Một công nghệ tiên tiến đột phá đang hứa hẹn hỗ trợ cuộc chiến cứu loài hổ thoát khỏi bờ tuyệt chủng từ nạn săn bắn không ngừng.
Trong các vụ bắt giữ tang vật buôn bán trái phép, rất khó để xác định nguồn gốc của hổ từ da và thịt của chúng. Tuy nhiên, tương tự như dấu vân tay của con người, mỗi con hổ đều có một mẫu sọc duy nhất có thể được sử dụng như dữ liệu sinh trắc học để nhận dạng. Vì vậy, cơ sở dữ liệu lưu trữ hồ sơ vằn hổ có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng triệt phá nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Một phòng thí nghiệm pháp y ở Thái Lan đang xây dựng một cơ sở dữ liệu có thể lưu trữ tới 2.000 hình ảnh hồ sơ vằn hổ. Công cụ phát hiện vằn hổ do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) phát triển này sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định từng cá thể hổ và da hổ bị thu giữ từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Điều này có thể giúp xác định nguồn gốc của các sản phẩm hổ bị tịch thu, ít nhất là biết hổ bị buôn bán có nguồn săn trộm từ khu bảo tồn hay được nuôi trong trang trại.
Debbie Banks – Lãnh đạo chiến dịch chống tội phạm về hổ và động vật hoang dã của EIA cho biết: “Giúp các nhà điều tra và cơ quan thực thi công khai nguồn gốc của nhiều cá thể hổ và sản phẩm làm từ hổ bán ở chợ đen sẽ giúp chống lại nạn buôn bán hổ, da hổ, đồng thời hỗ trợ thông tin cho các nỗ lực thực thi pháp luật trên toàn thế giới.”
Hình ảnh hồ sơ vằn hổ sẽ được đảm bảo từ nhiều nguồn, bao gồm các nhiếp ảnh gia, nền tảng phương tiện mã nguồn mở, các cuộc điều tra trực tiếp hổ nuôi nhốt, các mẫu vật bị thu giữ và các mặt hàng buôn bán được quảng cáo.
EIA đã có một cơ sở dữ liệu gồm 158 tấm da hổ có nguồn gốc từ các bộ da hổ bị tịch thu từ hoạt động buôn bán và theo dõi các cuộc giao dịch với các thương nhân buôn da hổ trên thị trường trực tiếp và trực tuyến. Bằng cách kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), các hình ảnh có thể được tham chiếu chéo để quản lý các hình ảnh da hổ trùng lặp, xác định các mẫu da hổ mà nhân viên thực thi pháp luật quan tâm. AI cũng giúp giảm chi phí, thời gian trong việc tìm kiếm các bức ảnh cần thiết và xác định các cá thể hổ.
Công cụ phát hiện vằn hổ được hỗ trợ phát triển bởi Viện Alan Turing – Viện quốc gia về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo của Vương quốc Anh, được đặt theo tên nhà toán học người Anh nổi tiếng với những thành tựu về khoa học máy tính và giải mã.
Tầm quan trọng của dự án
Dự án phát triển công cụ AI phát hiện vằn hổ của Chiến dịch Hổ đến vào thời điểm quan trọng, trong bối cảnh thế giới chỉ còn lại chưa đầy 4.000 con hổ trong tự nhiên. Hổ ở gần bờ tuyệt chủng hơn bất kỳ loài mèo lớn khác. Chúng được xem như đã tuyệt chủng ở Lào, Campuchia và Việt Nam.
Trong khi đó, theo EIA, hơn 8.000 con hổ bị giam cầm trên khắp Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Nam Phi – nơi chúng bị nuôi nhốt và buôn bán để lấy các bộ phận cơ thể. Một số cơ sở nuôi nhốt khác hoạt động dưới mác phát triển du lịch và được quảng bá như vườn thú, trung tâm bảo tồn và điểm tham quan giải trí.
Nhu cầu về các mặt hàng trang trí như thảm nỉ, rượu, cao hổ, hổ con nguyên con, đồ trang sức chế tác từ răng và móng vuốt, tiếp tục đe dọa và khai thác loài hổ một cách tàn độc.
Các chuyên gia cho rằng việc nuôi nhốt không hề có tác dụng bảo vệ các quần thể hổ hoang dã, thay vào đó, nó tiếp tục khuyến khích nhu cầu về các sản phẩm từ hổ, hoạt động như một vỏ bọc cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp và phá hủy các nỗ lực thực thi. Kể từ năm 2000, hơn 2.940 con hổ đã bị bắt vì buôn bán, phần lớn trong số chúng bị bắt từ tự nhiên.
Các nhà điều tra tiết lộ rằng các trang trại chăn nuôi hổ và gấu “do tội phạm điều hành” ở Lào đã mở rộng, tăng gấp đôi số lượng động vật bị nuôi nhốt trong các lồng bê tông như nhà tù. Hình ảnh từ máy bay không người lái cho thấy ít nhất 70 cá thể hổ đang đi lại trong các trang trại nuôi nhốt, bất chấp lời hứa của chính phủ Lào rằng sẽ đóng cửa các loại cơ sở này.