BVR&MT – Cùng với quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi thất thường gây ảnh hưởng đến mùa vụ… đất nông nghiệp tại các thành phố lớn vốn đã không nhiều mà lại đang có xu hướng ngày càng giảm.
Vì vậy, thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Nội dung về phát triển nông nghiệp đô thị được cụ thể hoá bằng các tiêu chí trong xây dựng Thành phố xanh, đô thị thông minh, đây cũng là xu thế chung trên toàn thế giới khi các quỹ đầu tư lớn yêu thích rót vốn vào lĩnh vực này.
Mang những mảng xanh cho thành phố
Trong xu thế đó, nhận thấy nhu cầu trồng cây, rau sạch của người dân TPHCM, nhưng không có đủ thời gian, không gian, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình đã tham gia vào thị trường với sản phẩm trồng rau khí canh trụ đứng, góp phần giải bài toán phát triển nông nghiệp đô thị cho Thành phố; đồng thời, cung cấp giải pháp mới cho các nông trại muốn thay đổi phương thức canh tác, cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Thành Lộc, Giám đốc Công ty cho biết, trồng cây khí canh là công nghệ hiện đại nhất trong nông nghiệp hiện nay. Áp dụng khí canh và triển khai trên trụ đứng sẽ giúp khai thác tốt hơn diện tích sàn, đặc biệt phù hợp với những không gian nhỏ hẹp, tưởng chừng không sử dụng được trong mục đích sản xuất nông nghiệp. Không gian nhỏ nhất có thể triển khai là 0.3 m2 tương đương với 5m2 diện tích canh tác bằng địa canh.
Khí canh là công nghệ cải tiến của thuỷ canh, giúp khắc phục nhược điểm của phương pháp này như: Hệ thống nặng nề; cần lượng nước lớn bảo đảm vận hành; đồng thời đòi hỏi năng lượng liên tục để lưu chuyển hệ thống nước. Bên cạnh đó, do rễ cây nằm trong nước nên chỉ phù hợp với một số cây trồng.
“Hệ thống được trang bị máy bơm nước định kỳ, do có thời gian nghỉ nên chỉ tiêu hao 1/5 lượng điện tiêu thụ. Điều này đối với hộ gia đình riêng lẻ thì không đáng kể nhưng với những nông trại cả nghìn m2 sẽ tiết kiệm được khoản chi phí lớn”, anh Lộc cho biết.
Bên cạnh đó, do rễ cây khi phơi trong không khí sẽ hút oxi tốt hơn, không cần phải xục không khí và không bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh trong đất, cây chỉ mất 60% thời gian để sinh trưởng.
Thực tế cho thấy, đối với các loại cây tinh dầu, gia vị, các loại quả mọng phương pháp khí canh sẽ tạo ra sản phẩm nông sản có mùi vị đặc trưng, bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Bên cạnh tính nhỏ gọn, việc chăm sóc cây cũng vô cùng đơn giản, không cần làm đất, bón phân, pha chế dinh dưỡng, cây con sau khi ươm được đặt vào chậu, khi cần hệ thống sẽ phun nước hoà tan chất dinh dưỡng cung cấp cho cây.
Anh Phạm Thành Lộc chia sẻ: “Bí quyết của chúng tôi nằm ở quy trình và túi dinh dưỡng, tại sao hệ thống của đối thủ cạnh tranh chỉ trồng được cây xà lách, rau cải mà không trồng được dưa chuột, dâu tây… hoặc cho trái bé hơn? Điều này đòi hỏi chúng tôi phải bỏ thời gian, công sức nghiên cứu quy trình trồng của rất nhiều loại cây, tìm được điểm chung và đúc kết ra được quy trình chuẩn nhất”.
