BVR&MT – Trong các phiên thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế – xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, rất nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về thực trạng thiếu đất sản xuất, lấn chiếm đất cũng như vấn đề bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa các công ty nông lâm trường, Đại biểu Quốc hội Y Biêr Niê (Đắk Lắk) cho hay Đắk Lắk hiện có 46 công ty nông lâm trường, trong đó có 25 công ty trực thuộc địa bàn tỉnh và 21 công ty thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo kế hoạch, trong năm 2018, 25 công ty do tỉnh quản lý phải cổ phần hóa, giải thể và sắp xếp lại nhằm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và quyền lợi chính đáng của những người nhận khoán vườn cây. Tuy nhiên, thay vì chuyển nguồn kinh phí thu được từ quá trình cổ phần hóa 25 đơn vị này để giao lại cho các công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Đại biểu Y Biêr Niê đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế để tỉnh có thể sử dụng nguồn kinh phí để mua lại vườn cây và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cấp lại cho người thiếu đất sản xuất, đất ở và các hộ trực tiếp nhận khoán tại các công ty nông lâm nghiệp. Bên cạnh đó, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng trong việc đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp để xác định diện tích đất giao lại cho địa phương quản lý, trên cơ sở đó sẽ sớm giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho người dân.
Cùng quan tâm tới vấn đề cổ phần hóa công ty nông lâm nghiệp và bố trí đất cho đồng bào dân tộc, Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nhấn mạnh việc xác định giá trị doanh nghiệp cần phải gắn với phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa được phê duyệt. Tuy nhiên, việc quản lý đất đai đối với các doanh nghiệp là đơn vị nông lâm nghiệp vẫn còn nhiều phức tạp. Tình trạng người dân lấn chiếm đất đai vẫn thường xuyên xảy ra dẫn đến khó khăn cho việc phê duyệt phương án sử dụng đất. Từ đó dẫn đến kéo dài thời gian xác định giá trị doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ thực hiện cổ phần hóa. Mặt khác, áp lực từ tình hình dân di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên rất lớn. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý dứt điểm đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm hiện nay.
Tiếp tục thảo luận về vấn đề thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ: Nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng ngàn m2 đất dù chỉ là đất ruộng, thậm chí có đất không thể canh tác được mà người dân vẫn không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống. Đó là việc chưa kể phải tạo kế sinh nhai cho người dân có đất bị thu hồi một cách thực chất chứ việc thu hồi bấy lâu nay khiến một lượng không nhỏ người dân không có đất sản xuất, phải tự di cư đến các đô thị để làm thuê, làm mướn, hoặc khai thác khoáng sản, phá rừng, buôn bán bất hợp pháp. Riêng việc thu hồi đất vì mục đích kinh tế – xã hội, cần thay đổi cả cơ chế lẫn quy định pháp luật theo hướng doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân dựa trên giá thị trường chứ chính quyền không thu hồi đất hộ doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án phải tham vấn ý kiến của người dân. Hiện Chính phủ đã đề xuất sửa đổi Luật Đất đai sau 4 năm thi hành và việc sửa đổi này cần quan tâm giải quyết những vấn đề thu hồi đất với mục tiêu đảm bảo quyền lợi tương xứng và cuộc sống bình thường của người dân và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cũng rất băn khoăn về tính bền vững trong phát triển kinh tế và đề nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất; giảm tình trạng phá rừng làm rẫy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiến nghị cần sớm có chính sách mới về hạn điền và chú ý đến vấn đề môi trường, xâm nhập mặn, sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như hoạt động đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Riêng Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh vấn đề phát triển kinh tế và bảo tồn di sản, đồng thời đề nghị chấn chỉnh tình trạng phát triển xâm lấn, gây thiệt hại cho công tác bảo tồn, đặc biệt là bảo tồn các di sản thiên nhiên, bảo tồn các di sản văn hóa và lịch sử.
Minh Đường