BVR&MT – Từ xa xưa, loài người đã trồng cây để phục hồi rừng. Tuy nhiên, về cơ bản, những hoạt động trồng cây từ hàng nghìn năm trước tại khắp các châu lục chỉ nhằm cung cấp một số dịch vụ hoặc sản phẩm nhất định từ rừng. Còn ngày nay, thế giới nỗ lực tái trồng rừng với những mục tiêu và tham vọng lớn hơn, trong đó “tái trồng rừng về mặt phục hồi sinh thái tức là tái lập những khu rừng giống với trạng thái trước đây của chúng là một tham vọng tương đối gần đây của xã hội phương Tây”, Kate Hardwick, nhà khoa học bảo tồn tại Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (Anh) cho biết.
Trồng cây là giải pháp phổ biến cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, các dự án này cũng thường đặt ra các mục tiêu khác về môi trường (như điều tiết chu trình nước, ngăn chặn xói mòn đất và phục hồi môi trường sống của động vật hoang dã) hay các mục tiêu kinh tế, xã hội (như xóa đói giảm nghèo, tăng cường sức khỏe và sinh kế của cộng đồng địa phương). Tuy nhiên, hiệu quả các chương trình trồng cây để hoàn thành tất cả những mục tiêu nêu trên tới đâu và bằng chứng cho hiệu quả mạnh mẽ tới mức nào? Mongabay đi tìm câu trả lời cho vấn đề này bằng việc mời một nhóm nhà nghiên cứu đánh giá không đầy đủ các tài liệu khoa học liên quan về việc trồng rừng và phục hồi rừng làm thay đổi môi trường, kinh tế, xã hội ra sao. Dưới đây xin được giới thiệu cùng độc giả một vài điểm chính của nghiên cứu ý nghĩa này.
Từ năm 2017, Mongabay đã phát động loạt bài đánh giá về hiệu quả bảo tồn và chú trọng thu thập dữ liệu về trồng rừng và phục hồi rừng dựa trên các nguồn dữ liệu mở. Tổng số có 66 nghiên cứu được Mongabay xem xét khi đánh giá về tác động của dự án trồng cây đối với môi trường, kinh tế, xã hội toàn cầu. Trong quá trình nghiên cứu, Mongabay rút ra một số lưu ý:
|
Kết quả nghiên cứu được Mongabay trình bày dưới dạng đồ họa tương tác, theo đó, độc giả có thể đo lường hiệu quả của việc trồng rừng và phục hồi rừng tại các quốc gia. Tuy nhiên, dữ liệu này không đầy đủ và sẽ tiếp tục được cập nhật, bổ sung.
Cần phân biệt tái trồng rừng và phục hồi rừng?
Nhóm chuyên gia cho rằng thuật ngữ “tái trồng rừng” được sử dụng rộng rãi để mô tả các loại dự án khác nhau. Một số dự án trồng rừng nhằm khôi phục hệ sinh thái rừng đã có hoặc bị suy thoái trước đây và chúng thường tập trung vào việc trồng các loài bản địa hoặc tạo điều kiện cho rừng mọc lại tự nhiên – các hoạt động thuộc phạm vi phục hồi rừng. Tuy nhiên, tái trồng rừng không nhất thiết dẫn đến phục hồi rừng. Ví dụ, trồng rừng độc canh các loài không phải bản địa là một hình thức tái trồng rừng phổ biến nhưng kết quả mang lại khác xa so với rừng nguyên sinh. Đôi khi, các dự án trồng rừng trồng hỗn hợp các loài bản địa và không bản địa để vừa thúc đẩy phục hồi hệ sinh thái, vừa cung cấp gỗ hoặc các sản phẩm lâm sản khác có thể thúc đẩy kinh tế địa phương và giảm áp lực khai thác gỗ trong các khu rừng bản địa. Vì vậy, tái trồng rừng và phục hồi rừng là những thuật ngữ có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng định nghĩa chính xác về chúng vẫn đang phát triển và thay đổi tùy thuộc vào đối tượng sử dụng chúng trong bối cảnh nào.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia định nghĩa “tái trồng rừng” là trồng cây để phục hồi rừng đã cạn kiệt hoặc bị chặt phá, bất kể cảnh quan thu được là rừng trồng độc canh hay hệ sinh thái rừng mang tính đa dạng sinh học. Ngược lại, “phục hồi rừng” là nỗ lực đưa một khu vực trở lại trạng thái rừng tự nhiên trước đây, trong đó ưu tiên phục hồi cả hệ sinh thái rừng chứ không chỉ nâng độ che phủ cây cối.
