BVR&MT – Các quốc gia trên thế giới đã cam kết trồng hàng triệu cây để tăng độ che phủ rừng. Nhưng một nghiên cứu mới được xuất bản trên Tạp chí Nature cho thấy phần lớn sự tăng trưởng này là các khu rừng trồng độc canh – vốn sẽ nhanh chóng bị chặt hạ – và không mấy hiệu quả đối với giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hoặc bảo tồn đa dạng sinh học.
Các chuyên gia đồng ý rằng phục hồi rừng trên hành tinh của chúng ta là một trong những thách thức sinh thái lớn của thế kỷ 21. Đạt được các mục tiêu khí hậu là thật sự cần thiết và cũng là con đường duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tuyệt chủng, đồng thời gần như chắc chắn là cách tốt nhất để duy trì lượng mưa của hành tinh. Phục hồi rừng cũng sẽ thúc đẩy sinh kế cho hàng trăm triệu người sống ở những vùng đất trước đây là rừng.
Tin vui là ngay cả khi nạn phá rừng vẫn tiếp diễn ở nhiều nước thì việc phục hồi rừng lại đang diễn ra ở nhiều nước khác. Từ Ấn Độ đến Ethiopia, từ Trung Quốc đến Costa Rica, ngày nay cây xanh nhiều hơn so với 30 năm trước, nhờ thế mà cứu vớt các loài sinh vật, chuyển hóa mưa và hút bớt CO2 khỏi không khí.
Một thỏa thuận quốc tế mang tên Bonn Challenge, bắt đầu từ 8 năm trước với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trồng thêm 1,35 triệu dặm vuông rừng (lớn hơn diện tích Ấn Độ một chút) lên bề mặt của hành tinh, đang đi đúng hướng.
Nhưng rừng đó thuộc loại gì?
Theo một đánh giá được công bố trên Nature thì tình hình không mấy sáng sủa. Các nhà nghiên cứu về rừng phân tích tuyên bố của các chính phủ về loại rừng những nước này dự định tạo ra, và phát hiện rằng 45% các khu rừng được hứa hẹn sẽ trồng là độc canh những loại cây phát triển nhanh như cây keo và cây bạch đàn, thường được thu hoạch nhanh chóng để làm bột giấy.
Những khu rừng như vậy thường làm giảm hơn là tăng đa dạng sinh học và chỉ giữ được một phần nhỏ carbon so với rừng tự nhiên. 21% việc “phục hồi rừng” là trồng cây ăn quả và các cây trồng trong nông trại theo các chương trình nông lâm kết hợp; chỉ có 34% là rừng tự nhiên.
“Các nhà hoạch định chính sách đang diễn giải sai thuật ngữ phục hồi rừng [và] gây hiểu lầm cho công chúng”, nhà địa lý học Simon Lewis thuộc Đại học Leeds và nhà nghiên cứu rừng nhiệt đới Charlotte Wheeler thuộc Đại học Edinburgh, hai tác giả chính của nghiên cứu, đã bình luận trên một blog như thế và coi đó là một vụ “scandal”.
Theo các chuyên gia nghiên cứu rừng và khí hậu, các rừng trồng gỗ độc canh có vị trí riêng nhưng với vai trò thêm vào chứ không thể thay thế 1,35 triệu dặm vuông rừng phục hồi tự nhiên. Các chuyên gia này cũng nói rằng một thành phần quan trọng của phục hồi rừng là các chính sách hỗ trợ tái sinh tự nhiên rừng bị phá và đất bị thoái hóa thành rừng nhiệt đới hoặc rừng gỗ, qua đó tăng mạnh dự trữ carbon và thúc đẩy đa dạng sinh học rừng.
Nhà sinh thái học Richard Houghton thuộc Trung tâm nghiên cứu Woods Hole ở Massachusetts ước tính nếu để các khu rừng nhiệt đới bị suy thoái tái sinh, chúng có thể thu được 3 tỷ tấn carbon/năm trong vòng 60 năm, có khả năng “bắc cầu tới một thế giới không có nhiên liệu hóa thạch”.
