BVR&MT – Chiều 28/11, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và các bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 400 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực an sinh xã hội tham dự chương trình.
Bộ LĐTB&XH cho biết chương trình tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” nhằm động viên, khích lệ những tâm gương tiêu biểu, tạo ra sự lan tỏa tới toàn xã hội, nhân rộng các điển hình, góp phần xây dựng, giữ gìn và nâng cao đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “Thương người như thể thương thân”.
Đây cũng là hoạt động của Ngành LĐTB&XH hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (Đề án 32), đánh dấu một mốc quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam.
Trong số 400 đại biểu về dự Lễ tuyên dương “Những tâm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, có l97 đại biểu là nữ, 8 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 4 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội;
Cùng với đó là 100 đại biểu là những nhân viên đang công tác trong lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng tại các trung tâm, cơ sở điều trị và 300 đại biểu là những cá nhân đang công tác và làm việc tại đủ các thành phần kinh tế trong đời sống xã hội.
Đây là những điển hình xuất sắc trong thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Họ là những tấm gương sáng thầm lặng, bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình đang hàng ngày chăm lo cho cộng đồng xã hội, cho những người yếu thế, thiệt thòi hơn trong cuộc sống nhưng hết sức bình dị, đời thường, bằng những công việc, hành động thầm lặng vì cộng đồng, không đòi hỏi điều gì lớn lao ở xã hội.
Tại buổi lễ, những con số rất ý nghĩa về an sinh xã hội gần nửa năm qua được điểm lại, đó là hơn 7.000 tấn gạo đã được cấp phát, 24 triệu thẻ bảo hiểm y tế được chuyển tới tay người nghèo, hơn 12.500 tỷ đồng được giải ngân để hỗ trợ người khó khăn trong đại dịch COVID-19…
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và 2 cá nhân về thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 – 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của người Việt Nam luôn được kế thừa và phát huy mạnh mẽ, làm nên sức mạnh to lớn, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và những mất mát, đau thương của đồng bào miền Trung do thiên tai, bão lũ, thì truyền thống ấy lại được đồng bào và chiến sĩ cả nước thắp sáng lên bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều hành động dũng cảm và bằng cả sự hi sinh cao cả của những người lính trong thời bình, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì đồng bào.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận và trân trọng cảm ơn những tấm lòng vàng, những hoạt động thiện nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật trên con đường hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.