BVR&MT – Bằng sự quyết tâm và những cách làm hay, nhiều xã ở Cà Mau vẫn “về đích” xây dựng nông thôn mới đúng hẹn.
Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2021- 2025. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, cả hệ thống chính trị phải tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch COVID -19. Dịch bệnh cũng đã gây ảnh hưởng đến tình hình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tuy nhiên bằng sự quyết tâm và những cách làm hay, nhiều xã ở Cà Mau vẫn “về đích” đúng hẹn.
Nhiều khó khăn, thách thức
Tân Phú là 1 trong 3 xã của huyện Thới Bình hoàn thành sớm nhất hồ sơ trình Ban Chỉ đạo thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Tuy nhiên, trong thời gian chờ thẩm định, dịch COVID -19 bùng phát trên diện rộng nên một số tiêu chí bị ảnh hưởng. Trên 800 lao động về từ tỉnh, thành phố lớn đã khiến địa phương phải tập trung mọi nguồn lực cho việc kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo ổn định đời sống người dân.
Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Phú chia sẻ: “Mọi tiêu chí đã cơ bản hoàn thành, nhưng dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến các tiêu chí như: thu nhập, hộ nghèo, bảo hiểm y tế, lao động việc làm… Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách vừa chống dịch, vừa tiếp tục củng cố, hoàn thành các tiêu chí.”
Do yếu tố dịch bệnh, y tế là tiêu chí bị ảnh hưởng nhiều nhất. Điển hình như tháng 8/2021, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của xã Tân Phú đạt 90,27%, tuy nhiên đến tháng 9 chỉ còn 84,01%, giảm 6,26% (tương đương hơn 1.000 người chưa tham gia bảo hiểm y tế). Một phần do người về từ vùng dịch không có bảo hiểm y tế, một phần do giãn cách, người dân không đi gia hạn được và một phần do học sinh lớp 1 chưa đi học nên chưa thể tham gia.
Về sản xuất và thu nhập, đa số hộ dân, các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn xã đều sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế ra đường nên việc tham gia sản xuất hàng ngày theo kế hoạch thời vụ bị ngưng trệ trong thời gian ngắn. Các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng, rớt giá do dịch bệnh, trong khi đó giá đầu vào phân bón, thuốc thú y thủy sản tăng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và thu nhập của người dân. Thu nhập bị ảnh hưởng kéo theo tỷ lệ hộ nghèo có khả năng tăng cao.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho rằng, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới. Hầu như mọi hoạt động khác phải tạm dừng để ưu tiên cho việc ổn định đời sống người dân.
Một phần khó khăn cũng đến từ việc nguồn vốn phân bổ quá chậm nên huyện khó khăn trong cân đối vốn thực hiện chương trình: “Năm 2021 là năm đầu của giai đoạn 2021-2025, do cân đối nguồn lực của giai đoạn chưa được triển khai phân bổ từ chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương, trong khi đó ngân sách huyện còn khó khăn, phải đầu tư dàn trải nhiều công trình; đến cuối tháng 9/2021 vốn mới được phân bổ về, thì tiến độ các công trình không thể nào hoàn thiện kịp”, ông Bạo nói.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ðiều phối Nông thôn mới tỉnh Cà Mau cho hay, khó khăn lớn nhất trong lộ trình xây dựng nông thôn mới năm 2021 là tình hình dịch COVID -19 diễn biến phức tạp. Dịch bệnh không chỉ khiến đời sống, kinh tế của người dân gặp khó khăn mà có ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, đặc biệt là khâu tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương. “Mặc dù có những khó khăn nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng thì cơ bản vẫn đạt kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Xuân Sơn khẳng định.
