BVR&MT – Các công ty thương mại điện tử và chuyển phát nhanh hàng đầu Trung Quốc đang chịu áp lực từ chính phủ và các nhà hoạt động động vật hoang dã để trở thành nhân tố thực thi lệnh cấm tạm thời đối với buôn bán động vật hoang dã.
Lệnh cấm được đưa ra cuối tháng 1 khi các trường hợp Covid-19 gia tăng ở Vũ Hán – nơi đại dịch toàn cầu hiện nay bị nghi ngờ bắt nguồn từ buôn bán động vật hoang dã hoặc buôn lậu động vật từ nước ngoài về.
Ngoài ra, các nhóm bảo tồn cũng kêu gọi Trung Quốc thay đổi hoàn toàn cách thức điều hành ngành kinh doanh béo bở này để các công ty nắm được họ cần nhắm mục tiêu vào đâu khi phát hiện ra bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào.
Trong tháng đầu tiên áp dụng lệnh cấm, các nền tảng thương mại điện tử đã loại bỏ, xóa hoặc chặn thông tin liên quan đến 140.000 sản phẩm động vật hoang dã (từ thịt rừng đến các bộ phận động vật được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc) và khoảng 17.000 tài khoản liên quan đến buôn bán động vật hoang dã – theo lời một quan chức thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết vào cuối tháng 2.
Bộ Giao thông vận tải hiện cũng yêu cầu các công ty chuyển phát nhanh đóng vai trò tuyến phòng thủ đầu tiên trong việc ngăn chặn vận chuyển động vật sống cũng như các sản phẩm động vật hoang dã, yêu cầu các công ty này phải kiểm tra hàng cẩn thận trước chuyển đi.
Hứa dập tắt giao dịch
Trung Quốc đã cam kết sửa đổi luật về buôn bán động vật hoang dã – ngành ước tính trị giá 74 tỷ đô la, theo báo cáo của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc công bố năm 2017 – mặc dù những thay đổi mới dường như chỉ nhắm vào việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Điều này có nghĩa là ngành công nghiệp lông và da thú cũng như buôn bán các bộ phận động vật dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc có thể tiếp tục như bình thường, đồng nghĩa với việc buôn bán các loài có nguy cấp hoặc được bảo vệ vẫn tiếp diễn. Các nhóm bảo tồn lo ngại những động vật mang virus có thể “nhảy” sang người như những loài gây ra Covid-19 cũng có thể nằm ngoài tầm ngắm.
“Ngay bây giờ, chưa có đủ chế tài xác định trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến”, Zhou Jinfeng, người đứng đầu Quỹ Phát triển xanh và Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Quốc nói.
“Nếu các nền tảng này không thực hiện vai trò và không thể đẩy mạnh các cơ chế giám sát, việc ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trực tuyến sẽ rất khó khăn. Tôi hy vọng chính phủ có thể ban hành luật lệ để buộc các nền tảng trực tuyến chịu trách nhiệm”.
Trong vài tuần qua, nhóm của Zhou và mạng lưới tình nguyện viên đã được các công ty như Alibaba, Tencent, JD.com hỗ trợ trong chiến dịch “Thương mại điện tử không có động vật hoang dã” nhắm vào bán hàng trực tuyến cũng như các công cụ săn bắn như lưới bắt chim, máy gọi chim, bẫy động vật hoang dã và đuốc chuyên dụng săn bọ cạp.
Zhou cũng đang thúc giục các nhà chức trách ở Bắc Kinh triển khai hệ thống tín dụng xã hội doanh nghiệp để thưởng hoặc phạt các công ty thương mại điện tử vì tham gia vào việc chống lại/ủng hộ nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, hy vọng rằng việc gây áp lực cho những công ty hàng đầu sẽ làm gương cho các công ty nhỏ hơn. Những hệ thống tương tự đang được sử dụng để đánh giá các công ty khắp Trung Quốc, bao gồm cả Bộ Sinh thái và Môi trường để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
Giám đốc châu Á của Quỹ phúc lợi động vật quốc tế (IFAW) Grace Gabriel cho biết từ lâu đã có tiền lệ cho việc các công ty lớn chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Gabriel phối hợp với Alibaba từ năm 2007 khi công ty bắt đầu hành động để loại bỏ ngà voi, xương hổ, mật gấu, sừng tê giác và sau đó là vảy tê tê và vây cá mập khỏi các nền tảng mua sắm của Taobao.