Trong phạm vi nghiên cứu, nhóm chuyên gia chỉ đánh giá hiệu quả các dự án có bao gồm ít nhất một số hoạt động trồng cây, trong đó nhóm loại trừ các nghiên cứu tập trung vào các biện pháp lâm sinh như tỉa thưa cây và chặt dây leo ngay cả khi chúng có thể giúp tái sinh rừng nhanh hơn. Ngoài ra, nhóm cũng loại trừ các nghiên cứu tập trung vào phục hồi rừng, nông lâm kết hợp và những nghiên cứu tập trung vào tái sinh tự nhiên bởi nhiều nghiên cứu về các dự án trồng cây coi tái sinh tự nhiên như một biện pháp kiểm soát.
Trồng rừng là xu hướng mới trong thế giới nóng
Một trong những minh chứng sớm nhất về trồng rừng hiện đại là phong trào “Vành đai Xanh”, được thành lập ở Kenya vào năm 1977 bởi Wangari Maathai, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2004. Phong trào hiện trồng hơn 50 triệu cây nhằm khôi phục môi trường và xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, một số dự án do các chính phủ lãnh đạo như sáng kiến “Bức tường xanh vĩ đại” (Great Green Wall) trải dài trên 20 quốc gia châu Phi và “Vạn lý trường thành xanh” ở miền Bắc Trung Quốc cũng trồng hàng trăm triệu cây trong vài thập kỷ, góp phần ngăn chặn sa mạc hóa bằng những bức tường xanh.
Với các chiến dịch lớn do một số tổ chức phi chính phủ khởi xướng như Chiến dịch nghìn tỷ cây xanh, 1t.org, Cây xanh cho tương lai, Trồng một cây xanh, Trồng một tỷ cây xanh, hiệu ứng lan tỏa khá mạnh mẽ và hầu hết đều hướng đến mục tiêu tích trữ carbon để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu cùng các lợi ích môi trường khác. Khối tư nhân cũng không đứng ngoài cuộc khi nhiều ông lớn cũng đang tích cực trồng cây để bù đắp lượng khí thải mà họ thải ra.
Không chỉ thực hiện riêng lẻ ở mỗi quốc gia, khu vực, nhiều tổ chức trên khắp thế giới cũng cam kết khôi phục rừng và các hệ sinh thái tự nhiên dưới sự bảo trợ của các hiệp định quốc tế, chẳng hạn như Chương trình “Thử thách Bonn” do chính phủ Đức và IUCN phát động năm 2011 – ghi nhận sự cam kết của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ ở 60 quốc gia nhằm khôi phục 210 triệu ha đất, với mục tiêu cuối cùng là khôi phục 350 triệu ha đất vào năm 2030. Nhiều quốc gia cũng đang xây dựng kế hoạch giảm phát thải thông qua trồng rừng và phục hồi rừng theo cam kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Bài học từ các chương trình trồng rừng quy mô
Những tưởng việc trồng cây sẽ mang lại lợi ích rõ ràng nhưng thực tế không đơn giản vậy.
Một nghiên cứu năm 2019 ước tính thế giới có thể trồng các loại cây trong phạm vi 900 triệu ha ở các khu vực trên toàn cầu và những khu rừng mới này có thể lưu trữ tới 205 tỷ tấn carbon, chiếm khoảng 25% hoạt động phát thải carbon vào khí quyển tính đến nay. Nhưng nghiên cứu này về sau đã bị chỉ trích nặng nề vì bỏ qua các điều kiện địa phương ở nhiều khu vực khi xem xét phục hồi rừng. Có một số yếu tố phức tạp cần phải được xem xét để xác định chính xác địa điểm, thời gian cũng như loại cây trồng thích hợp.
“Ngày nay các dự án trồng rừng về cơ bản chỉ quan tâm đến số lượng cây trồng. Nó giống như mục tiêu cuối cùng. Nhưng số lượng cây bạn trồng chỉ là bước khởi đầu của một quá trình lâu dài”, Pedro Brancalion, Giáo sư tại Đại học São Paulo kiêm nhà thực hành, nhà nghiên cứu về phục hồi rừng nhấn mạnh.