Quy trình này có 2 dạng, một dạng cho khách hàng riêng lẻ, cơ bản sẽ sản xuất được 60% các loại cây chuyên dụng. Còn đối với nông trại lớn, tuỳ theo yêu cầu của khách hàng, Công ty sẽ chuyển giao quy trình dưới dạng đào tạo cho nhân viên, đồng thời đưa chất dinh dưỡng phù hợp với từng loại cây chuyên canh để sinh trưởng nhanh, cho mẫu mã, chất lượng tốt nhất.
Những nguồn hỗ trợ thiết thực
Tham gia Chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM năm 2018, Công ty Thanh Bình được hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, đây là nguồn vốn đáng kể giúp Công ty tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống, đồng thời hoàn thiện quy trình trồng của thêm nhiều loại cây để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Anh Lộc cho biết: “Công tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo bản chất nằm ở vấn đề nhân lực để có thể đưa ra ý tưởng, nghiên cứu phát triển, còn máy móc, cơ sở vật chất sẽ giúp kiểm chứng, từ đó làm nên sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, với các công ty khởi nghiệp, eo hẹp về nguồn vốn, có trong tay một lực lượng đông đảo lao động chất lượng cao, trang thiết bị hiện đại là điều rất khó”.
Tuy nhiên, nhờ tham gia Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, Công ty được sử dụng cơ sở vật chất, máy móc tại đây. Với những đầu việc không mang tính chất “bí quyết”, Công ty cũng có thể liên hệ để thuê các nhà khoa học, nhân lực có sẵn của Khu Nông nghiệp công nghệ cao để nghiên cứu, khảo sát, đưa ra những thông tin hữu ích mà không phải thuê nhân sự cố định.
Còn đó những nỗi lo…
Chia sẻ về những khó khăn hiện tại, anh Phạm Thành Lộc cho biết, với một doanh nghiệp khởi nghiệp có 2 yếu tố chính quyết định có thể tồn tại và phát triển hay không, là vốn và thị trường.
“Hiện các kênh gọi vốn ở Việt Nam chưa nhiều, Công ty chúng tôi may mắn nhận được vốn hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, được giới thiệu với một số chương trình gọi vốn trên truyền hình… nhưng điều này không phổ biến đối với đông đảo cộng đồng khởi nghiệp”, anh Lộc cho biết.
Với vốn tín dụng, anh Lộc khẳng định cực kỳ khó tiếp cận, cũng từ yêu cầu phải có tài sản thế chấp, các tổ chức tín dụng hiện chưa triển khai biện pháp thế chấp bằng dự án/kế hoạch kinh doanh.
“Chúng tôi là đối tượng được vay vốn ngân hàng với lãi suất 0%, nhưng muốn vay đủ vốn để vận hành thì tài sản phải thế chấp cũng nhiều tương ứng, mà tình trạng chung của các công ty khởi nghiệp là khi hoàn thiện ý tưởng, đưa ra sản phẩm, nhiều nhất đủ tiền đăng ký sở hữu trí tuệ là đã hết vốn vay, còn đâu nhà cửa, tài sản mà thế chấp”, anh Lộc trăn trở.
Anh cũng cho biết việc phát triển thị trường đều là “tự thân vận động”, thông qua các kênh có sẵn chứ chưa có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước hay những người đầu tàu trong ngành. Công ty cũng được tạo điều kiện tham gia một số hội chợ, triển lãm nhưng điều này theo anh Lộc đánh giá chỉ giúp quảng bá hình ảnh, chứ không phát triển được kênh khách hàng. Ngay cả những hội thảo chuyên đề tập hợp các hãng phân phối trong thị trường để các doanh nghiệp được lên giới thiệu sản phẩm, tăng kết nối cũng là “hàng hiếm”.
“Các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong kết nối B2B (Business-To-Business) một cách chính thức, thường xuyên chưa có, chúng ta có nhiều hiệp hội nhưng trong hệ sinh thái khởi nghiệp chưa thấy được sự làm việc hiệu quả của những đơn vị này, trong khi đây là đối tượng cần được huy động tối đa nguồn lực”, anh Lộc nói.