BVR&MT – Không như những năm trước, muốn vào vườn cò Bằng Lăng (tọa lạc tại khu vực Thới bình 1, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), du khách chỉ có cách di chuyển trên xe 2 bánh bởi đường GTNT khá trắc trở và sụt lún nghiêm trọng, lần này đến đây du khách có thể thong dong trên những chiếc xe 4 bánh vào tận vườn bởi chính quyền vừa làm xong con đường to, rộng.
Hiện chủ nhân vườn cò là anh Nguyễn Không Lo, con trai út của ông Bảy Thuyền, người xây dựng vườn cò độc nhất đất Tây Đô, đã mất cách nay 1 năm ở tuổi 76.
Chúng tôi đứng trên đài quan sát để cảm nhận màu xanh bất tận từ hàng trăm cây tre, trúc, tầm vông, ô môi… trong tiếng kêu ra rả của những chú cò khiến du khách luôn thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái. Đây đang là quần thể thiên nhiên sinh thái hiếm hoi của TP Cần Thơ với rất nhiều loại cò, các loại có cùng họ với cò (còn gọi là bạn cò) cư trú, sinh sản, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và nhiều nhà nghiên cứu động vật đến tìm hiểu.
Ông Nguyễn Không Lo, chủ nhân mới của khối tài sản “thiên nhiên” này kể lại “…Theo lời kể của cha tôi, cò bắt đầu xuất hiện năm 1983 với hàng trăm con đến đây làm tổ rồi kéo nhau đi mất. Thật lạ lùng, năm sau chúng quay về với số lượng hàng chục ngàn con và bắt đầu “cắt cứ”, sinh sản cho đến nay. Năm 1987, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quy hoạch đây là điểm du lịch thiên nhiên của địa phương…”.
Ban đầu diện tích vườn cò khoảng 15.000 mét vuông, trước tình trạng quá tải nơi cư trú và sinh sản của chúng, ông Bảy Thuyền đã mở rộng diện tích lên trên 22.000 mét vuông để không để ảnh hưởng đến việc phát triển, sinh hoạt của trên 300.000 loại cò như : cò Cá, cò Ruồi, Ngà, Sen, Quắm, Xám, Lao, Ma… Cạnh đó còn có trên 350.000 con cùng họ với cò như: Vạc, Cồng cọc, Bạc má… cùng lưu trú, sinh đẻ trên khu vườn. Trong đó cò Ruồi chiếm đến 80% số lượng.
Theo kinh nghiệm của ông Bảy Thuyền thì các loại cò thích hợp làm tổ trên các loại cây là : Tre, Tầm vông, Me nước vì thông thoáng, dễ làm tổ ở các mắc, có nhiều gió, rễ bám sâu ít bị rung lắc khi chúng đậu, ăn mồi, sinh sản. Chúng thường tập trung nhiều nhất vào khoảng tháng 8 đến tháng 2 âm lịch năm sau để sinh nở, sau đó di trú sang địa phương khác khoảng 6 tháng lại quay về chốn cũ. Đây là quy luật “bất di, bất dịch” mà ông đúc kết sau trên 30 năm gắn bó với chúng.
Có một câu chuyện rất cảm động mà người chủ vườn cò luôn nhớ mãi và là niềm động viên rất lớn khiến ông luôn tâm niệm gắn bó với khu vườn đến tận cuối đời. Năm 1994, toàn bộ cây ăn trái của vườn như cam, quýt, bưởi… bị chết rễ do sức nặng và độ rung lắc của hàng trăm ngàn con cò. Biết chuyện GS – TS Võ Tòng Xuân (lúc này là hiệu phó trường Đại học Cần Thơ) đến tham khảo hỗ trợ ngay 5 triệu đồng (lúc này số tiền rất lớn) để ông Thuyền chuyển sang trồng tre, trúc, tầm vông, me đất, ô môi vốn có bộ rễ rất khỏe. Cạnh đó ông vét sâu các mương vườn vừa thả cá nuôi cò, vừa lấy đất bồi đắp cho số cây mới. Kết quả mang lại rất hiệu quả cho đến nay. Sau đó UBND tỉnh Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ thêm 3 triệu đồng giúp ông an tâm bảo vệ an toàn cho đàn cò khổng lồ.
“…Nếu như tốc độ sinh sản như hiện nay của các đàn cò thì cần mở rộng thêm khoảng 20.000 mét vuông nữa mới đủ đáp ứng, muốn vậy nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ về kinh phí…”. Ông Không Lo chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Bảy Thuyền thì các loại cò thích hợp làm tổ trên các loại cây là: Tre, Tầm vông, Me nước vì thông thoáng, có nhiều gió, rễ bám sâu ít bị rung lắc khi chúng đậu, ăn mồi, sinh sản. Chúng thường tập trung nhiều nhất vào khoảng tháng 8 đến tháng 2 âm lịch năm sau để sinh nở, sau đó di trú sang địa phương khác khoảng 6 tháng lại quay về chốn cũ. Có nhiều tập quán mà khi đến đây chúng tôi mới được người chủ vườn kể cho nên cảm thấy rất kỳ lạ và lý thú đầy hấp dẫn như: vỏ trứng rất mỏng nên chúng làm tổ ở những nơi có gió để chống nóng; cò bố có nhiệm vụ dẫn dụ cò con rời khỏi tổ sau khi sinh và tập con bay lượn đến khi thuần thục; những con còn lạ đến giành thức ăn cho cò mẹ và cò con sẽ bị cò bố tấn công đến chết; các loại cò thì kiếm ăn trên mặt nước trong khi các loại cùng họ với cò lại lặn sâu dưới mặt nước để săn mồi. Quanh năm cò tự đi kiếm ăn, nhưng vào mùa khô hạn, chủ vườn phải cho ăn phụ thêm hàng ngày như tép, cá vụn sắt nhuyễn…
Chia sẻ với chúng tôi, Ông Nguyễn Không Lo nói với tâm trạng lo lắng: “Tâm nguyện của cha tôi trước khi mất là được nhà nước tạo điều kiện mở rộng diện tích để phát triển đàn cò bền vững. Chính quyền các cấp nhiều lần đến khảo sát, hứa hẹn nhưng rồi bặt vô âm tín”.
Nhìn khu vườn còi cọc, xác xơ. Nhìn những đàn cò thưa thớt gọi bầy, chúng tôi quá nao lòng trước tình trạng một vườn cò quý hiếm đang dần mai một trước sự thờ ơ của những người quản lý!
Bài, ảnh: Trương Thanh Liêm