Các dự án trồng rừng có thể không đạt được kết quả như dự kiến nếu không được lên kế hoạch phù hợp. Một nghiên cứu năm 2017 về các sáng kiến phục hồi rừng ngập mặn ở Sri Lanka cho biết tại 9/23 địa điểm thực hiện dự án, không một cây trồng nào sống sót. Chỉ có 3 địa điểm có hơn một nửa số cây sống sót và chỉ khoảng 1/5 trong số hơn 1.000 ha được trồng trở thành các hệ sinh thái rừng ngập mặn khỏe mạnh.
Đáng chú ý là có những trường hợp được ghi nhận về việc trồng cây gây ra những hậu quả không mong muốn, thậm chí tác động tiêu cực đến môi trường. Từ thế kỷ 19, Nam Phi bắt đầu trồng cây keo Úc để ổn định cồn cát và sản xuất gỗ dù đây không phải loài bản địa. Nhưng những cây keo này nhanh chóng lan rộng ra các vùng đồng cỏ bạt ngàn và vùng cây thạch nam bản địa của Nam Phi, làm hạ thấp mực nước ngầm và giảm lượng nước sẵn có. Nam Phi phải chi hàng triệu đô mỗi năm để loại bỏ giống cây phiền toái này.
Các chương trình trồng rừng cũng có thể tác động tiêu cực đến sinh kế người dân. Chương trình “Sóng thần 10 tỷ cây” của Pakistan khiến những người thuê đất bị đuổi khỏi nơi họ sinh sống do các chủ đất tìm cách thiết lập đồn điền trồng cây, thậm chí chương trình này còn bị thâm hụt hơn 3 triệu đô la do tham nhũng.
Rất nhiều bài học có thể rút ra từ các hoạt động trồng cây nhưng những phân tích khoa học, chi tiết về chúng lại quá ít ỏi để giúp các nhà khoa học có thể đánh giá về thất bại của các dự án. Nghiên cứu về chương trình “Đổi ngũ cốc lấy màu xanh” (Grain for Green – GFGP) tại Trung Quốc là một trong số ít được nghiên cứu chi tiết.
Sau những trận lũ kinh hoàng vào cuối những năm 1990 khiến hơn 4.000 người thiệt mạng, Trung Quốc tiến hành trồng cây trên diện rộng với quy mô lớn nhất thế giới. GFGP được khởi động vào năm 1999 với mục tiêu chính là giảm thiểu lũ lụt, giảm xói mòn đất và thúc đẩy sinh kế của người nghèo ở nông thôn miền Tây Trung Quốc. Chính phủ đã hỗ trợ các hộ gia đình về kỹ thuật, tiền mặt và lương thực để đổi lấy việc trồng cây ở những khu vực đất canh tác bạc màu, đặc biệt là những khu vực dễ bị sạt lở và xói mòn nhất. Nếu dựa trên các mục tiêu chính là giảm xói mòn và nước thải ô nhiễm, GFGP đã thành công. Tính đến năm 2019, tổng chi phí của dự án vào khoảng 73 tỷ đô la và những người tham gia đã trồng cây trên 32 triệu ha đất trồng trọt và đất trống cằn cỗi. Ngày nay, hơn 23% diện tích đất của Trung Quốc được bao phủ bởi cây cối, tăng từ 19% vào năm 2000. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy tình trạng nước thải ô nhiễm và xói mòn đất cũng giảm đáng kể do sự gia tăng diện tích đất rừng được chuyển đổi từ đất nông nghiệp. Nhiều loại cây cung cấp gỗ, trái cây và các lâm sản khác góp phần nâng cao sinh kế của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, GFGP còn làm tăng phần lớn trữ lượng carbon hữu cơ có trong đất dù giảm thiểu biến đổi khí hậu không phải là mục tiêu chính của chương trình.
Tuy nhiên, nghiên cứu do TS. Hoa Phương Viên (Đại học Bắc Kinh) thực hiện năm 2018 chỉ ra rằng nỗ lực tái trồng rừng đầy tham vọng của GFGP đã bị pha tạp, thậm chí khẳng định những “khu rừng” mới của Trung Quốc hoàn toàn không phải là rừng. Theo tác giả, tính đến năm 2015, độ che phủ rừng Trung Quốc tăng gần ⅓ với 1.935 km2 cây mới được trồng nhưng sự gia tăng này hầu như do toàn bộ diện tích đất canh tác bị thoái hóa được chuyển đổi thành các đồn điền trồng độc canh như tre, bạch đàn hoặc tuyết tùng Nhật Bản.
