BVR&MT – Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số cán bộ đã đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Cùng với Bác, Tổng hành dinh rút khỏi Hà Nội, tiến về Chiến khu Việt Bắc. Từ đây, “Thủ đô gió ngàn” là nơi ra đời nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước. Lịch sử hào hùng cũng chính là động lực để Đảng bộ và nhân dân huyện Định Hóa nêu cao tinh thần quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Từ năm 1947 đến 1954, ATK Định Hóa là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn đặt căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian này, ATK Định Hóa đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, trong đó ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Hồ Chủ tịch đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân (1953-1954), quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ đó làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”… Những năm tháng đó, Thủ đô kháng chiến đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ một địa bàn lý tưởng để sống, làm việc và lãnh đạo toàn dân trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết, phát huy giá trị truyền thống lịch sử, nhân dân Định Hóa hôm nay cùng đồng lòng bước tiếp vào một cuộc cách mạng mới, đó là hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2023 theo đúng kỳ vọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đến thăm ATK Định Hóa.
Toàn huyện đã có 11/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 11 tiêu chí trở lên. Đối với 9 tiêu chí của huyện nông thôn mới, Định Hóa mới đạt được 2/9 tiêu chí là thủy lợi, phòng chống thiên tai và chất lượng môi trường sống. Để đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023, Định Hóa đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ có 5 xã về đích và năm 2023 sẽ có 6 xã còn lại về đích. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm Sơn Phú, Phú Đình và Kim Phượng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, để hoàn thành mục tiêu, huyện chú trọng vào một số giải pháp chính gồm: Quy hoạch nông thôn gắn với quy hoạch phát triển đô thị; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, nông thôn…Theo đó, huyện sẵn sàng những điều kiện tốt nhất với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đón đầu tư vào hạ tầng các cụm công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Đồng thời, huyện huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng nông thôn; xóa nhà dột nát; xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa một số thiết chế văn hóa…
Để cán đích huyện nông thôn mới vào năm 2023, Định Hóa cần tổng vốn hơn 1900 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã xác định được 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn theo cơ chế phân bổ của Trung ương, của tỉnh, vốn ngân sách huyện, xã theo các chương trình, đề án và đóng góp của người dân, doanh nghiệp; còn 700 tỷ đồng huyện mong muốn được Trung ương, doanh nghiệp hỗ trợ bằng các công trình cụ thể trên địa bàn.
Tại buổi hội thảo đóng góp vào “Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức vào tháng 4/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, việc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại Định Hóa có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân đối với vùng đất cách mạng, an toàn khu đầu tiên của cả nước, là chủ trương của Đảng và nhà nước về xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Do vậy, Thứ trưởng thống nhất chủ trương phân bổ nguồn ngân sách trung ương của các chương trình mục tiêu quốc gia trong cả giai đoạn sẽ được tập trung trong hai năm 2022 và 2023. Đối với một số tiêu chí “mềm” như an ninh trật tự, nước sạch, vệ sinh môi trường, thu nhập, giảm nghèo…huyện có thể chủ động triển khai bằng hình thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, đối với đề án “Xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023”, Thứ trưởng đề nghị nâng lên Đề án cấp tỉnh để có sự kết nối chặt chẽ giữa trung ương với địa phương thông qua từng ngành cụ thể, từ đó việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn sẽ mang lại hiệu quả cao.
Truyền thống cách mạng, giá trị lịch sử hào hùng của mảnh đất và con người Chiến khu Việt Bắc đã và đang tiếp thêm sức mạnh, ý chí để Định Hóa hôm nay vững tin trên đường phát triển.