BVR&MT – Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cắt giảm 16 thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu các loài động vật, thực vật hoang dã thuận tiện, đúng theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, những năm gần đây ở một số địa phương trong tỉnh xuất hiện những mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi động vật hoang dã, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có 85 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, trong đó có 69 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc phụ lục CITES với 25.236 cá thể gồm rắn hổ mang thường, rắn ráo trâu, cầy vòi mốc, cầy vòi hương và 16 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường với 844 cá thể gồm hươu sao, dúi, nhím bờm. Việc gây nuôi đã góp phần tạo sinh kế, cải thiện thu nhập và phần nào hạn chế hoạt động khai thác, săn bắt, sử dụng động vật hoang dã từ tự nhiên.
Trên địa bàn huyện Lâm Bình hiện có 6 cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường; động vật rừng nguy cấp quý hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES với loài vật nuôi như: Hươu sao, dúi, cầy vòi mốc, cầy vòi hương. Theo ông Hoàng Văn Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình, huyện hiện có hơn 70.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là môi trường sống của nhiều loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Do vậy, việc siết chặt quản lý cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép là rất cần thiết góp phần hạn chế tình trạng người dân săn bắt động vật rừng ngoài tự nhiên. Nhờ làm tốt công tác quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi nên những năm gần đây tình trạng săn bắt các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ngoài tự nhiên trên địa bàn huyện giảm hẳn.
Thấy được lợi ích nhiều mặt trong việc gây nuôi động vật hoang dã, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm trong tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi. Các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều được Hạt Kiểm lâm các huyện tạo điều kiện thuận lợi như làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi (nếu có nguồn gốc vật nuôi hợp pháp, bảo đảm vệ sinh môi trường) và xuất, nhập cho người chăn nuôi.
Việc cấp phép chăn nuôi động vật hoang dã ngoài hiệu quả về hạn chế việc săn bắt ngoài tự nhiên, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi động vật hoang dã theo quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình chăn nuôi cầy của anh Tạ Văn Tuân, thôn Mới, xã Minh Thanh (Sơn Dương). Đầu năm 2021, gia đình anh đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, xây dựng chuồng trại chăn nuôi cầy vòi mốc và cầy vòi hương với đầy đủ hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường và được cấp thẩm quyền cấp giấy phép cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi động vật hoang dã.
Với 44 cá thể ban đầu, đến nay cơ sở của anh Tuân đã phát triển lên hơn 70 cá thể. Anh Tuân cho biết, việc ghi chép hoạt động chăn nuôi, xuất, nhập cá thể nuôi tại cơ sở được thực hiện nghiêm túc. Con cầy giống và cầy thương phẩm của cơ sở xuất ra thị trường đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, có giấy tờ hợp lệ. Từ việc cung cấp cầy giống và cầy thương phẩm ra thị trường mỗi tháng cơ sở của anh Tuân thu lãi từ 30 – 40 triệu đồng.
Để đưa hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã đi vào nền nếp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình nuôi, nhốt động vật hoang dã. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp mã số trại nuôi, cấp phát sổ theo dõi liên quan đến hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã cho các Hạt kiểm lâm huyện và các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trong tỉnh để ghi chép, lưu trữ những thông tin liên quan đến việc quản lý được thuận lợi, hiệu quả.