BVR&MT- Tại kỳ họp lần thứ 5 vừa kết thúc mới đây, Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) đã thông qua 14 nghị quyết nhằm tăng cường hành động vì thiên nhiên để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Đại diện từ gần 200 nước thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí thành lập một ủy ban đàm phán liên chính phủ với nhiệm vụ xây dựng một hiệp ước toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa.
Bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khẳng định, đây là thỏa thuận đa phương về môi trường quan trọng nhất kể từ sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo ông Espen Barth Eide, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy, đồng thời là Chủ tịch UNEA-5, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một đại dịch, và nghị quyết vừa được thông qua cho thấy thế giới bắt đầu đi đúng hướng trong việc tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề này.
Cùng với nghị quyết về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa là một nghị quyết quan trọng hỗ trợ thành lập một hội đồng chính sách khoa học toàn diện và đầy tham vọng về quản lý hiệu quả hóa chất, chất thải và ngăn ngừa ô nhiễm. Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng tại kỳ họp thừa nhận cho đến nay con người vẫn chưa quản lý được hóa chất và chất thải – một mối đe dọa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do việc sử dụng rộng rãi đồ nhựa dùng một lần và hóa chất khử trùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo tinh thần của Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030), nghị quyết thứ 3 của UNEA tập trung vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững và quản lý các hệ sinh thái. Nghị quyết kêu gọi UNEP hỗ trợ thực hiện các giải pháp này, đây cũng là cách để bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng và người dân bản địa.
Bên cạnh đó là 3 nghị quyết ưu tiên phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng hiệu quả tài nguyên, các mô hình sản xuất và tiêu dùng, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo việc làm và giảm nghèo.
Một nghị quyết về khoáng sản và kim loại kêu gọi đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường tính bền vững về mặt môi trường của các sản phẩm này trong suốt vòng đời của chúng.
Một nghị quyết về quản lý hồ bền vững kêu gọi các nước thành viên bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, cũng như sử dụng bền vững các hồ, đồng thời tích hợp các hồ vào trong các kế hoạch phát triển quốc gia và khu vực.
Một nghị quyết về cơ sở hạ tầng bền vững và có khả năng chống chịu khuyến khích các quốc gia thành viên lồng ghép những cân nhắc về môi trường vào tất cả các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của họ.
Tuyên bố cấp Bộ trưởng của kỳ họp đã nhận diện nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai và các rủi ro sức khỏe khác nếu con người không xem xét lại cách thức tương tác với thiên nhiên thông qua áp dụng một phương pháp tiếp cận toàn diện như “Một sức khỏe” (One Health).
Trong bối cảnh đó, một nghị quyết về phúc lợi động vật kêu gọi các nước thành viên tăng cường bảo vệ động vật, cụ thể là bảo vệ môi trường sống và đáp ứng các yêu cầu về phúc lợi của chúng.
Một nghị quyết khác về đa dạng sinh học và sức khỏe kêu gọi các quốc gia thành viên giảm thiểu rủi ro về sức khỏe liên quan đến buôn bán các loài động vật hoang dã còn sống bị bắt để làm thực phẩm, thuốc men, nuôi nhốt, và làm thú cưng, thông qua các quy định và kiểm soát vệ sinh.
Tuyên bố cấp Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu và sự phân mảnh môi trường sống chưa từng có trong lịch sử loài người, do những thay đổi trong việc sử dụng đất và biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên, các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững, biến đổi khí hậu, sinh vật ngoại lai xâm lấn, và tình trạng ô nhiễm đại dương, nước ngọt, không khí và đất.
Do đó, UNEA đã thông qua một nghị quyết về việc đẩy mạnh các hành động nhằm giảm thiểu đáng kể chất thải nitơ từ tất cả các nguồn, đặc biệt là thông qua các hoạt động nông nghiệp, giúp tiết kiệm 100 tỷ USD mỗi năm.
Trong bối cảnh các khoản đầu tư liên quan đến Covid-19 phần lớn không đáp ứng được các mục tiêu về môi trường, các bộ trưởng tham dự kỳ họp đã cam kết thúc đẩy quá trình phục hồi bền vững và bao trùm, một quá trình chuyển đổi xanh và công bằng, bằng cách lồng ghép các mối quan tâm về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm vào tất cả các chính sách và công cụ.
Theo đó, UNEA đã thông qua một “nghị quyết về khía cạnh môi trường của quá trình phục hồi bền vững và bao trùm hậu Covid-19”, nhằm tăng cường các biện pháp để đạt được sự phục hồi toàn cầu bao trùm, bền vững.
Các nghị quyết còn lại của UNEA đề cập đến thời gian và địa điểm tổ chức kỳ họp thứ 6 (UNEA-6), tương lai của Triển vọng Môi trường Toàn cầu (GEO), và đại diện công bằng về mặt địa lý trong ban thư ký của UNEP.
Kỳ họp lần thứ 5 tiếp nối của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.2) diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya trong 3 ngày (28/2-2/3), với sự tham gia trực tiếp của hơn 3.400 đại biểu và trực tuyến của 1.500 đại biểu từ 175 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 79 bộ trưởng và 17 quan chức cấp cao.