Các khu rừng trên thế giới là nơi cư ngụ của một nửa các loài sinh vật sống trên cạn. Tán lá rừng chuyển hóa nước mưa để giữ cho phía trong các lục địa không biến thành sa mạc, và rừng lưu trữ CO2 – thứ góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phục hồi rừng đang nhanh chóng trở thành lời kêu gọi vang vọng toàn cầu, đóng vai trò thiết yếu để bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường.
Các nhóm môi trường như The Nature Conservancy và Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) công bố tiềm năng môi trường và cơ sở kinh tế để đặt việc phục hồi rừng làm trung tâm của các “giải pháp tự nhiên” cho biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu quốc tế của Bronson Griscom thuộc The Nature Conservancy kết luận những khu rừng mới phục hồi “có thể mang lại 37% hiệu quả giảm thiểu CO2 cần thiết cho đến năm 2030” để ngăn hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) kêu gọi trồng và bảo vệ 1.000 tỷ cây xanh trên toàn thế giới. Liên hợp quốc gần đây cũng tuyên bố những năm của 2020 sẽ là “thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”.
Cũng như những lời hứa ở Bonn, phục hồi rừng là trung tâm để thực hiện nhiều cam kết về phát thải tại hội nghị khí hậu Paris năm 2015.
Nhưng có nhiều lo ngại ngày càng tăng rằng chương trình phục hồi rừng đang trở thành vỏ bọc xanh cho một cuộc tấn công tiếp theo vào các hệ sinh thái thế giới và điều này sẽ làm suy yếu khả năng cứu lấy khí hậu.
Sự phục hồi rừng đang diễn ra. Nhiều quốc gia ôn đới từng bước tăng độ che phủ rừng trong nhiều thập kỷ. Châu Âu có số cây xanh gấp ba lần một thế kỷ trước khi rừng lấn vào các vùng đất canh tác thừa.
Rừng tăng nhiều nhất là ở các nước Đông Âu như Romania và Ba Lan kể từ khi các nông trại tập thể của nhà nước bị bỏ hoang.
Tại New England, rừng đã tái chiếm 15.400 dặm vuông, bằng 1/2 diện tích tiểu bang Massachusetts, tính từ giữa thế kỷ 19.
20 năm trước là thời điểm mà việc phục hồi rừng trở thành dự án chính sách toàn cầu khi Trung Quốc cho rằng trận lụt lớn dọc theo sông Dương Tử là do nạn phá rừng.
Năm 1999, Bắc Kinh đã cấm phá rừng trên đất Trung Quốc và phát động Chương trình chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng rừng, đôi khi được gọi là “đổi ngũ cốc lấy màu xanh” (grain for green).
Ngày nay, người ta xác nhận chương trình này đã trả tiền cho hơn 100 triệu nông dân khắp Trung Quốc trồng cây và phục hồi hơn 108.000 dặm vuông rừng.
Hiệu quả của chương trình thường bị ngờ vực. Một hợp phần quan trọng, dự án “Vạn lý trường thành Xanh”, có mục đích ngăn chặn sa mạc hóa lan rộng khắp miền bắc Trung Quốc bằng cách trồng 100 tỷ cây vào năm 2050, đã bị một số nhà sinh thái học Trung Quốc gọi là “chuyện cổ tích”. Họ cho rằng cứ trồng sáu cây thì năm cây chết.
Nhà địa lý học David Shankman, Giáo sư danh dự tại Đại học Alabama và là người quan sát lâu năm về các chương trình phục hồi rừng của Trung Quốc, bộc bạch: “Tôi không tin lắm về thành công lâu dài của chương trình này”.
Một nghiên cứu do Lucas Gutiérrez Rodríguez thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế ở Bogor, Indonesia thực hiện năm 2016 về chương trình tổng thể của Trung Quốc, cho thấy các nghiên cứu đã được công bố đều bị bóp méo và biến tấu. Tác động đến đa dạng sinh học đôi khi khá tiêu cực.
Ví dụ, trên đảo Hải Nam, chương trình phục hồi rừng đã thay thế các hệ thống canh tác đa dạng truyền thống bằng độc canh bạch đàn và cao su. Nhiều nông dân, những người nhận tiền để trồng cây trên đất của mình nói rằng họ sẽ chặt cây khi các khoản trợ cấp chấm dứt.
