BVR&MT – Tỉnh Tuyên Quang có diện tích đất lâm nghiệp gần 450 nghìn ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên. Đây là tiềm năng để bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch sinh thái, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ổn định, công tác quản lý, bảo vệ rừng cần tiếp tục được hoàn thiện, nhất là trồng rừng gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Quản lý rừng bền vững
Xác định phát triển lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giữ gìn môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn gen động vật rừng, góp phần ổn định trật tự xã hội và cải thiện đời sống của người dân, những năm qua cả hệ thống chính trị tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc, tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, linh hoạt trong điều hành, tháo gỡ kịp thời khó khăn, tồn tại. Đến nay, độ che phủ rừng luôn ổn định ở mức hơn 64%, đứng thứ ba trong các tỉnh có rừng của cả nước. Kinh tế lâm nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 12% trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 – 2014 đạt 6,2%/năm. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, sau khi UBND tỉnh nhất trí chủ trương quản lý rừng bền vững và xây dựng chứng chỉ rừng tại các công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp thuộc tỉnh. Sở đã chủ động liên hệ, mời gọi nhà đầu tư là Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang phối hợp các công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp, thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn để khảo sát tiền đánh giá, xây dựng lộ trình cụ thể cho từng hoạt động, trách nhiệm của các bên, tiến tới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 16 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ.
Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng là một chủ trương lớn, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo. Ngoài ra, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các xã trong việc triển khai cấp chứng chỉ rừng, sự phối hợp, hỗ trợ từ doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ gỗ và sự đồng thuận, quyết tâm của các đơn vị chủ rừng về mục đích cũng như phương thức hợp tác đầu tư, đã tạo tiền đề để Tuyên Quang ngày càng nâng cao độ che phủ của rừng, cũng như phát triển kinh tế trên địa bàn. Sau ba năm thực hiện phương án quản lý rừng bền vững đã góp phần nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải thay đổi phương thức quản lý, tập quán canh tác, cách tiếp cận với phương thức quản lý, sản xuất tiên tiến của các chủ rừng. Đặc biệt là nhận thức được sự ảnh hưởng trực tiếp của phương thức sản xuất mới đến môi trường, xã hội và kinh tế. Kết quả đạt được trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi và kinh nghiệm tốt trong việc triển khai cấp chứng chỉ cho số diện tích rừng còn lại. Bởi thực tế cho thấy, gỗ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững có giá trị thu nhập cao hơn gỗ không có chứng chỉ từ 10 đến 15%, thu nhập từ rừng tăng thêm từ 10 đến 12 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cũng gặp một số khó khăn. Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) Lê Thị Thanh Hà cho biết, cấp chứng chỉ quản lý rừng là việc làm mới, cần nhiều nhân lực, thời gian và kinh phí, đồng thời tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội. Vì vậy, quá trình hoàn thiện hồ sơ để đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí đánh giá của Hội đồng quản trị rừng, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan, nhất là chủ rừng. Việc thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, quản lý truyền thống của người dân cũng còn nhiều khó khăn.
Gắn với tiêu thụ sản phẩm
Từ năm 2006 đến nay, Tuyên Quang đã xây dựng và điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) cho phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của từng thời kỳ, theo nguyên tắc giữ ổn định rừng đặc dụng, điều chỉnh giảm diện tích rừng phòng hộ, tăng diện tích rừng sản xuất. Trong đó xác định cụ thể các vùng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu nguyên liệu giấy và gỗ lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu, nhất là chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm gỗ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, Tuyên Quang là tỉnh có thị trường tiêu thụ gỗ ổn định, bền vững và rất thuận lợi so với các tỉnh trong khu vực. Điển hình như Công ty cổ phần giấy An Hòa, công suất tiêu thụ hơn 500 nghìn m3 gỗ nguyên liệu giấy và 195 nghìn tấn nguyên liệu sợi dài/năm; Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, công suất 170 nghìn m3 sản phẩm xuất khẩu/năm, nhu cầu nguyên liệu khoảng hơn 210 nghìn tấn nguyên liệu gỗ xẻ. Trên địa bàn tỉnh còn có Nhà máy đũa Phúc Lâm, công suất 250 triệu sản phẩm/năm, nhu cầu về nguyên liệu 10 nghìn m3 gỗ bồ đề; Nhà máy đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang, công suất 7.500 tấn sản phẩm, nhu cầu nguyên liệu từ 25 đến 30 nghìn tấn/năm, cùng 230 cơ sở chế biến khác đang hoạt động. Các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ cơ bản phù hợp quy hoạch vùng nguyên liệu, góp phần khích lệ người trồng rừng yên tâm đầu tư phát triển rừng gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ.
Để giúp các nhà máy, cơ sở sản xuất yên tâm tiêu thụ sản phẩm gỗ trồng, đồng thời huy động vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, Tuyên Quang đã thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư từ Trung ương thông qua các dự án. Tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế trang trại bằng hình thức hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay, đa dạng các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp với hộ gia đình. Thực hiện tốt hợp tác, các công ty tiêu thụ gỗ đứng chân trên địa bàn cũng đẩy mạnh hỗ trợ người trồng, tạo đầu ra ổn định, bảo đảm sản xuất của người dân. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nhân sự đối ngoại (Công ty cổ phần giấy An Hòa) Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm 2012 đến nay, công ty đã hỗ trợ cây giống cho 1.128 hộ gia đình trồng hơn 2.200 ha rừng trong vùng quy hoạch nguyên liệu của công ty, tương đương số vốn đầu tư 9,7 tỷ đồng.
Bảo đảm vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được các tổ chức quốc tế đánh giá chứng nhận, Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang) Đỗ Đình Huy đánh giá: Trước mắt, công ty triển khai hỗ trợ ngay bước xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ. Ngoài ra, công ty có kế hoạch từ năm 2018 trở đi, sẽ có chính sách liên kết, hỗ trợ cây giống chất lượng cao, tác động quy trình kỹ thuật lâm sinh để cải thiện chất lượng gỗ rừng trồng, tăng năng suất và sản lượng gỗ tròn trên một đơn vị diện tích đối với đối tượng chủ rừng là tổ chức và hộ gia đình trong vùng. Mặt khác, hướng dẫn người trồng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất rừng trồng, xóa bỏ tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp để canh tác nương rẫy, góp phần tích cực vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.