BVRMT – Nhờ chọn được cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và hướng đi đúng của người dân và chính quyền. Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã giảm được số hộ nghèo qua các năm, riêng năm 2017 đã giảm được 6,2% số hộ nghèo xuống còn 14,2%.
Theo tìm hiểu, trước đây xã Việt Thành, huyện Trấn Yên trồng rau, bà con bận bịu tưới cây, làm cỏ từ nửa đêm gà gáy nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Mùa sâu nở, cánh đồng ngày nào cũng thuốc sâu mịt mù như hơi sương, khắp làng ô nhiễm. Từ ngày chuyển sang nghề tằm tang, bà con đã bớt đi nhiều nhọc nhằn, cây dâu lại rất dễ trồng, chịu hạn tốt, một lần trồng có thể cho thu hoạch trong khoảng 10 năm.
Có mặt tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Cương, bà Trịnh Thị Lưu ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành vào một ngày mưa. Những tưởng chúng tôi là người đến mua tằm, ông Chương cho biết: “Mưa mãi thế này, cái nhà nuôi tằm con biết bao giờ mới xây xong. Từ ngày có nghề trồng dâu nuôi tằm, bỏ lỡ lứa nào là nhà tôi ngẩn ngơ tiếc lứa đó”.
Trồng dâu nuôi tằm cũng không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, vốn đầu tư không quá lớn nên bà con có thể làm chủ kỹ thuật chỉ sau một vài năm nuôi. Bà Lưu cho biết: “Riêng thôn Trúc Đình 65 hộ, 100% trồng dâu nuôi tằm. Vì ở đất này từ trước tới nay không có cây gì, con gì hiệu quả bằng cây dâu, con tằm. Nếu không có con tằm, có lẽ giờ này vợ chồng, con cái tôi vẫn chui ra chui vào gian nhà toen hoẻn, dột nát”.
Rời thôn Trúc Đình, chúng tôi ghé thôn Lan Đình, gặp ông Nguyễn Thế Ngữ đã có thâm niên gần hai chục năm làm nghề nuôi tằm – ông nói: “Ngày trước mới nuôi không biết. Hễ trời mưa là bà con không dám hái lá dâu, vì tằm ăn lá dính nước mưa là đi ngoài, không cách nào chữa được. Hồi đó tằm ăn bữa đói bữa no, đi ngủ với cái bụng lép xẹp nên chất lượng kén cũng phập phù. Bây giờ nuôi nhiều nên có kinh nghiệm, lại được các kỹ sư của huyện xuống cầm tay chỉ việc nên bà con vỡ ra nhiều lắm. Tôi tãi lá dâu, bật quạt máy rồi năng giăn giở chỉ nửa buổi là khô”.
“Nhà tôi hai ông bà già mà mỗi năm còn thu được 100-130 triệu đồng. Suy từ nhà tôi ra là đã biết kinh tế của các gia đình trẻ, đông lao động khác vững đến thế nào” – ông Ngữ cho biết thêm.
Cái nghề trồng dâu, nuôi tằm này, công việc không nặng nhọc nhưng bận bịu luôn chân luôn tay, nhất là những ngày tằm ăn rỗi. Song nuôi tằm rất nhanh được thu, mỗi lứa tằm chỉ nuôi trong khoảng một tháng là tằm đã hoá kén, có thể xuất bán. Lứa nọ nối lứa kia, mỗi năm xuất bán được được 10-13 lứa.
Bà Lê Thị Lụa, Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng uỷ xã Việt Thành phấn khởi nói: “Trước đây Việt Thành có rất nhiều nhà gỗ, xập xệ, đường làng ngõ xóm là đường đất. Từ ngày có cây dâu, con tằm đến nay, có những thôn đã không còn mái nhà gỗ nào, đâu đâu cũng thấy mọc lên những ngôi nhà kiên cố, hiện đại không kém gì phố thị. Tiện nghi sinh hoạt cũng không còn là những món đồ xa xỉ với bà con, xe tay ga đắt tiền chạy veo veo khắp xã”.
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên, ông Nguyễn Thế Phước cung cấp cho chúng tôi những con số khá ấn tượng: 345 héc-ta trồng dâu với khoảng 870 hộ tham gia trồng dâu nuôi tằm ở các xã Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp. Năm 2017, sản lượng kén tằm đạt 430 tấn, tăng gần 70 tấn so với năm 2016, bà con thu về khoảng 55 tỷ đồng.
Hiện nay Trấn Yên là vựa dâu tằm lớn nhất miền Bắc, và cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái phát triển nghề “nuôi tằm ăn cơm đứng”. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 có 1000 héc-ta trồng dâu, cho giá trị kinh tế khoảng 300 triệu đồng/héc-ta mỗi năm”.
Được biết, đầu năm 2018, Trấn Yên còn kêu gọi được một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dâu tằm tơ, đặt trụ sở tại xã Báo Đáp để thu mua kén cho bà con. Theo lộ trình, năm 2019 họ sẽ xây dựng dây chuyền để năm 2020 bắt đầu ươm tơ ngay tại huyện. Và nhiều cách thức thực hiện khác nữa sẽ được người dân và chính quyền địa phương áp dụng, nhằm giúp đời sống, kinh tế của bà con ngày càng phát triển.
Văn Hoàng – Hoàng Ngọc