng ta và làm sao nối kết được với chuỗi giá trị. Làm sao để nông dân trước khi sản xuất thì đã biết tín hiệu thị trường là đối tác cần mặt hàng như thế nào, cần quy chuẩn như thế nào, cần chất lượng như nào, cần giá cả như thế nào và cần bán ở thời điểm nào để tránh những cú sốc về giá như vừa qua,” Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay.
Ông Anh Tuấn cũng đề xuất để Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) được chính thức tham gia vào việc nghiên cứu tìm hiểu thông tin thị trường để mở ra kênh thông tin và kênh tiêu thụ một cách bài bản. Dựa trên đó các cơ quan quản lý nhà nước mới có thể có chính sách phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong việc đàm phán, trong việc xây dựng kênh phân phối và tạo chuỗi liên kết bền vững chuẩn chỉnh cả thị trường trong nước và ngoài nước một cách hiệu quả.