Nhưng Rodríguez đồng ý rằng, mặc dù thất bại, Trung Quốc đã chứng kiến “sự gia tăng đáng kể về độ che phủ của rừng và dự trữ carbon”.
Các nước đang phát triển khác cũng chuyển đổi từ phá rừng sang trồng rừng. Độ che phủ rừng ở Costa Rica giảm từ 75% vào năm 1940 xuống còn 20% vào cuối những năm 1980, chủ yếu do giải phóng mặt bằng để nuôi gia súc. Nhưng với việc chính phủ trả tiền cho người sử dụng đất để nuôi dưỡng những khu rừng mới trồng các loài cây bản địa, độ che phủ đã phục hồi đến hơn 50%.
Rừng cộng đồng ở Nepal cũng phát triển vượt bậc. Khoảng 17.000 nhóm sử dụng rừng cộng đồng tự trị, được trao quyền quản lý rừng và kiểm soát tiếp cận, đã tăng độ che phủ rừng quốc gia khoảng 20% trong ba thập kỷ qua. Những khu rừng mới này phần lớn gồm các loài bản địa.
Ở Niger, bên rìa sa mạc Sahara, nông dân đã đảo ngược lời khuyên hàng thập kỷ từ các cố vấn nông nghiệp của chính phủ và bắt đầu nuôi dưỡng thay vì loại bỏ cây trên đất của mình.
Chris Reij, trước đó thuộc Đại học VU, Amsterdam và bây giờ làm việc tại WRI cho biết phong trào ở cơ sở bắt đầu vào giữa những năm 1980 tại một ngôi làng đơn lẻ. Nông dân ở Dan Saga thuộc vùng Maradi tình cờ phát hiện rằng họ thu hoạch được nhiều ngũ cốc hơn nếu để cây phát triển; cây ổn định đất, giữ nitơ và lá rụng duy trì độ ẩm của đất.
Người ta truyền tai nhau và ngày nay, thực hành trên đã mở rộng thành 12,3 triệu mẫu Anh và 200 triệu cây xanh.
Càng ngày, các chính phủ càng bị thuyết phục rằng rừng là ích lợi cho sinh kế nông thôn. Kể từ khi Thử thách Bonn được phát động, 58 quốc gia đã thực hiện cam kết chính thức về phục hồi rừng với diện tích 650.000 dặm vuông mà các nước này cho rằng sẽ thu giữ CO2 tương đương với gần nửa năm ngành công nghiệp toàn cầu phát thải.
Những cam kết khác ngoài Thử thách Bonn – ví như một phần của Thỏa thuận khí hậu Paris – mở rộng phục hồi rừng chỉ riêng ở các nước nhiệt đới là 1,1 triệu dặm vuông. Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Ethiopia, Hoa Kỳ, Nigeria, Indonesia, Mexico, Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Congo là những quốc gia có cam kết vượt mức 38.000 dặm vuông.
Nhưng Lewis nói rằng nhiều lời hứa hẹn mang tính dối gạt. Phân tích của ông và Wheeler về các kế hoạch được đệ trình lên Ban Thư ký của Thử thách Bon cho thấy chẳng hạn ở Brazil, 82% sự phục hồi được hứa hẹn thực sự là rừng trồng độc canh chứ không phải rừng tự nhiên. Ở Trung Quốc, con số này là 99%.
Rừng tự nhiên có thời gian trưởng thành lâu sẽ lưu trữ carbon gấp 40 lần rừng trồng được khai thác mỗi thập kỷ một lần. “Bình quân, các khu rừng trồng giữ được ít carbon hơn so với diện tích đất được phát quang để trồng chúng”, Lewis nói.
Điều tương tự cũng đúng với các khu rừng trồng cung cấp sinh khối để đốt trong các nhà máy điện.
Nông lâm kết hợp – được định nghĩa là sự tích hợp và canh tác cây trong các trang trại – tốt hơn hẳn, mặc dù chỉ thu giữ lượng carbon bằng một phần bảy so với rừng tự nhiên nhưng vẫn gấp sáu lần các khu rừng trồng độc canh. Nhiều quốc gia châu Phi cam kết trồng lại rừng chủ yếu thông qua nông lâm kết hợp, khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ trồng cây ngoài gỗ như xoài, điều hoặc ca cao.
