Trung Quốc, Lào hợp tác bảo vệ voi châu Á và động vật hoang dã

BVR&MT – Sự hợp tác xuyên biên giới giữa quận tự trị Xishuangbanna Dai ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc Lào đã tạo ra một hành lang sinh thái vững chắc cho các loài voi châu Á và các loài động vật hoang dã khác sinh sống.

Voi châu Á là một trong những loài quan trọng nhất đang được bảo vệ dọc biên giới vì nó từng bị săn bắt và giết hại như một phần của hoạt động buôn bán ngà bất hợp pháp trong quá khứ, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài.

Năm 2019, Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Xishuangbanna, Quỹ Phát triển Môi trường Xanh Vân Nam và Sở Nông Lâm tỉnh Phongsaly của Lào đã khởi động một dự án thử nghiệm nhằm tăng cường các nỗ lực bảo vệ voi châu Á và nâng cao nhận thức của cộng đồng về loài vật này.

Xishuangbanna cũng là nơi sinh sống ban đầu của một đàn 15 cá thể voi châu Á hoang dã có chuyến hành trình dài về phía bắc Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của toàn cầu kể từ khi chúng rời Khu bảo tồn cách đây 15 tháng.

Vieng Sack Phommasy, một quan chức của Sở Nông Lâm nghiệp Phongsaly cho biết quỹ Vân Nam giới thiệu dự án cho tỉnh của ông vì mong muốn người dân Lào tham gia nhiều hơn vào quản lý tài nguyên rừng, phát triển bền vững và bảo vệ voi châu Á cũng như bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học khu vực sông Mê Kông mở rộng. Tỉnh cũng đặt mục tiêu giảm tiêu hơn nữa việc tiêu thụ gỗ, săn trộm động vật hoang dã, xâm hại voi và xung đột giữa voi – người.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Xishuangbanna ở tỉnh Vân Nam (Ảnh: China Daily)

Ngoài mục tiêu trên, dự án còn tìm cách nâng cao nhận thức của những người dân sống dọc biên giới để họ sẵn sàng hợp tác với chính quyền bảo vệ hệ sinh thái rừng. Đặc biệt, một mục tiêu quan trọng khác của dự án là thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm giữa cư dân biên giới Lào và Trung Quốc về lối sống, cách sống hòa hợp với các loài động vật hoang dã và các biện pháp bảo vệ cụ thể nhằm giảm thiểu việc phá hoại mùa màng hoặc thiệt hại về người do voi gây ra.

Giai đoạn đầu của dự án đã giúp 447 cư dân trong 73 hộ gia đình ở làng Bakar, Phongsaly xây các hồ chứa nước để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, lắp đặt đèn đường chạy bằng năng lượng mặt trời và phân phối bếp tiết kiệm củi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào tài nguyên thiên nhiên.

Về bảo vệ động vật hoang dã, Ban quản lý Khu bảo tồn Xishuangbanna tổ chức đào tạo cho dân làng, những người hợp tác với lực lượng tuần tra để giám sát động vật và thực vật ở các ngọn núi xung quanh.

Dự án hiện đang trong giai đoạn thứ hai tại một ngôi làng khác ở Phongsaly. Vào tháng 3, các quan chức địa phương đã tổ chức một buổi chia sẻ với dân làng để cung cấp cái nhìn tổng quan về dự án, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt vấn đề bảo vệ voi châu Á và kêu gọi dân làng gìn giữ hệ thống cơ sở vật chất do Trung Quốc cung cấp.

Tổng thư ký Zou Hengfang của Quỹ Phát triển Môi trường Xanh Vân Nam cho biết dự án thử nghiệm được khởi động ở Bakar vì ngôi làng này nằm trong một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học quan trọng nhất ở khu vực sông Mê Kông mở rộng. Những con voi châu Á hoạt động khá tích cực trong khu vực nhưng những ngôi làng gần đó phải đối mặt với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng dẫn đến nhu cầu cấp thiết là phải cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế và bảo tồn sinh thái.