Phương Viên và cộng sự nhận thấy rừng tự nhiên đã giảm 6,6% tương đương khoảng 138 km2 tại cùng thời điểm. “Do đó, thay vì phục hồi cảnh quan rừng và tạo ra các lợi ích môi trường đồng thời, việc phục hồi rừng thực chất đã thay thế rừng bản địa, bao gồm cả những khu rừng có thể tái sinh tự nhiên trên đất nông nghiệp được giải tỏa”.
Cũng theo Phương Viên, việc mất rừng bản địa một phần là do người dân khai thác lỗ hổng trong các quy định lâm nghiệp để xây dựng đồn điền. Chính phủ đã chấn chỉnh tình hình sau khi Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á chỉ ra rằng người dân đã chặt phá trái phép 1.295 ha rừng tự nhiên bên trong các khu bảo tồn gấu trúc trọng điểm.
Một vài khu rừng trong chương trình GFGP được các nhà nghiên cứu gọi là “rừng hỗn giao đơn giản về thành phần” khi có từ 2 – 5 loài cây và đạt được mức tăng khiêm tốn về số lượng loài chim và ong so với diện tích đất trồng trọt mà chúng thay thế. Còn những khu rừng độc canh (chiếm phần lớn trong GFGP) thì có ít loài chim và ong hơn so với đất trồng trọt. Các nhà nghiên cứu nhận thấy cả hai loại rừng này đều có sự đa dạng về ong thấp hơn so với đất trồng trọt, có thể là do thiếu hoa và cả hai loại rừng đều không có bất cứ thuộc tính nào gần với sự đa dạng sinh học của rừng bản địa. Tuy nhiên, thiếu đa dạng sinh học không phải là thiếu sót về mặt môi trường duy nhất của chương trình GFGP. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều loài cây không phải bản địa cần nhiều nước hơn so với thảm thực vật bản địa, có nghĩa là các khu rừng GFGP đang hút nhiều lượng mưa hơn và giảm lượng nước chảy ra sông. Tất nhiên, đây là một kết quả mong muốn của chương trình. Nhưng khi trái đất nóng lên dẫn đến khí hậu ngày càng khô, tình trạng thiếu nước có thể trở thành một vấn đề ở khu vực từng hứng chịu lũ lụt kinh hoàng.
Dù vậy, GFGP cũng có điểm sáng nhất định trong việc kêu gọi sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhất là các cộng đồng địa phương. Có bằng chứng cho thấy chương trình đã giúp thu nhập của người dân tăng lên dù những lợi ích đó không phải lúc nào cũng được phân bổ đồng đều. Tại một số vùng, các hộ giàu hơn có khả năng tiếp cận chương trình này nhiều hơn các hộ nghèo. Các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ cần sự thay đổi đơn giản như thúc đẩy rừng hỗn giao thay vì trồng độc canh là có thể giúp cải thiện kết quả đa dạng sinh học mà không làm suy yếu các thành tựu mà chương trình đạt được.
Đâu là chìa khóa thành công của trồng rừng?
Các chuyên gia cho rằng bước đầu tiên trong việc phục hồi bất kỳ khu rừng nào là cần đảm bảo các nguyên nhân cơ bản của việc phá rừng được kiểm soát. Tiếp đó cần trao đổi với các bên liên quan, nhất là người dân địa phương để xác định kết quả mong muốn và cách tiếp cận tốt nhất để đạt được mục tiêu đề ra. Một trong những quyết định quan trọng hơn cần được đưa ra là liệu có cần phải thực hiện trồng cây hay không bởi trong những điều kiện nhất định chỉ cần bảo vệ đất và để rừng tự mọc lại hoặc ai sẽ chăm sóc rừng phục hồi và ai sẽ tiếp cận đến những lợi ích mà nó mang lại.
Để có được những lợi ích mong muốn từ dự án trồng cây, bạn phải chắc chắn đang trồng đúng cây, đúng chỗ. Ví dụ, những cây không phù hợp với khí hậu địa phương sẽ có tuổi thọ ngắn. Những cây cần quá nhiều nước có thể làm cạn kiệt mực nước ngầm như trường hợp xảy ra ở Nam Phi. “Nếu bạn trồng cây xâm lấn, bạn có thể cô lập carbon nhưng bạn có thể gây hại cho đa dạng sinh học. Nếu bạn trồng cây không đúng chỗ, bạn có thể làm mất sản lượng nông nghiệp, từ đó có thể gây ra các vấn đề kinh tế cho chủ đất tại địa phương và phá hủy đa dạng sinh học bản địa khi bạn trồng cây trong các hệ sinh thái không phải rừng”, Brancalion cho biết.