Sáng kiến phục hồi cảnh quan rừng châu Phi được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 1 tỷ USD nhằm khôi phục 386.000 dặm vuông rừng vào năm 2030, phần lớn là trên đất canh tác. Hình mẫu là Ethiopia, nơi từng xảy ra đợt hạn hán thảm khốc vào những năm 1980 và chỉ riêng ở tỉnh Tigray, nông dân đã trồng 2,5 triệu mẫu cây xen với các loại hoa màu.
Một số quốc gia đã đưa ra những lời hứa hẹn hoành tráng về khôi phục rừng tự nhiên, trong đó có thể kể tới Việt Nam và Ấn Độ, cả hai nước đều có kế hoạch đạt được hơn 60% diện tích tái trồng rừng được hứa hẹn theo cách này. Theo dự thảo trồng rừng năm 2018, Ấn Độ dự định nâng độ che phủ rừng từ 24% hiện nay lên 33%.
Mặc dù vậy, Lewis kết luận ưu thế của các quốc gia có kế hoạch đạt được cam kết chủ yếu dựa vào rừng trồng hoặc nông lâm kết hợp có nghĩa là những nước này sẽ chỉ thu được 1/5 lượng carbon so với phục hồi rừng tự nhiên.
Lewis ước tính những nước này sẽ thu giữ được khoảng 16 tỷ tấn so với 200 tỷ tấn mà một báo cáo gần đây của IPCC ước tính cần phải được loại bỏ khỏi bầu khí quyển trong thế kỷ này để giữ tình trạng ấm lên không quá 1,5oC.
Edward Mitchard thuộc Đại học Edinburgh, đồng tác giả nghiên cứu của Lewis và Wheeler chỉ ra rằng những tính toán này bỏ qua một thành phần phụ thêm. Dù không được chú ý, nhiều khu rừng bị suy thoái đang tái sinh, thu giữ carbon và thường giữ được phần lớn đa dạng sinh học trước đó.
Mitchard đã theo dõi xem khi nông dân châu Phi vào làm việc trong các thành phố thì những cánh đồng cũ của họ trở thành rừng như thế nào.
“Nếu phá rừng giảm, châu Phi có thể nhanh chóng trở thành một bể chứa carbon quan trọng”, ông nói.
Các nhà nghiên cứu khác cũng thực hiện công việc tương tự. Philip G. Curtis, chuyên gia tư vấn cho tổ chức phi lợi nhuận Sustainability Consortium ước tính rằng chỉ khoảng một 1/4 các vụ phá rừng hàng năm là vĩnh viễn. Phần lớn còn lại – cho dù rừng bị mất do hỏa hoạn, du canh du cư hoặc khai thác gỗ – cuối cùng sẽ phục hồi.
Một đánh giá ước tính thế giới có 7,7 triệu dặm vuông đất thoái hóa thích hợp cho phục hồi rừng, ¼ danh cho các khu rừng khép kín và phần còn lại phục hồi theo kiểu “da beo”, trong đó rừng lẫn vào cảnh quan nông nghiệp.
Những người khác cho rằng phục hồi rừng thành công cần sự tham gia và kiểm soát nhiều hơn của các cộng đồng lâm nghiệp. Theo Rebecca McLain, phát ngôn viên của Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế, nếu quản lý không tốt, việc lấy đất để tái trồng rừng có thể dẫn đến “chiếm dụng xanh” khi đất dành riêng ra được giao cho các tập đoàn bên ngoài hoặc thậm chí cho các tổ chức phi chính phủ.
“Quyền sở hữu luôn là yếu tố then chốt”.
Nhưng điểm mấu chốt, theo Lewis, là “để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu thì phải chấm dứt nạn phá rừng. Và những chương trình phục hồi trên toàn thế giới sẽ trả lại tất cả các vùng đất bị suy thoái cho rừng tự nhiên”.
Mối nguy là bằng cách cố gắng đưa rừng trồng vào các thỏa thuận toàn cầu về khôi phục rừng thực, các chính phủ có thể sẽ làm suy yếu những gì lẽ sẽ trở thành câu chuyện cứu vãn sinh thái vĩ đại nhất thế kỷ 21.
Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)