BVR&MT – Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao tại Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững – định hướng tương lai diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 18-20/6, thời gian qua, các nước châu Âu và EU đã và đang triển khai hàng chục dự án cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, trong đó các quốc gia tham gia thực hiện và hỗ trợ nhiều nhất là EU, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Hungary, Romania.
Cụ thể như EU đã triển khai 2 dự án cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” (4/2013-3/2017) với kinh phí 1,9 triệu euro.
Dự án “Nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và vấn đề xói mòn bờ biển” trị giá 1 triệu euro được thực hiện tại tỉnh Quảng Nam, Cà Mau và Tiền Giang trong hai năm 2016-2017.
Đồng thời, EU cũng đã triển khai “Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” trị giá 108 triệu euro tại tỉnh Bạc Liêu, An Giang và thành phố Cần Thơ.
Tại Cà Mau, Chính phủ Đức và Chính phủ Australia đã đồng tài trợ vốn ODA trị giá 68,39 tỷ đồng thực hiện dự án thành phần thuộc “Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long – ICM/CCCEP” và ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác Phát triển (GIZ) của Đức thực hiện.
Chính phủ Đức cũng tài trợ cho tỉnh Cà Mau 1 triệu euro để thực hiện dự án “Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm thiểu phát thải.”
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đất rừng ngập mặn” bằng vốn vay của ngân hàng KFW (Đức) với kinh phí khoảng 331 tỷ đồng.
Tại tỉnh Sóc Trăng, chính phủ Đức cũng đã triển khai dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng” giai đoạn 2 (9/2014-8/2018) với mục tiêu các cơ quan quản lý cấp tỉnh và trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh) vận dụng năng lực thể chế, tài chính và lập kế hoạch đã được nâng cao để thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng chống biến đổi khí hậu.
Chính phủ Đức cũng đã viện trợ không hoàn lại 5,1 triệu euro cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện 2 dự án “Quản lý bền vững hệ sinh thái vùng ven biển Bạc Liêu” giai đoạn 2 từ năm 2015-2018 và “Thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học.”
Chính phủ Pháp triển khai dự án “Nâng cao khả năng thích ứng của các địa phương dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, sự tăng tần suất và cường độ của những hiện tượng khí hậu cực đoan và nước biển dâng” tại thành phố Cần Thơ cùng hai tỉnh Ninh Bình và Hà Tĩnh với khoản vay 52,35 triệu euro, trong đó có 1 triệu euro không hoàn lại.
Chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn 2009-2015 và là nhà tài trợ lớn nhất, cung cấp khoảng 40 triệu USD hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre để thực hiện dự án”Thí điểm ngăn nước mặn” với tổng vốn hơn 4 tỷ đồng, thí điểm một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu như nhà đa năng tránh bão lũ, kênh thủy lợi kết hợp với đường giao thông, nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, xây dựng các trạm đo mưa tự động ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khác, góp phần hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai.
Đan Mạch cũng đã triển khai dự án “Cấp nước bằng năng lượng tái tạo”giai đoạn 2012-2014 với tổng kinh phí hơn 4,3 triệu cuaron cho 33 điểm thu năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho hệ thống cấp nước nông thôn, nhằm hạn chế biến động của biến đổi khí hậu đến hoạt động cấp nước sạch và giảm chi phí bơm nước tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, từ năng 2011, chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam thực hiện Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp, trong đó, trong đó có tiểu hợp phần cải thiện tình trạng cung ứng dịch vụ sau thu hoạch của các hộ nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, giúp sản lượng lúa được sấy lên 31% so với 13% trước khi thực hiện dự án.
Tại tỉnh An Giang, chính phủ Thụy Điển đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực và xây dựng đề án định hướng phát triển mô hình nhà máy đóng phát điện – nhiệt từ trấu ở quy mô kết hợp nhà máy xay lúa giai đoạn 2014-2015” với tổng nguồn vốn gần 345.000 euro, trong đó vốn đối ứng chiếm gần 105 nghìn euro.
Chính phủ Romania thì triển khai Dự án “Thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái” tại khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ, huyện Ba Tri…