BVR&MT – Ngôi nhà sàn truyền thống không chỉ là không gian sinh hoạt thường ngày mà còn là không gian mang đậm chất văn hóa của người Tày, Nùng, Dao, Cao Lan. Trong nhịp sống hiện đại, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Sơn vẫn lưu giữ và bảo tồn nếp nhà sàn độc đáo.
Không gian sinh hoạt, văn hóa thiêng liêng
Ngôi nhà đã tồn tại hơn 40 năm của gia đình bà Lý Thị Thìn, 78 tuổi được xem là một trong những ngôi nhà sàn lâu đời nhất nơi đây. Theo lời bà Thìn, nhà sàn của người Dao phải là 3 gian 2 chái, hoặc 5 gian 2 chái, số cửa phải là con số lẻ, cầu thang cũng là 7, 9 hoặc 11 bậc. Người Dao quan niệm, những con số lẻ là những con số mang đến sự may mắn, sung túc. Nhà sàn được người Dao dựng lên từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên, gỗ làm nhà là gỗ không bị mối mọt, mái được lợp bằng lá cọ, buộc bằng lạt giang hoặc mây bền chắc.
Ngôi nhà được chia làm 3 tầng, tầng thứ nhất là gầm sàn dùng để nông cụ, nông sản; tầng thứ 2 là mặt sàn nơi sinh hoạt của đại gia đình; tầng thứ 3 là gác trên nơi cất giữ những kỷ vật của gia đình. Bà Thìn chỉ tay lên gác trên cho tôi xem, nơi mà khói bếp đã làm ố vàng những cây nứa già, bà bảo biết bao nhiêu thế hệ con cháu đã ở và lớn lên từ ngôi nhà này. Giờ các con, các cháu đã lập gia đình và ra ở riêng nhưng cũng đều xây cho tổ ấm của mình một ngôi nhà sàn truyền thống của người Dao.
Đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng, Cao Lan ở Yên Sơn có thói quen dựng nhà mang nét riêng, nhưng kiến trúc, kết cấu ngôi nhà thì có nhiều nét tương đồng. Nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Dao có 4 mái phẳng, thì nhà sàn người Nùng lại có 2 mái cân nhau, lợp bằng ngói âm dương.
Theo anh Sùng Văn Tây, Trưởng thôn Làng Yểng, xã Hùng Lợi cho biết, để làm được một ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Nùng rất khó khăn, chi phí có thể lên đến 300 – 600 triệu đồng. Vì vậy ngay từ khi chuẩn bị làm nhà, chủ nhà phải mất một thời gian khá dài, từ 1 – 2 năm để chuẩn bị nguyên vật liệu, chọn thợ lành nghề, xem hướng nhà, ngày giờ động thổ dựng nhà…
Khi hoàn thành xong việc lắp ghép cột, người thợ phải đặt những hòn đá tảng to, rộng để tạo nền chân cột chống mối mọt, ẩm mốc, giúp ngôi nhà vững chắc. Kết cấu ngôi nhà có 36 cột, trong đó, 28 cột chính và 8 cột phụ, đây là bộ khung quyết định cho sự vững chắc tạo nên hình dáng ngôi nhà, cột có trụ vững trên mặt đất là điểm tựa ngôi nhà. Đặc biệt, mỗi ngôi nhà đều có góc khóa khung để ngôi nhà không bị xê dịch, mặt trước ngôi nhà thường được bưng bằng ván, còn hai bên đầu hồi và mặt đằng sau trát vách đất trộn rơm, sàn ngồi thường bằng gỗ hoặc tre già. Ở Làng Yểng hiện vẫn còn giữ được hơn 20 nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Nùng.
Gắn với phát triển du lịch
Đồng chí Lý Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết, hiện xã có gần 1.500 nếp nhà sàn. Vì vậy, xã luôn khuyến khích các gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số chủ động gìn giữ, sửa chữa, làm mới những căn nhà sàn của mình. Không chỉ ở Mỹ Bằng, nhiều nơi của huyện Yên Sơn vẫn còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu để Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể để bảo tồn nếp nhà sàn. Đặc biệt, trong đề án bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, huyện chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển du lịch.
Hiện nay, huyện đang thực Đề án Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Làng Văn hóa Động Sơn có 126 hộ, trong đó 100 hộ vẫn ở ngôi nhà sàn truyền thống, đã có 5 hộ có nhà sàn làm du lịch cộng đồng. Nhân dân đã biết lồng ghép phát huy các giá trị của ngôi nhà sàn để phát triển các dịch vụ du lịch như phục dựng lại Lễ hội tắm lửa của đồng bào Cao Lan, tắm lá thuốc thơm của đồng bào dân tộc Cao Lan, thưởng thức các món ăn ẩm thực, cùng bà con giao lưu văn hóa, văn nghệ, hát sình ca Cao Lan, chơi những trò chơi dân gian…
Bà Hoàng Thị Hoa, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn phấn khởi khoe, ngôi nhà sàn của bà đã gắn bó với hai vợ chồng và các thành viên trong gia đình hơn 40 năm qua. Dịp Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 vừa qua, ngôi nhà sàn của gia đình bà đã đón hàng chục đoàn du khách về nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, nghe hát Sình ca.
Mảnh đất và con người Yên Sơn hôm nay dẫu có nhiều đổi thay, nhưng nếp nhà sàn, không gian sống của đồng bào dân tộc nơi đây vẫn được người dân gìn giữ, phát huy để văn hóa dân tộc được trường tồn cùng thời gian.