BVR&MT – Năm 2017, Tuyên Quang có 7 xã về đích NTM. Điểm nổi bật trong xây dựng NTM những năm qua ở Tuyên Quang là bê tông hóa đường giao thông và kiên cố hóa hệ thống kênh mương gắn với giao thông nội đồng; cùng đó, tỉnh Tuyên Quang thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung; cơ cấu lại lao động nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
6 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2018 là Lăng Can (Lâm Bình), Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), Nhân Mục (Hàm Yên), Phúc Ninh (Yên Sơn), Sơn Nam (Sơn Dương), Thái Long (TP Tuyên Quang). Đưa tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) toàn tỉnh lên 29 xã. Có tiền đề từ các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và những năm trước, các xã này cũng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đến hết năm 2017, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM đạt hơn 2.197 tỷ đồng. Trong đó, 31 xã được hỗ trợ 14,9 tỷ đồng từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, 22 hợp tác xã được hỗ trợ 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng của nhân dân.
Từ nguồn vốn này, các xã triển khai hiệu quả các dự án, mô hình phát triển sản xuất, tập trung vào một số lĩnh vực: Phát triển chăn nuôi trâu, cá đặc sản, lợn, vịt đặc sản, trồng rau an toàn; trồng chè; trồng cây ăn quả.
Đến nay, đã có nhiều sản phẩm thành hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, ngày càng đáp ứng nhu cầu số lượng, chất lượng phục vụ thị trường người tiêu dùng như: Gạo chất lượng cao Kim Phú, bưởi ngọt Xuân Vân, miến dong Lực Hành, cam sành Hàm Yên, chè Vĩnh Tân…
Đình Tưởng