BVR&MT – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có gần 4 triệu người; khoảng 92% người dân trên thế giới không được hít thở không khí sạch.
Hơn 88% các bệnh do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ em dễ bị tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường hơn các nhóm tuổi khác bởi đang trong giai đoạn phát triển, bị phụ thuộc vào người lớn và tiếng nói chưa có sức mạnh.
Bởi vậy, giáo dục trẻ em bảo vệ môi trường và lắng nghe tâm tư từ phía các em chính là sự bảo đảm cho tương lai của hành tinh chúng ta.
Bảo vệ môi trường theo cách của trẻ em
Thiếu nhi Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề môi trường qua các cách thức khác nhau, trong đó có Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51 (năm 2022) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức với chủ đề: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”.
Đây là lần thứ 34 cuộc thi được tổ chức ở Việt Nam do sự phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nhà văn Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng.
Các em học sinh ở 62/63 tỉnh, thành phố đã viết và gửi đi gần một triệu bức thư để dự thi. Em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1 (Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội) giành được giải Nhất duy nhất nhờ bức thư lay động lòng người gửi tới nghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn. Em Bình Nguyên biến mình thành ngọn gió nhỏ bay tới mảnh đất Canada lạnh giá, thỉnh cầu nghệ sỹ gốc Việt dùng âm nhạc để phát đi khắp mọi nơi thông điệp bảo vệ Hành tinh Xanh.
Các em khác thì gửi thư tới “những người có tầm ảnh hưởng” như Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh COP 26, lãnh đạo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ động vật hoang dã, những vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, các bộ trưởng, những nhà khoa học, các tỷ phú của Việt Nam…
Em Vàng Thị Khau ở Trường Trung học cơ sở Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) viết thư cho ca sỹ Hà Anh Tuấn, đề nghị anh quyên góp tài chính để đầu tư vào dự án trồng rừng ở huyện Mèo Vạc. Theo cách nghĩ của em, nạn phá rừng cùng sự biến đổi khí hậu làm cho vùng quê nghèo Giàng Chu Phìn thường xuyên bị lũ quét, sạt lở đất. Em muốn góp sức mình vào việc ngăn chặn thảm họa thiên nhiên ở ngay chính quê hương mình.
Em Bùi Quang Khánh, là học sinh khiếm thị tại Trường Trung học Cơ sở Hồng Bàng (quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Qua các phương tiện thông tin đại chúng và lời kể của mẹ, em hình dung ra đại dương đang bị ô nhiễm trầm trọng. Em viết bức thư kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ biển xanh khỏi rác thải trắng (sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông…).
Phát biểu tại Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 được tổ chức vào ngày 9/5 tại Hà Nội, Tiến sỹ Lương Quang Huy (Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu) cho biết: Nhiều em biến hóa thành tảng băng, ngọn gió, quả đất, động vật hoang dã… để chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường theo cách của mình. Các giải pháp mà các em đưa ra đều có tính khả thi nếu những người có tầm ảnh hưởng nghiêm túc đón nhận, trân trọng tấm lòng của các công dân nhỏ tuổi.
Tiến sỹ Lương Quang Huy bày tỏ sự lạc quan về vấn đề môi sinh khi mà những chủ nhân tương lai của đất nước ta đã biết quan tâm một cách nghiêm túc từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
Những bài học vỡ lòng
Bảo vệ môi trường hiện nay đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Muốn giải quyết thành công bài toán ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững thì trước hết chúng ta cần bắt đầu bằng việc giáo dục trẻ em, nâng cao nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường ngay từ những cấp học nhỏ nhất.
Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đưa nội dung giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục các cấp học, các trình độ đào tạo trong hệ thống quốc dân.
