BVR&MT – Ngày CLB hát then – đàn tính ra mắt vào tháng 5/2017, ông Ma Út vẫn nhớ y nguyên không khí háo hức, sôi nổi, phấn khởi của mỗi thành viên. Với họ thì đó là sự kiện lớn, mong đợi bao lâu của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi ở xã Tràng Lương, TX Đông Triều (Quảng Ninh).
Cùng hoài niệm với ông Út, bà Cam Thị Lâm, Chủ nhiệm CLB hát then – đàn tính, xã Tràng Lương, cũng hồ hởi chia sẻ: “Từ khi CLB được thành lập đã vận động được những người cao tuổi, trung niên, học sinh trên địa bàn tham gia tập luyện. Giai đoạn không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng tôi sinh hoạt cố định vào 2 buổi thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Những ngày trong tuần, nếu sắp xếp được thời gian, bà con vẫn có thể tham gia sinh hoạt thêm tại Nhà văn hóa thôn Trung Lương. Với mục đích duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của địa phương, CLB là cầu nối mang hát then, đàn tính đến với đông đảo tầng lớp nhân dân”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để mở rộng, phát triển CLB, các cán bộ văn hóa xã đã tới từng nhà, khơi dậy niềm tự hào cũng như gắn kết những hạt nhân yêu thích các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, kết hợp với thị xã và Sở Văn hóa – Thể thao tổ chức các lớp học, mời nghệ nhân về dạy hát then, đàn tính cho bà con, qua đó nuôi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày xã Tràng Lương.
Hiện nay, với con số trên 40 thành viên của CLB hát then – đàn tính ở xã Tràng Lương đã cho thấy nỗ lực của người dân và chính quyền trong việc phục dựng và bảo tồn nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số. Tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, nhưng những thành viên này vẫn từng ngày luyện tập, từng cá nhân luyện tập, từng nhóm nhỏ luyện tập. Tập để không quên, tập để nuôi dưỡng niềm đam mê và tập để còn trao truyền cho thế hệ trẻ, bởi số lượng những nghệ nhân đều đã cao tuổi và sức khỏe cũng ít nhiều không còn sung sức như thời trẻ.
Bà Cam Thị Lâm cho hay, thực hiện theo các quy định về phòng chống dịch, nên hiện nay các thành viên thay vì tập trung để tập luyện thì chia thành nhiều nhóm nhỏ, gia đình tập luyện, cá nhân tập luyện và công cụ hữu ích trong thời điểm này đó chính là chiếc điện thoại kết nối với mỗi thành viên. Mỗi thành viên cũng có một cách khác nhau để gìn giữ đam mê, như bà Vi Thị Hồng thường xuyên lên mạng để tra cứu cách hát then, luyến láy, nhấn nhá như thế nào, cách gảy đàn tính, cách biểu diễn ra sao để chỉnh sửa và chia sẻ những thông tin này đến các thành viên trong CLB…
Tràng Lương là một xã miền núi còn nhiều khó khăn của Đông Triều, với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm khoảng 40%. Từ nhiều năm qua, hát then là loại hình văn hoá nghệ thuật truyền miệng, gắn liền với hoạt động sinh hoạt văn hoá hàng ngày của bà con dân tộc Tày nơi đây. Việc phát triển mô hình CLB hát then – đàn tính đã từng bước đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với cuộc sống của người dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với du lịch của thị xã.
Đã 4 năm trôi qua, kể từ ngày triển khai các giải pháp nhằm khôi phục, gìn giữ nghệ thuật hát then, đàn tính, có thể nhìn thấy sự thay đổi từ trong tâm thức từng người dân tới những cán bộ văn hóa xã nơi đây. Chính quyền địa phương đã đồng lòng với bà con nhân dân, cùng tổ chức và hỗ trợ các hoạt động của mô hình CLB. Bên cạnh đó, từng thành viên CLB cũng tự mình đóng góp, xung quỹ, giúp cho CLB được duy trì, góp phần tạo dựng hình ảnh, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa độc đáo này.
Ông Ma Út nay đã gần 80 tuổi, bày tỏ sự trăn trở, sợ rằng các nghệ nhân nay đã tuổi cao sức yếu, nếu không kịp truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống cho lớp kế cận thì các giá trị ấy sẽ bị mai một đi. Do vậy, ông vẫn tập luyện mỗi ngày, viết lời mới cho các bài then, tìm kiếm các bài then cổ, luyện đàn tính cho các cháu nhỏ…
Ông Ma Út, thành viên CLB hát then, đàn tính xã Tràng Lương đang cố gắng truyền dạy cho cháu gái những kĩ thuật trong cách gảy đàn tính.
Cùng với nỗ lực của các nghệ nhân, hội viên CLB, địa phương cũng vào cuộc tích cực. Bà Lài Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Lương, cho hay, trong thời gian tới, địa phương sẽ đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện để mở các lớp dạy hát then, đàn tính, học tiếng dân tộc Tày cho các em học sinh trên địa bàn. Thông qua đó, góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số ở xã Tràng Lương.