Cũng theo Brancalion, đàm phán có lẽ là khía cạnh bị bỏ qua nhiều nhất bởi việc đưa ra quyết định phức tạp sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ dự án trồng rừng thành công nào. Trước khi trồng bất kỳ cây nào hoặc thực hiện bất kỳ can thiệp nào trên thực địa, bạn phải thương lượng, thu hút mọi người tham gia để hiểu những gì không thể hoặc có thể mang lại hiệu quả ở một khu vực nhất định. Ông dẫn ví dụ về chương trình bảo tồn sư tử đen tamarin do thuộc Viện Nghiên cứu Sinh thái (IPÊ) thực hiện. Sư tử đen tamarin (Leontopithecus chrysopygus) được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN vào những năm 1970 do dân số loài giảm xuống còn 100 cá thể do môi trường sống duy nhất của chúng ở rừng Đại Tây Dương, Brazil bị phân mảnh bởi hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi chương trình bảo tồn, khôi phục hành lang rừng rộng 1.000 ha giữa hai tàn tích quan trọng của rừng Đại Tây Dương, quần thể loài đã tăng lên khoảng 1.800 cá thể và IUCN đã điều chỉnh tình trạng bảo tồn loài lên mức nguy cấp vào năm 2008. Chương trình thu hút sự tham gia của hàng nghìn thành viên cộng đồng sinh sống ở nông thôn và các gia đình không có đất mới đến định cư trong khu vực. IPÊ khẳng định thành công của chương trình không chỉ đến từ sự tham gia của người dân mà điều quan trọng là họ biết rõ họ và động vật hoang dã được hưởng lợi ra sao.
Với người dân, bằng cách trồng và phát triển cây cũng như tham gia các hoạt động khác liên quan đến bảo tồn, họ sẽ tích lũy được kiến thức, thu nhập và an ninh lương thực, đồng thời phát triển ý thức làm chủ và chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn các mảnh rừng và phục hồi rừng, một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra.
Tác động về môi trường từ các dự án trồng rừng và phục hồi rừng: Tích cực
Hầu hết các nghiên cứu trong cơ sở dữ liệu của Mongabay cho thấy việc trồng rừng và phục hồi rừng thực sự làm tăng độ che phủ. Ngoài ra, chúng cũng có những kết quả tích cực khác về môi trường như cô lập carbon, cải thiện chất lượng nước và chống xói mòn dù các dự án phải mất một thời gian khá dài, ít nhất là vài thập kỷ để mang lại lợi ích như rừng già. Riêng với các dự án trồng rừng bằng loài ngoại lai, môi trường trở nên tồi tệ hơn so với việc giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Về đa dạng sinh học, các phát hiện khá nhất quán: tái trồng rừng làm tăng tính đa dạng của động thực vật so với trước khi tái trồng nhưng hầu như không bao giờ so được với các khu rừng già, dù có một vài trường hợp ngoại lệ thú vị. Một số nghiên cứu đưa ra những tính toán nghiêm túc về thời gian cần thiết để khôi phục mức độ phát triển cũ của đa dạng sinh học dài hơn thời gian nghiên cứu từ 100 – 150 năm.
Về vấn đề sinh khối và hấp thụ carbon, trồng rừng hầu như luôn làm tăng tốc độ tích lũy sinh khối và hấp thụ carbon so với đất trước khi trồng rừng và tái sinh rừng tự nhiên. Tuy nhiên, rừng trồng mới hiếm khi sánh được với rừng già. Một nghiên cứu năm 2016 ước tính phải mất 96 năm để một khu rừng mới trồng đạt được mức độ tích lũy sinh khối như rừng già.
Về tỷ lệ sống sót của cây trồng thì rất khác nhau, dao động từ 0% đến gần 100%%. Cần lưu ý là hầu hết các nghiên cứu về khả năng sống sót của cây con trong cơ sở dữ liệu đều là các thử nghiệm ở quy mô nhỏ, được thiết kế nghiêm ngặt và được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, mức độ sống sót cao của cây con trong các điều kiện được kiểm soát có thể không tạo ra các dự án trồng rừng thành công ở quy mô lớn hơn ngoài tự nhiên bởi còn bị nhiều yếu tố khác chi phối khác. Một nghiên cứu năm 2020 ở Philippines cho thấy việc thu hút sự người dân và các tổ chức tham gia trong một dự án trồng rừng thử nghiệm tạo ra tỷ lệ cây con sống sót và tăng trưởng thành công cao hơn (78% sau 3 năm) so với các chương trình phục hồi do chính phủ quản lý.
