BVR&MT – Được thiên nhiên ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển của những loại cây dược liệu quý và có giá kinh tế, chính quyền huyện Phước Sơn, Quảng Nam đã tiến hành giao rừng cho cộng đồng bảo vệ và cùng cộng đồng xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng với hy vọng rừng vừa được bảo vệ tốt hơn, vừa mang lại nguồn sinh kế ổn định cho bà con.
Xung quanh các thôn vùng cao của xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn trước đã vốn được bao bọc bởi rừng già, nay lại được bao phủ bởi nhiều cây dược liệu quý. Theo người dân thôn 5, xã Phước Lộc, từ ngày xưa ông bà đã chọn nơi này định cư, sinh sống vì nơi đây có rất nhiều rừng, trong rừng lại có nhiều loại gỗ quý nhưng bà con không phá, chỗ nào gần nguồn nước, bà con mới khai hoang trồng lúa nước và cây ăn quả, đào ao thả cá. Hết ngày mùa, bà con lại vào rừng tìm kiếm các loại cây lâm sản phụ về bán hoặc trồng nhân giống, và vào rừng hái rau, lấy măng để trang trải cuộc sống thường nhật.
Ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cho biết ở xã cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, rừng được giao theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP và Nghị định 75/2015/NĐ-CP. Theo đó, xã trực tiếp giao cho người dân và giám sát họ. Rừng do UBND xã làm chủ rất ít, chỉ trên 300 ha, chủ yếu giao cho thôn, họ thành lập các Ban quản lý và xã chỉ chỉ đạo chung vì xã không có nhân lực để đi kiểm tra, tuần tra. Lực lượng mỏng, không đáp ứng được công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Theo lãnh đạo xã Phước Lộc, trên địa bàn xã có thuận lợi là bà con lâu nay là người bản địa, họ thường xuyên đi rừng nên nắm bắt được đâu là rừng tốt, nơi đâu có sông, suối và có nguồn tài nguyên cây thuốc. Do đó, ngoài việc giao diện tích rừng cho các công đồng quản lý, bảo vệ, huyện và xã cũng hướng đến việc phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng do chính cộng đồng quản lý. Dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng cũng như điều kiện tự nhiên ban tặng, chính quyền địa phương đã nghiên cứu và tuyên truyền, tập huấn cho bà con thực hiện một số mô hình trồng quế Nam Trà My, sâm ba kích, đẳng sâm…
Riêng về sâm ba kích, từ đầu năm đến nay, xã đã cấp cho một số hộ 18 ngàn cây, sắp tới sẽ cấp trên 32 ngàn cây nữa. Không những thế, dựa vào thế mạnh của địa phương, xã còn hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây sâm ba kích 7 lá 1 hoa vì loài cây này được giá, thời điểm rẻ nhất là 500 ngàn/kg, trung bình cũng khoảng 700 – 900 ngàn/kg. Hiện xã đang phối hợp với một doanh nghiệp ở Quảng Nam để họ tập huấn cho bà con, thậm chí huyện còn dự định xây dựng một trung tâm nghiên cứu về cây dược liệu trên địa bàn.
Mục sở thị một trong những khu rừng có tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, chúng tôi được bà con giới thiệu từng loại một, trong đó cây đẳng sâm phù hợp trồng ở thôn 6 và thôn 5A, còn sâm ba kích phù hợp ở thôn 5b, 7 và 8. Theo bà con, sâm ở đây tự nhiên, lớn nhanh, mọc từ hạt nên chất lượng rất tốt.
Theo ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, huyện chủ yếu trồng cây sâm dây, ba kích, riêng sa nhân cũng có tiềm năng. Về mặt chính sách, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định về trồng cây dược liệu, trước mắt có gần 200 ha do một số công ty trồng thử nghiệm.
“Hiện nay, việc trồng cây dược liệu mới sơ khai, sản phẩm chưa được thu, trừ các đặc sản đã có sẵn như sâm ba kích tự nhiên. Hiện tỉnh đang kêu gọi một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần đầu tư lâm nghiệp Quảng Nam, một công ty trồng sâm Ngọc Linh, một công ty trồng cây gỗ lớn vào khảo sát, trồng cây dược liệu/trồng rừng và sẵn sàng mở cửa với các doanh nghiệp có nhu cầu. Riêng với sâm Ngọc Linh, tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp vào khảo sát 50 ha để trồng, trước đây đã có một số người trồng thử nghiệm, tuy chất lượng không cao bằng phía Kon Tum nhưng vẫn rất tốt”.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND huyện, ngoài định hướng phát triển cây dược liệu giúp bà con phát triển kinh tế, hạn chế những tác động đến rừng, chính quyền địa phương cũng kêu gọi các công ty, doanh nghiệp tiến hành trồng rừng gỗ lớn trên diện tích đất sản xuất do UBND xã quản lý. Hiện ở Phước Sơn có doanh nghiệp đang lập kế hoạch trồng khoảng 200 ha rừng gỗ lớn ở xã Phước Xuân. Đây là dự án thí điểm, nếu có hiệu quả, địa phương sẽ định hướng và hỗ trợ bà con thực hiện.
Hoàng Chiên