Phommasy nói rằng kể từ khi dự án bắt đầu, sự tàn phá môi trường và đa dạng sinh học dọc biên giới giảm hẳn, thậm chí không chỉ giúp giảm thiệt hại cho hệ sinh thái rừng mà còn giúp ngăn ngừa cháy rừng xảy ra. Điều đáng mừng là việc thực hiện dự án đã cải thiện đáng kể tính đa dạng sinh học ở khu vực biên giới và giúp dân làng hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan.

Phommasy cho biết Bộ Nông Lâm sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc để bảo vệ voi, trấn áp các hoạt động bất hợp pháp, thực hiện tuần tra chung để ngăn chặn cháy rừng và tiến hành đào tạo về bảo tồn đa dạng sinh học.

Dự án là nỗ lực chung mới nhất nhằm bảo vệ đa dạng sinh học lẫn nhau giữa Xishuangbanna và các tỉnh phía bắc Lào với sự hợp tác giữa hai bên từ năm 2006. Vào thời điểm đó, buôn bán ngà voi bất hợp pháp tràn lan dọc biên giới. Để hạn chế tình hình, chính quyền Xishuangbanna đã tổ chức một hội nghị chuyên đề với tỉnh Luang Namtha của Lào về bảo vệ voi châu Á vào năm đó, trong đó cả hai bên đã đạt được đồng thuận về việc bảo vệ đa dạng sinh học, đánh dấu sự khởi đầu của các nỗ lực chung.

Hai bên đã tổ chức các cuộc họp thường niên về chủ đề này để chia sẻ kinh nghiệm. Năm 2009, họ phác thảo khu bảo tồn chung đầu tiên và cũng ký một thỏa thuận liệt kê các nhiệm vụ cụ thể sẽ được hoàn thành trong ba năm tiếp theo.

Năm 2012, thêm hai tỉnh của Lào là Oudomxay và Phongsaly tham gia chương trình, tạo thành hành lang xanh ngày nay kéo dài 220 km dọc biên giới với tổng diện tích khoảng 200.000 ha.

Năm 2017, Xishuangbanna ký một bản ghi nhớ hợp tác với ba tỉnh của Lào nhằm nâng cấp nỗ lực bảo tồn chung xuyên biên giới từ cấp sở lên cấp chính phủ.

Wang Lifan, cựu lãnh đạo của văn phòng Khu bảo tồn Shangyong ở Vân Nam cho biết hai bên đã rất hợp tác trong các cuộc tuần tra chung, một hình thức hợp tác chính. Họ đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến ​​thức bao gồm cách sử dụng máy ảnh hồng ngoại để chụp ảnh động vật hoang dã cũng như cách sử dụng hệ thống thông tin địa lý để phân tích dữ liệu.

Dân làng ở cả hai bên đều có chung một nền văn hóa và ngôn ngữ, và họ cũng rất muốn tham gia vào các hoạt động mà họ có thể thảo luận về các biện pháp cụ thể mà chính quyền địa phương của họ đã thực hiện về bảo vệ động vật hoang dã. Sự hợp tác đã giúp loại bỏ nạn săn trộm và buôn lậu và tạo ra một môi trường sống an toàn hơn cho voi châu Á, Wang cho biết.

Li Zhongyun, một người dân đi tuần tra một phần Khu bảo tồn giáp với Luang Namtha cho biết anh bắt đầu công việc vào năm 2010 sau khi được văn phòng Shangyong tuyển dụng. Mỗi tháng, Li dành ít nhất 12 ngày để tuần tra trên các ngọn đồi, đôi khi đi bộ hơn 30 km mỗi ngày. Trách nhiệm của anh bao gồm quan sát và xác định các dấu vết của động vật hoang dã, giám sát và báo cáo các loài xâm hại, ngăn chặn cháy rừng và giám sát các hoạt động của con người trong phạm vi được giao. Trước đại dịch COVID-19, Li đến thăm các ngôi làng của Lào khá thường xuyên và kết nối tình bạn thân thiết với người dân Lào.

Sống gần biên giới, Li nói rằng sự hợp tác như vậy thực sự quan trọng: “Biên giới quốc gia chỉ cách đó nửa giờ lái xe. Nếu bất kỳ hành vi khai thác gỗ quá mức hoặc các hành vi bất hợp pháp khác xảy ra ở đây, đó sẽ là một tổn thất cho cả hai nước”.

Lan Mai (Theo borneobulletin.com.bn)