“Trái ngọt” từ sự chung lòng
Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức nhưng cả hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau luôn giữ vững quan điểm về xây dựng nông thôn mới, đó là đảm bảo thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích. Nhờ đó, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình hình thành khá đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, năng lực hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc từ tỉnh đến cơ sở từng bước được nâng lên. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục; nhiều cơ chế chính sách được ban hành ban hành đã tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Chương trình…
Thành quả là chỉ trong hai tháng đầu năm 2022, tỉnh Cà Mau có thêm ba xã chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như kế hoạch, nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 46/82 xã “về đích” xây dựng nông thôn mới, trong đó có xã Tân Phú, huyện Thới Bình.
Trước thành quả đó, ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Phú phấn khởi chia sẻ, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng Ðảng bộ, chính quyền cùng nhân dân trên địa bàn rất tích cực thực hiện các tiêu chí còn lại, để UBND tỉnh thẩm định đạt chuẩn. Kết quả này chủ yếu mang lại những điều kiện cho người dân thụ hưởng kịp thời, tạo nên niềm vui và sự phấn khởi cho Ðảng ủy, UBND và người dân xã Tân Phú, tạo động lực phấn đấu hơn nữa trong xây dựng quê hương giàu đẹp.
Ngày 25/2 vừa qua thật sự là dấu mốc đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tạ An Khương Đông, bởi từ một xã “nội đồng” với xuất phát điểm thấp của huyện Đầm Dơi, nhưng bằng sự phấn đấu, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay đã trở thành xã nông thôn mới thứ 46 của tỉnh Cà Mau.
Ông Phan Minh Khỏe, Bí thư Ðảng ủy xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi thông tin, thời điểm 10 năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã có trên 400 hộ, chiếm 20,41% và cận nghèo 215 hộ, chiếm 10,98%, nhưng đến đầu năm 2022 chỉ còn 22 hộ nghèo, chiếm 1,07% và 41 hộ cận nghèo, chiếm 1,85%. Từ không có hợp tác xã thì đến nay các loại hình kinh tế tập thể được quan tâm chú trọng, toàn xã hiện có 10 tổ hợp tác sản xuất với 133 thành viên và 1 hợp tác xã với 11 thành viên, từng bước hoạt động đúng theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ chỉ có 1 trường đạt chuẩn quốc gia nay có 3 trường đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người từ 18 triệu đồng nâng lên 52 triệu đồng…
Những thành quả ấy giúp quê hương Tạ An Khương Ðông khởi sắc, chuyển mình mạnh mẽ, nâng cao mức sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Ðặc biệt, khi người dân thấy được những lợi ích thiết thực từ chương trình xây dựng nông thôn mới càng củng cố thêm niềm tin, tiếp tục nỗ lực cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
“Tập hợp sức dân chung tay xây dựng nông thôn mới chính là yếu tố đưa xã Tạ An Khương Ðông về đích xã nông thôn mới. Thời điểm này, chính quyền địa phương và nhân dân có thể an tâm, hưởng trọn niềm vui từ kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu thời gian qua. Phấn khởi và tự hào với thành quả đạt được, song chính quyền địa phương và người dân nơi đây luôn đề cao vai trò, nhiệm vụ, xem đây là đòn bẩy, động lực để tiếp tục nâng chất, chinh phục các tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tiếp theo”, Bí thư Ðảng ủy xã Tạ An Khương Ðông chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trong xây dựng nông thôn mới là rất đáng ghi nhận, tự hào. Tuy nhiên, mục tiêu của tỉnh Cà Mau vẫn là nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, tiến tới mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó, khi các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là tiền đề để thực hiện chương trình tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu có khoảng 80% số xã toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và có từ hai đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. “Riêng trong năm 2022, Cà Mau phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dù gặp không ít khó khăn, nhưng địa phương xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Từ đó, phấn đấu hoàn thành trong khả năng kế hoạch xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025, Cà Mau huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung huy động, lồng ghép đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chính sách bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Trong xây dựng nông thôn mới, người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau lưu ý các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh phải làm thực chất và không chạy theo thành tích, phải lấy sự hài lòng và thu nhập của người dân làm thước đo để đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới.