BVR&MT – Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại văn bản số 5140/VPCP-QHĐP ngày 11/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 (Ban Chỉ đạo Trung ương) đã đồng ý triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Ban Chỉ đạo Trung ương năm 2023 tại 3 Vùng.
Cụ thể, kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với 14 tỉnh vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ tại tỉnh Yên Bái; kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên tại tỉnh Bình Định; kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị báo cáo, tài liệu phục vụ các buổi làm việc với các địa phương nêu trên, trong đó lưu ý đánh giá các bài học kinh nghiệm, phổ biến những cách làm hay, sáng kiến trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai, giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương; rà soát kỹ, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình và điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện Kế hoạch.
* Theo Chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương, năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể với nội dung chi tiết để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các bộ, cơ quan, địa phương; chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, sai sót để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ; tích cực chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế và nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương với các tổ công tác, cơ quan giúp việc trong quản lý, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai, thực hiện…