BVR&MT – Thằn lằn shinglebacks (Tiliqua rugosa) là vật nuôi phổ biến trong gia đình ở Úc nhưng nhu cầu từ nước ngoài ngày càng tăng đối với loài này đang gây ra nhiều mối lo ngại. Các nhà nghiên cứu cảnh báo thằn lằn shinglebacks đang được khai thác từ tự nhiên và được nuôi trong điều kiện tồi tệ nhằm đáp ứng nhu cầu xuất lậu khỏi Úc.
Shinglebacks còn được biết đến với tên gọi “thằn lằn ngủ”, là loài được tìm thấy khắp các khu vực bán khô hạn ở New South Wales, Victoria, Nam Úc và Tây Úc. Chúng có 4 phân loài, trong đó một phân loài có nguy cơ tuyệt chủng và chỉ được tìm thấy trên đảo Rottnest của Tây Úc.
Nghiên cứu từ Đại học Adelaide và Hiệp hội nghiên cứu bảo tồn Monitor phát hiện thấy số lượng ngày càng tăng số lượng thằn lằn shingleback được niêm yết trên các thị trường vật nuôi kỳ lạ ở nước ngoài.
Nhà nghiên cứu Adam Toomes cho biết: “Có ít nhất 13 quốc gia khác nhau trên khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đang quảng cáo bán thằn lằn shingleback. Mặc dù số lượng cá thể động vật thực tế được quảng cáo có thể không lớn nhưng tác động bảo tồn đối với các loài bị đe dọa là rất đáng chú ý”.
Việc săn trộm và đưa động vật bản địa ra nước ngoài là bất hợp pháp và được quản lý chặt bởi chính quyền biên giới Úc nhưng sự kiểm soát ấy sẽ không còn khi động vật rời khỏi quê hương của chúng.
“Chúng thường bị quấn trong băng và nhét trong những thứ như tất hoặc một thùng bưu phẩm nhỏ, thậm chí là gói khoai tây chiên Pringle hoặc bất cứ thứ gì bạn có thể tưởng tượng”, Toomes cho biết.
Cũng theo Toomes, chính yếu tố mới lạ của việc sở hữu một loài động vật bản địa của Úc đã thúc đẩy nhu cầu săn mua shingleback.
Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Úc cho biết đã có sự gia tăng buôn lậu động vật bản địa trước khi xảy ra đại dịch nhưng việc giảm lượng du lịch quốc tế đã làm chậm hoạt động buôn bán này. Bộ đã khởi tố 7 vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã kể từ tháng 12/2020.
Toomes và đồng nghiệp mong muốn chính phủ liên bang tiến xa hơn trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán thằn lằn shingleback ở nước ngoài bằng cách bổ sung loài này vào Công ước CITES.
Công ước bao gồm 3 phụ lục, trong đó, những thay đổi đối với hai phụ lục đầu cần có sự chấp thuận tại Hội nghị thành viên 3 năm một lần. Riêng với phụ lục III thì có thể nhanh hơn, liên quan đến việc chính phủ cần liên hệ với Ban thư ký CITES và cung cấp bằng chứng tại sao một loài cần được bảo vệ và đây cũng là hướng hành động mà các nhà nghiên cứu mong muốn chính phủ thực hiện.
“Chúng tôi có thể cung cấp bằng chứng đó thông qua nghiên cứu của mình”, ông Toomes cho biết.
Người phát ngôn của Bộ thông tin thêm rằng Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley sẽ nộp đơn xin đưa thằn lằn shingleback vào danh sách CITES dù chưa rõ loài được đưa vào nhóm phụ lục nào.
Cũng theo vị này, tội phạm về động vật hoang dã là một vấn đề toàn cầu và đòi hỏi phải có khả năng phối hợp để phá vỡ. Các cuộc điều tra tội phạm gần đây đã phát hiện ra các mối liên hệ đáng kể giữa các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã ở Úc và nước ngoài. Việc tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo của chúng tôi với các đối tác quốc tế là rất quan trọng để đạt được những tác động lâu dài chống lại các tổ chức buôn bán động vật hoang dã hoạt động ở Úc và nước ngoài.
Ngọc Long (Theo abc.net.au)