Về khả năng giảm xói mòn và cải thiện thủy văn, duy chỉ có 1 nghiên cứu so sánh xói mòn và dòng chảy bề mặt trong một dự án trồng rừng với nghiên cứu tại một khu vực tái sinh tự nhiên, và tất nhiên tái sinh tự nhiên cho kết quả tốt hơn nhiều.
Thêm điểm lưu ý là tất cả các hoạt động can thiệp phục hồi rừng đều có mục tiêu và địa điểm trồng khác nhau. Nhiều dự án nhằm mục đích thu được sinh khối thì kết quả đa dạng sinh học không nên được so sánh với kết quả của một dự án tập trung vào đa dạng sinh học. Quy mô của các can thiệp phục hồi rất quan trọng khi giải thích kết quả.
Tác động về kinh tế, xã hội: Không xác định
Nhóm chuyên gia không tìm thấy đủ dữ liệu để đưa ra kết luận về mức độ hiệu quả của hoạt động trồng rừng và phục hồi rừng trong việc đạt được các kết quả kinh tế, xã hội, chẳng hạn như tăng cường phúc lợi cộng đồng và an ninh tài chính, hỗ trợ sinh kế địa phương và làm rõ quyền sở hữu đất.
Các nghiên cứu đề cập đến khía cạnh xã hội chủ yếu dưới góc độ việc làm và lợi ích của các dự án trồng rừng được chia sẻ giữa các bên ra sao. Trong bối cảnh khan hiếm nghiên cứu chung về các chủ đề này, cần có thêm các nghiên cứu đánh giá về cách thức làm việc hiệu quả giữa chính phủ và các tổ chức khác với các cộng đồng địa phương, đặc biệt là người bản địa.
Một số ít nghiên cứu đề cập đến khía cạnh kinh tế của việc phục hồi rừng có xu hướng tập trung vào hiệu quả chi phí trồng cây so với tái sinh tự nhiên và xem xét thu nhập mà cộng đồng nhận được từ việc trồng cây. Nhìn chung, các nghiên cứu nhận thấy trồng cây phần lớn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương, tuy nhiên, các chi phí cơ hội của việc trồng rừng được đánh giá đặc biệt thấp, vì vậy nhóm không thể khẳng định liệu việc đăng ký đất của một người trong một dự án trồng rừng có xu hướng mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn việc tiếp tục canh tác đất hay không. Rõ ràng là cần thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này, đặc biệt là những yếu tố ảnh hưởng đến giá carbon hiện tại.
Một câu chuyện phổ biến xuất hiện trong những năm gần đây cho rằng trồng cây là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và một loạt các vấn đề môi trường khác. Tuy nhiên, giống như mọi chiến lược khác, trồng cây không phải là giải pháp thần kỳ có thể giải quyết mọi vấn đề. Những người trồng cây cần đảm bảo việc trồng cây có ý nghĩa trong bối cảnh địa phương, thậm chí khi đó có rất nhiều sự đánh đổi và mục tiêu cạnh tranh để họ buộc phải thương lượng. Họ cần hiểu rằng có thể mất một thế kỷ để rừng đạt được tiềm năng lưu trữ carbon nhưng thế giới chỉ có một thập kỷ để cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nếu chúng ta muốn ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Kể từ năm 1990, thế giới đã mất 420 triệu ha rừng, phần lớn bị đốn hạ để nhường chỗ cho nông nghiệp. Mặc dù tốc độ phá rừng đã giảm phần nào kể từ năm 2015 nhưng Tổ chức FAO cho biết nạn phá rừng và suy thoái rừng vẫn tiếp diễn ở mức báo động. Do đó, việc trồng lại tất cả những khu rừng bị phá có thể không có nhiều ý nghĩa nhưng rõ ràng song song với việc ngăn chặn nạn phá rừng, trồng cây có thể là một phần có giá trị trong nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu và khôi phục các chức năng sinh thái quan trọng mà tất cả sự sống trên hành tinh này phụ thuộc. Vì vậy, ít nhất cũng đúng phần nào khi nói rằng “cây xanh là câu trả lời” và chúng ta chỉ cần đảm bảo trồng cây theo cách đúng đắn và hợp lý.
Ngọc Hiền (Theo Mongabay)