BVR&MT – Đó là một trong những nhận định quan trọng được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến chia sẻ kết quả báo cáo “Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019”.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 trên toàn thành phố Hà Nội đang vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Năm 2019, số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 2.855 ca tương đương với khoảng 35,5 ca tử vong sớm/100.000 dân.
Nồng độ PM2.5 cao nhất ở các quận nội thành Hà Nội
Sáng ngày 12/8, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công Cộng (HUPH), Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) công bố những dữ liệu mới nhất về tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 tại Hội thảo trực tuyến chia sẻ kết quả báo cáo “Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019”.
Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp để đánh giá gánh nặng bệnh tật do tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Chung tay vì Không khí Sạch do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Theo báo cáo, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 μg/m3 đến 39,4μg/m3. Các quận nội thành Hà Nội: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2,5 cao nhất – đây là những khu vực có diện tích nhỏ nhưng tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các huyện ngoại thành có nồng độ bụi PM2,5 thấp hơn như: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức…do có hệ thống đồi núi phủ rộng, dân cư thưa thớt góp phần cải thiện chất lượng không khí đáng kể.
Tuy nhiên, khi thống kê nồng độ bụi mịn PM2.5 trên toàn thành phố Hà Nội, ngay cả những huyện ngoại thành có chỉ số thấp nhất song đều vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia về nồng độ bụi mịn.
Trong quá trình thực hiện, PGS.TS Nguyễn Thị Nhât Thanh – Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội) cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện độ chính xác bản đồ ONKK như sau: Về mạng lưới quan trắc chất lượng không khí (CLKK) toàn quốc cần được mở rộng để có kết quả mô hình hóa chính xác hơn, sử dụng bản đồ phân bố nồng độ các chất ONKK trong đánh giá tác động ONKK lên sức khỏe tại các tỉnh/TP và phạm vi toàn quốc và có chiến lược xây dựng bản đồ phân bố các chất ONKK có độ phân giải không gian cao, để nâng cao chất lượng công tác đánh giá và quản lý CLKK cấp quận/huyện.
Gánh nặng bệnh tật do phơi nhiễm bụi PM2.5
Trong năm 2019, thế giới có khoảng 6,67 triệu người chết do phơi nhiễm với ONKK , trong đó có 4,14 triệu ca tử vong do PM2.5 bên ngoài.
Tại Việt Nam, ONKK là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau các bệnh cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến chế độ dinh dưỡng.
Liên quan đến gánh nặng bệnh tật do phơi nhiễm bụi PM2.5, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung – Trường Đại học Y tế Công Cộng đưa ra các con số tử vong và nhập viện tại Hà Nội năm 2019.
Cụ thể, số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân. Tổng số năm sống bị mất của người dân Hà Nội do tử vong vì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí là 79.933 năm. Kỳ vọng sống bị mất đi do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 908 ngày, tức là 2,49 năm tuổi. Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng là những quận có tỷ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận/ huyện khác trên địa bàn thành phố.
Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội.
Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, báo cáo nêu rõ những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội năm 2019 được kiểm soát. Cụ thể, nếu nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 tại Hà Nội được kiểm soát ở mức 25 μg/m3
(QCVN 2013), số ca tử sớm do ô nhiễm đã tránh được là 2.575 ca; Hà Nội tránh được tổng số 71.613 năm sống bị mất và kỳ vọng sống đã có thể tăng lên 812 ngày, tức là khoảng 2,22 năm tuổi.
Mặt khác, nếu nồng độ bụi PM2,5 tại Hà Nội năm 2019 được kiểm soát ở mức 10 μg/m3 (mức khuyến cáo của WHO), số ca tử vong sớm do ô nhiễm đã tránh được là 4.222 ca. Như vậy, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên 3,88 năm và tránh được 123.103 năm sống bị mất.
