BVR&MT – Chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ được ứng dụng những phương pháp nghiên cứu mới nhất về các tác động kinh tế của BĐKH. Qua đó đưa ra những đánh giá về khả năng thiệt hại cũng như các quỹ đạo thích ứng của Việt Nam.
Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Pháp tuyên bố triển khai Chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu (Gemmes), một chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên được thụ hưởng chương trình này.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ buổi “Đối thoại với Thanh niên về BĐKH” do Bộ TN&MT, AFD, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, Việt Nam nằm trong số các quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi hậu quả của biến đổi khí hậu và đang là nước có mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thấp. Tuy vậy mức phát thải này sẽ tăng mạnh do công nghiệp hóa và sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Nhận thức được những thách thức của biến đổi khí hậu, năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu vào năm 2011 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2012.
Để đạt được mục tiêu đó, tất cả các bên cũng như các thành phần trong xã hội phải cùng tham gia, trong đó đặc biệt là giới trẻ cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhận thức vai trò của mình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu…bởi giới trẻ chính là lực lượng nòng cốt của xã hội, quyết định tương lai phát triển của đất nước.
Theo các chuyên gia môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách tại Việt Nam. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, biến đổi khí hậu “đang tới rất nhanh, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức nhanh hơn dự báo”, các diễn biến gần đây vượt xa mức từng được ghi nhận là kỷ lục. Chính vì vậy, hiện Việt Nam cần phải quyết tâm hơn trong việc phát triển tầm nhìn dài hạn hơn liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ông Fabrice Richy, Giám đốc AFD cho biết, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên được nhóm nghiên cứu của AFD đánh giá và nghiên cứu một cách chuyên biệt. Theo đó, Chương trình nghiên cứu ứng dụng Gemmes sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, Ủy ban Quốc gia về BĐKH nhằm ứng dụng những phương pháp nghiên cứu mới nhất về các tác động kinh tế của biến đổi khí hậu. Qua đó đưa ra những đánh giá về khả năng thiệt hại cũng như các quỹ đạo thích ứng của Việt Nam. Các đánh giá này sau đó sẽ được sử dụng để xác định vị thế quốc tế của Việt Nam trong đàm phán về khí hậu, đồng thời nhằm mục đích nội bộ khi tối ưu hóa được các khoản đầu tư thích ứng ở cấp tỉnh.
Cũng trong buổi đối thoại, AFD và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng nhau tuyên bố triển khai chương trình Gemmes Việt Nam. Chương trình được sáng lập với mục đích góp phần tạo thuận lợi cho những đối thoại chính sách công xoay quanh các vấn đề kinh tế vĩ mô gắn với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Theo đó, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên tại châu Á được thụ hưởng chương trình này.