Cùng với phong trào thi đua của ngành giáo dục là các hoạt động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Trung ương Đoàn, Hội đồng đội Trung ương, tổ chức UNICEF tại Việt Nam nhằm tuyên truyền cho học sinh vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng…
Nhờ các hoạt động này mà học sinh, giáo viên được nâng cao hiểu biết, nhận thức về môi trường, nhân rộng những sáng kiến và giải pháp hiệu quả về bảo vệ môi trường trong cơ sở giáo dục. Mỗi giáo viên, học sinh sau đó sẽ trở thành tuyên truyền viên giúp cộng đồng hiểu rõ và thực hiện tốt từng công việc cụ thể để bảo vệ môi trường, như quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính; sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đối với những em nhỏ chưa đi học thì những người làm cha, làm mẹ có thể dạy cách bảo vệ môi trường từ những việc làm đơn giản nhất.
Theo Unilever Vietnam, chúng ta hãy bắt đầu giáo dục trẻ em từ việc tiết kiệm nước. Với một hành động nhỏ như tiết kiệm nước cũng góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, nước không phải là tài nguyên thiên nhiên vô tận và để có nước sạch, chúng ta phải trải qua rất nhiều công đoạn xử lý. Do đó, khi thấy con mở vòi nước quá to, bạn nên nhắc nhở bé và nói cho bé biết nước sạch quan trọng tới mức nào. Khi con đánh răng, bạn hãy hướng dẫn con lấy nước vào một chiếc cốc nhỏ, dùng hết mới được lấy cốc nước khác.
Hãy bắt đầu từ việc tắt điện khi không dùng đến. Tiết kiệm điện cũng quan trọng chẳng kém gì nước, vì đây cũng là nguồn năng lượng quý và phải rất khó khăn mới tạo ra được. Nếu bé không xem tivi, không sử dụng đèn nữa, bạn hãy dạy con tắt những thiết bị này. Nếu con cứ mở tủ lạnh liên tục, bạn khéo léo nhắc nhở bé việc làm đó là không tốt. Bạn cũng nên tập cho bé cách tận dụng ánh sáng và gió trời tự nhiên thay vì ngồi máy lạnh, điều hòa. Điều này vừa giúp tiết kiệm điện, lại vừa đảm bảo sức khỏe của bé.
Hãy bắt đầu từ việc tiết kiệm giấy. Bé nhà bạn thường có thói quen xé giấy khi viết sai hoặc dùng giấy làm đồ chơi. Đây là một thói quen không tốt, bạn nên nhắc nhở và chỉ cho bé thấy, việc bé đang làm gây ảnh hưởng đến môi trường. Bạn nên kể cho bé nghe quy trình để làm ra những trang giấy đó phức tạp như thế nào. Ngoài ra, những trang giấy thừa vẫn còn dùng được, bạn hãy hướng dẫn bé cách đóng thành một cuốn sổ nhỏ để ghi chép hoặc dùng để vẽ. Hành động nhỏ này của bé cũng đã góp một phần bảo vệ môi trường hiệu quả rồi đấy.
Hãy bắt đầu với việc yêu cây, cỏ. Từng lá cây, từng bông hoa, ngọn cỏ cũng sẽ giúp cho môi trường trở nên tươi xanh, không khí trong lành. Bạn nên hướng cho bé cách nhìn về những giá trị mà thiên nhiên mang lại cho cuộc sống. Khi con còn nhỏ, bạn hướng dẫn bé cách trồng cây và những lợi ích mà chúng mang đến cho con người. Từ đó, bé sẽ yêu thiên nhiên hơn và trong sâu thẳm dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường.
Hãy bắt đầu với việc bỏ rác đúng nơi. Rác thải luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Do đó, ngay từ nhỏ bạn nên giúp con nhận thức về điều này. Ngoài ra, bạn nên giúp con phân loại rác thải như thế nào là hợp lý, nên bỏ và vứt rác đúng nơi quy định. Bạn cũng nên tập dần thói quen cho bé ý thức về bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ, cho bé biết ô nhiễm môi trường đang đe dọa đến hành tinh của chúng ta như thế nào. Với sự nhạy bén vốn có, bé sẽ dễ dàng nhận thức được vấn đề và có hành động đúng đắn.
Một khi trẻ em từ thuở ấu thơ đã có ý thức gìn giữ môi trường sống tự nhiên thì đây sẽ là sự bảo đảm cho tương lai bền vững của Hành tinh Xanh.