Lỗ hổng cấp phép
Năm 2017, IFAW cùng WWF và TRAFFIC đã chung tay với các công ty Alibaba và Tencent thành lập Liên minh chống buôn bán động vật hoang dã trực tuyến nhằm giảm tới 80% giao dịch vào cuối năm 2020.
Mấu chốt là thay đổi hệ thống cấp phép của Trung Quốc. Tính đến thời điểm gần đây khi lệnh cấm được ban hành, Trung Quốc vẫn cho phép nuôi, bán và buôn bán hợp pháp thịt cùng các bộ phận và nguyên cá thể 54 loài động vật hoang dã.
Những giấy phép hợp pháp này tạo lỗ hổng lớn và mâu thuẫn với Công ước CITES mà Trung Quốc đã ký kết.
Gabriel cho rằng cải cách là cần thiết để giúp các nền tảng trực tuyến biết chính xác những gì hợp pháp hoặc bị cấm.
“Giấy phép đó về cơ bản đã trở thành một mặt hàng có thể bán được. Người dân bắt được động vật hoang dã từ tự nhiên và sau đó rửa sạch qua thị trường hợp pháp [được cấp phép]”.
Steve Blake, Trưởng văn phòng Bắc Kinh của WildAid đã phối hợp với Tencent và các nền tảng khác trong những năm gần đây để chống lại thương mại động vật hoang dã nhưng thừa nhận rằng các công ty gặp khó khăn không chỉ về tính hợp pháp của giao dịch mà còn cả tính hợp pháp về vấn đề quyền riêng tư dữ liệu.
Theo Blake, chính phủ Trung Quốc cần phải phân định rõ những loài nào bị cấm, đồng thời nâng tầm luật pháp để hỗ trợ thực thi tốt hơn.
“Sẽ mất một thời gian nâng cấp một hệ thống khá khó hiểu và lỗi thời thành có thể giám sát chặt chẽ, thực thi mạnh mẽ và hướng dẫn rõ ràng”.
Đại diện Tencent, Alibaba và JD.com đều không phúc đáp câu hỏi về những khó khăn trong việc giám sát và xử phạt hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Trung tâm của việc quản lý buôn bán là có thể theo dõi và theo dõi việc bán tất cả động vật hoang dã vì dịch Covid-19 được cho là bắt nguồn từ động vật bán tại chợ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Trung Quốc.
Tê tê, dơi và các loài động vật hoang dã được cho là vật thể truyền virus corona sang người nhưng không có bằng chứng nào từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cũng như các cơ quan y tế khác ở Trung Quốc để xác định chính xác nguồn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Trung Quốc không cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến cuộc điều tra dịch tễ học tại chợ hải sản Hoa Nam – nơi virus có thể “nhảy” từ động vật sang người.
Chợ ở Vũ Hán đã đóng cửa vào tháng 1 nhưng vẫn chưa ai biết những gì đã được thực hiện với bất kỳ động vật nào ở đó và liệu chính quyền có điều tra đầy đủ trước khi đóng cửa chợ không.
Phát ngôn viên của TRAFFIC Richard Thomas nói rằng tính hợp pháp của buôn bán động vật hoang dã không phải là vấn đề quá lớn. Quan trọng hơn nhiều là các điều kiện ở nơi buôn bán có thể làm phát sinh các bệnh như SARS, Ebola và bây giờ là virus Covid-19.
“Các chính phủ trên toàn thế giới đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan: Nếu cấm buôn bán, có nguy cơ tất cả sẽ thành giao dịch ngầm với đầy rẫy những điều kiện nguy hiểm – và thực tế nguy cơ dịch bệnh tiếp theo xuất hiện chỉ là vấn đề thời gian. Nếu bạn quản lý buôn bán hợp pháp, nguy cơ phát sinh bệnh sẽ được giảm thiểu nhưng cần phải giám sát và chế tài kỹ lưỡng”.
Sẽ rất quan trọng với Trung Quốc để quyết định đi theo đường nào. Cả hai con đường đều cần nhiều nguồn lực hơn để giám sát và kiểm soát, không chỉ bản thân thương mại mà cả những rủi ro sức khỏe do động vật gây ra trong toàn bộ quá trình từ sinh sản đến vận chuyển chúng và bán đi.
Một giao dịch ở bất kỳ cấp độ nào nếu được giám sát và kiểm soát tốt sẽ an toàn hơn nhiều so với giao dịch ngầm.
“Trong cái rủi có cái may nào đó [từ dịch bệnh] thì đó là việc mọi người sẽ nhận ra đây không chỉ là vấn đề bảo tồn nữa. Nó lớn hơn thế nhiều”, Gabriel kết luận.
Nhật Anh (Theo Aljareera)