BVR&MT – Những năm qua, công cuộc thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta được thực hiện nhờ “bà đỡ” là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Do đó, hiệu quả của tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS đã khẳng định.
Đây là công cụ kinh tế quan trọng, hữu hiệu, cần tiếp tục được phát huy, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Nằm ở phía Tây huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), Sông Trà là xã miền núi cao, với 85% diện tích tự nhiên là đồi núi. Xã có 6 thôn, trong đó có 4 thôn đông đồng bào DTTS. Tại 4 thôn này, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 69,8%. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Hồng Sơn, nguồn thu nhập chính của đồng bào Cadong, M’nông (chiếm 43,14% tổng dân số xã) là từ sản phẩm nông nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi.
Tuy điều kiện tự nhiên rất khó khăn nhưng với nguyện vọng thoát nghèo, 90% hộ đồng bào DTTS đã tìm đến “bà đỡ” Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Trà My Phan Thành Phương cho rằng, trước đây, đồng bào có tâm lý “sợ”, không dám vay. Từ khi có NHCSXH thì bà con mới dám vay vì lãi suất thấp, chỉ bằng một nửa lãi suất của ngân hàng thương mại. Vay được vốn, bà con chủ động thay đổi nhận thức và hành động. Ví dụ, trước khi vay vốn để chăn nuôi, dù đồng bào được ngành Nông nghiệp ra sức vận động phải tiêm phòng cho gia súc mà vẫn không thực hiện, thì nay, đồng bào chủ động nhắc cán bộ thú y địa phương về lịch tiêm phòng cho gia súc.
Bà Nguyễn Thị Minh Thư – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nhận xét, được vay vốn đã tạo ra “áp lực”, nhưng theo chiều hướng tích cực, buộc đồng bào DTTS phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự cho không của Nhà nước; chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ; hình thành ý thức “có vay, có trả”, vươn lên làm ăn để có tích lũy cho bản thân, gia đình.
Đến Quảng Nam bây giờ không khó để tìm được những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ “áp lực” đổi mới tư duy sau khi tiếp cận với vốn tín dụng chính sách. Điển hình như ông Nguyễn Văn Lượng, từ một hộ nghèo dân tộc Cadong, năm 2008, đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh, nay đã có trên 20 ngàn gốc sâm, trở thành tỷ phú của huyện Nam Trà My; hộ ông Ra pát Mơi, thôn A tép 2, xã Bhalêê, huyện Tây Giang vay 5 triệu đồng để trồng rừng, đến nay, gia đình có 4 ha keo lá tràm, 5 con bò và đã thoát nghèo bền vững; hộ chị Hồ Thị Danh, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My vay 8 triệu đồng theo Quyết định 54/QĐ-TTg và 19 triệu đồng diện hộ nghèo để trồng keo và chăn nuôi bò, nay đã có 3,5 ha keo và 4 con bò; anh Phạm Văn Đoàn, hộ nghèo người Cadong, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My mạnh dạn vay vốn chương trình hộ nghèo 50 triệu đồng và 15 triệu đồng theo Quyết định 755/QĐ-TTg, nay, gia đình anh đã thoát nghèo với trang trại 15 con heo giống và 1,5ha rừng…
Theo số liệu của NHCSXH Việt Nam, đến 31/12/2018, NHCSXH có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ đạt 46.159 tỷ đồng, chiếm 24,6%/tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 31,4 triệu đồng/bình quân chung là 28,2 triệu đồng.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa số hộ DTTS sống tại vùng DTTS và miền núi đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 02 đến 03 chương trình tín dụng ưu đãi. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gần 2 triệu hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 860 nghìn lao động (trên 20 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 300 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,6 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 233 nghìn căn nhà ở…
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS cũng không ngừng được củng cố và nâng cao trong 16 năm qua, góp phần quan trọng vào việc bảo toàn nguồn vốn được Nhà nước giao. Tuy chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, biến động giá cả thị trường, trình độ sản xuất, kinh doanh của đồng bào DTTS còn hạn chế… nhưng tỷ lệ thu hồi vốn cho vay đối với đồng bào DTTS đạt kết quả khá cao. Năm 2018, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,78%/tổng dư nợ, trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại là gần 3%.
Hiện nay, “lõi nghèo” tập trung ở vùng DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS đang cao gấp hơn 3 lần tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Vì vậy, trong thời gian tới, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý, cần tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là công cụ kinh tế hữu hiệu, quan trọng, tích cực để góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Trong tháng 4/2019, Ủy ban Dân tộc và NHCSXH sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS tại Việt Nam”. Một trong những vấn đề được hai bên dự kiến kiến nghị là đề nghị hình thành một nguồn vốn riêng, được cân đối, bố trí từ Quốc hội để đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với đồng bào DTTS được ưu tiên nhất, chủ động nhất, tránh trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được kịp thời khi các quyết định chính sách dành cho đồng bào được ban hành. Nguồn vốn cho vay đối với hộ đồng bào DTTS được ngân sách nhà nước cấp 100%, với lãi suất cho vay phù hợp.
Bên cạnh đó, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ DTTS trên địa bàn.
Theo đánh giá của NHCSXH, đây sẽ là một trong những giải pháp đột phá để trao cơ hội thoát nghèo cho đồng bào DTTS từ vốn tín dụng chính sách xã hội ưu đãi.