BVR&MT – Đó là một trong những ý kiến tiêu biểu đưa ra tại Hội thảo về “Chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch truyền thông về tăng cường quản trị rừng tại Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pannature), WWF và Trung tâm con người và rừng phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 21/9.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Bộ NN&PTNT, các Trung tâm nghiên cứu, mạng lưới VNGO – FLEGT hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo đánh giá, Việt Nam vẫn là nước có nhiều người nghèo, người dễ tổn thương, đặc biệt là ở vùng nông thôn và các cộng đồng dân tộc thiểu số sống phụ thuộc và tài nguyên rừng. Trong khi đó rừng đang phải chịu nhiều áp lực, gồm cả khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, một cuộc đánh giá quản trị rừng có sự tham gia của những người được tham gia đánh giá, rằng quản trị rừng tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.
Có một thực tế đáng lưu ý trong những năm gần đây đó là độ che phủ rừng tại Việt thì tiếp tục tăng, tuy nhiên chất lượng rừng cũng như mức độ đa dạng sinh học lại ngày càng giảm, rừng nguyên sinh chỉ còn trên dưới 1 triệu ha, còn lại rừng nghèo kiệt.
Điều này đặt ra mục tiêu tổng quát cho ngành Lâm nghiệp giai đoạn sắp tới cần nâng cao năng suất và phát huy giá trị của từng loại rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho người dân từ rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội. Mục tiêu 2020: tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt từ 5,5 đến 6%, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích các loại đạt 14,4 triệu ha, năng suất rừng trồng đạt 20m³/ha/năm, giá trị lâm sản xuất khẩu từ 8 đến 8,5 tỷ USD, duy trì 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Tại Hội thảo, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm và bài học truyền thông của các tổ chức xã hội đã và đang tham gia thực hiện các sáng kiến lâm nghiệp mới, đặc biệt là Sáng kiến Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) và Sáng kiến Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (FLEGT), Hội thảo cũng dành nhiều thời gian thảo luận và xác định các nội dung truyền thông ưu tiên nhằm thúc đẩy quản trị rừng tốt, đồng thời trao đổi về khả năng hợp tác giữa các bên liên quan trong việc xây dựng, thực hiện các hoạt động truyền thông về rừng trong bối cảnh mới.
Riêng đối với hai sáng kiến REDD+ và FLEGT, ông Hoàng Xuân Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng cần tăng cường truyền thông một số nội dung quan trọng như: Các đối tượng chủ rừng, Quyền sử dụng đất rừng và quyền tiếp cận tài nguyên rừng; quản lý rừng bền vững (sản xuất rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ); chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững (dịch vụ khuyến lâm, giống, tài chính, bảo hiểm; đào tạo nghề rừng); thông tin tiếp cận thị trường lâm sản, tư vấn pháp lý giải quyết tranh chấp; cải thiện hợp tác công tư, hợp tác doanh nghiệp cộng đồng, hộ gia đình trong chuỗi sản phẩm nông lâm sản.
Ngoài các nội dung nêu trên, một số đại biểu cũng góp ý cần thúc đẩy truyền thông về vấn đề sự tham gia của các chủ rừng trong hoạt động quản trị; vấn đề thiếu đất ở và đất sản xuất tại các đồng bào dân tộc thiểu số; tham nhũng đất đai, tranh chấp, xung đột đất đai; vấn đề minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng như tiếng nói đồng thuận của các bên liên quan.
Song song với đó, Hội thảo cũng chia sẻ về phương pháp, công cụ và đối tượng truyền thông, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc đánh giá nhu cầu truyền thông và truyền tải thông điệp.
Hậu Thạch