“Những kết quả trong nghiên cứu này có thể thấp hơn nhiều so với mức tác động “thực tế” do sự thiếu hụt dữ liệu. Số liệu về số ca tử vong chỉ phản ánh được khoảng 80% số ca tử vong tại Việt Nam”, bà Nhung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng giả định giá trị nồng độ PM2,5 trung bình năm thấp nhất của Hà Nội tại một vùng lý tưởng là 22,9μg/m3, cao hơn mức khuyến cáo của WHO (10μg/m3) cho an toàn sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, kết quả lập bản đồ bụi PM2,5 chịu ảnh hưởng của sai số đối với số liệu từ các trạm quan trắc không khí tại Hà Nội.
Khuyến nghị chính sách ứng phó ONKK
Sau quá trình thực hiện, nhóm thực hiện cũng đưa ra 6 khuyến nghị chính sách để bảo vệ sức khỏe con người.
Cụ thể, khuyến nghị chung nhất là lập và thực hiện kế hoạch liên ngành bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ứng phó với ONKK. Để hỗ trợ cho việc ứng phó này, cần phát triển hệ thống dự báo CLKK và cảnh báo các đợt ONKK, định kỳ rà soát và nâng cao các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về CLKK và các nguồn thải, rà soát và tăng cường thực thi, giám sát các chính sách quản lý CLKK và đánh giá hiệu quả chính sách quản lý CLKK.
Để ứng phó ONKK có hiệu quả cần sự chung tay của nhiều bên liên quan, việc truyền thông, nâng cao nhận thức về hiện trạng CLKK và tác động sức khỏe tới người dân, đặc biệt với đối tượng dễ bị tổn thương cần được chú trọng.
Bên cạnh đó, sẽ có thời điểm ONKK trở nên nghiêm trọng, điều này đồng nghĩa với việc cần phải có những cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương (về môi trường, y tế…) đề ra kịch bản và nhóm biện pháp cụ thể với đối tượng cụ thể để đưa ra dự báo, cảnh báo về ONKK và công bố hàng ngày rộng rãi đến người dân thông qua các phương tiện truyền thông. Việc này sẽ giúp người dân có thể chủ động bảo vệ sức khỏe khi có đợt ONKK nặng.
Một số giải pháp cộng đồng mà Hà Nội đã thực hiện, tại nhiều trường quốc tế đã lắp đặt máy đo không khí và đưa ra những khuyến nghị, giải pháp bảo vệ sức khỏe rất cụ thể dành cho nhóm học sinh, phụ huynh khi CLKK ở ngưỡng gây hại cho sức khỏe. Cùng với đó, một số sáng kiến về giáo dục đang được thực hiện tốt ở nhiều trường học trong nội thành Hà Nội, tạo ra những “vùng xanh” nhằm hạn chế mức độ ONKK ở nhiều khu vực.
Theo một số kinh nghiệm trên thế giới, việc mời người dân cùng tham gia các hoạt động theo dõi CLKK, bảo vệ sức khỏe cộng đồng đang được diễn ra rộng rãi, thậm chí mạnh mẽ trên nhiều châu lục. Người dân có thể truy cập dữ liệu thông qua cảm biến CLKK, từ đó chia sẻ thông tin cho cộng đồng.
Cũng theo diễn giả, dự thảo Nghị định Luật BVMT đang khuyến khích sự tham gia của cá nhân, tổ chức vào quan trắc và công bố thông tin môi trường. Tuy nhiên, dự thảo này đưa ra yêu cầu kĩ thuật chặt chẽ như quan trắc phục vụ quản lý nhà nước, việc này sẽ gây ra nhiều hạn chế về mặt kĩ thuật, không công bằng, khó tận dụng được thành quả 4.0.
Dù ở Việt Nam hay trên thế giới, việc tham gia theo dõi CLKK và bảo vệ sức khỏe là rất cần thiết. Trong tương lai, hy vọng Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương ONKK như: trẻ em, người già, phụ nữ mang thai…Nâng cao nhận thức của người dân và huy động sự tham gia của truyền thông.
Báo cáo kết quả nghiên cứu này nhằm củng cố các bằng chứng khoa học cho thấy tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng, từ đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về quản lý và cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các hoạt động đánh giá chất lượng không khí cần được mở rộng, đồng thời các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng cần được hoạch định và triển khai kịp thời.
Đào Thúy