BVR&MT – Có lẽ, trong biết bao nhiêu nghề, nghề báo là một nghề được đặc trưng bởi những cung đường, vất vả, cống hiến và những hy sinh mà không phải ai cũng biết. Thế nhưng, trong sự gian nan đó có không ít những cô gái đang vượt lên chính mình, bỏ qua sự yếu mềm của phận nữ nhi để trở thành phóng viên, nhất là khi trở thành một nữ phóng viên theo viết mảng điều tra, đấu tranh chống tiêu cực thì không phải ai, hay người trẻ nào cũng có thể bám trụ được…
Phóng viên Quỳnh An – Báo Gia đình Việt Nam: “Sẵn sàng làm mẹ đơn thân chứ không bỏ nghề!”
Với dáng người nhỏ bé, đôi mắt to tròn, dễ thương… Thế nhưng ít ai biết cô phóng viên Quỳnh An (bút danh Cao Nguyên) của tờ Đời sống Việt Nam (báo Gia đình Việt Nam) lại là một cây bút trẻ khá mạnh mẽ trong những bài viết điều tra, chống tiêu cực của mình.
Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn viết về mảng chống tiêu cực mà không phải là một mảng nào khác “thanh nhàn” hơn, Quỳnh An chỉ nói: “Em muốn đưa những điều gian dối ra ánh sáng, ra trước công luận để những kẻ làm hại nước hại dân phải đền tội”.
Quỳnh An cho biết, khi theo nghề báo, làm mảng chống tiêu cực, ban đầu gia đình ai cũng phản đối. Vì là con gái một trong nhà, mẹ muốn cô nối nghiệp ngành dược hoặc đi làm giáo viên, chứ làm báo vừa khổ vừa nguy hiểm. Thế nhưng khi thấy con gái kiên quyết theo nghề, mọi người cũng đành đồng ý nhưng lúc nào cũng lo lắng, nhất là mỗi khi cô đi vào “điểm nóng”. “Nói vậy thôi, thân gái đi vào nguy hiểm là cả một vấn đề. Lắm lúc sợ đến phát khóc mà vẫn tự an ủi mình không được bỏ cuộc” – Quỳnh An tâm sự.
Nhớ lại hồi tháng 7 năm 2016, khi ấy An đang là PV của của chuyên trang Phapluatplus (Báo Pháp luật Việt Nam), cô thực hiện đề tài về vấn nạn ô nhiễm môi trường ở mỏ quặng Quý Sa (Văn Bàn, Lào Cai). Một mình đi vào mỏ quặng, vượt qua ba chốt được bảo kê của dân xã hội đen, đến khi thu thập xong tài liệu, chứng cứ thì sợ không dám trở ra. Thậm chí cô phải gọi điện báo về cơ quan, nếu sau 3 tiếng nữa mà không liên lạc được với em thì nhớ báo công an, rồi bỏ xe lại tìm cách chạy thoát theo đường đồi.
Rồi đến khi thực hiện loạt bài về sai phạm xung quanh quyết định di dời chợ Đoàn Kết ở Lai Châu, Quỳnh An vấp phải khá nhiều những khó khăn. Sau khi nhận được chỉ đạo của cơ quan, 1h đêm lại vội vã bắt xe đi từ lào Cai đến Lai Châu, trên đường đi tranh thủ xem hồ sơ tài liệu, nghiên cứu lên kế hoạch tiếp cận nội dung. “Vụ ấy, nhìn các tiểu thương họ khóc trước mặt phóng viên mà thương lắm anh ạ, đó là những giọt nước mắt thật lòng và đã khiến em không thể không vào cuộc” – Quỳnh An chia sẻ.
Nhưng khi được hỏi về chuyện lập gia đình, cô gái 26 tuổi chỉ khẽ cười, nói: “Em theo cái nghề này, lăn lội quen rồi. Giờ như có một chút vừa ngông vừa điên ấy. Ngông với chính mình anh ạ. Thế nên chắc chả ai muốn yêu một nữ phóng viên điều tra đâu. Mà em thì em nhất định không bỏ nghề, ngày nào còn viết được, em vẫn viết, vẫn chống tiêu cực. Nếu cần, em sẵn sàng làm mẹ đơn thân, yêu nghề và yêu con. Với em, thế là đủ!”
Phóng viên Hoàng Thanh – Báo điện tử Infonet :“Không muốn đứng bục giảng, em muốn trưởng thành trên những con đường”
Thường hay tự nhận mình là cô gái 18 tuổi trên mạng xã hội với tính cách nhí nhảnh, gương mặt trái xoan, xinh xắn, khả ái là cô phóng viên trẻ Hoàng Thanh của báo điện tử Infonet. Dù tuổi đời mới 24 nhưng Hoàng Thanh lại nhận được khá nhiều sự yêu mến, cảm phục từ bạn bè, đồng nghiệp.
Cái duyên đến với nghề báo của Hoàng Thanh cũng khá “ba chìm bảy nổi”. Thích học môn Văn ngay khi còn là tiểu học, đến khi học cấp 3 thì quyết tâm ôm giấc mơ được trở thành một nhà báo. Ấy thế nhưng, điều này không được gia đình ủng hộ, nhất là khi Hoàng Thanh có một ông bác trong nghề, thấu hiểu được cái vất vả của nhà báo, ông luôn miệng khuyên ngăn cô không theo nghề này. Còn gia đình của Hoàng Thanh thì ủng hộ cô học môn Văn, nhưng lại nhất quyết muốn cô thi sư phạm để trở thành giáo viên dạy văn chứ không đồng tình cho con gái đi làm báo.
Để bố mẹ yên lòng, Hoàng Thanh đồng ý thi vào sư phạm và đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm khá cao. Thế nhưng trong thời gian theo học, Hoàng Thanh càng nhận ra rằng nghề giáo không phải là lựa chọn phù hợp cho mình, cô vẫn nuôi khát vọng riêng cho nghề báo. Rồi tình yêu nghề ấy đã chiến thắng, Thanh vẫn học cho xong bằng sư phạm, nhưng cố gắng tự theo học để có được bằng cấp liên quan về báo chí.
Ra trường với tấm bằng sư phạm nhưng Hoàng Thanh lại chính thức bước chân vào làng báo kể từ đó. “Em tự thấy mình là một cô gái thích sự mới mẻ, hay đôi khi là cảm giác có một chút hiểm nguy. Ngay từ bé em đã mơ ước được trở thành nhà báo, vì được đi nhiều nơi, làm quen với nhiều người, và đặc biệt là có thể góp phần đem lại công bằng cho những thân phận bị chèn ép” – Hoàng Thanh chia sẻ.
Kể về những trải nghiệm của mình khi trở thành nữ phóng viên, Hoàng Thanh nói; “Công nhận là nhiều gian khổ, vất vả thật anh ạ. Cũng đôi khi gặp lúc bị đe dọa của những kẻ xấu, hay sự bí bách khi nội dung bị dồn vào đường cùng là cũng nản. Nhưng sau đó thấy bài báo được đăng tải, có hiệu ứng xã hội, có kết quả thì vui lắm, cảm nhận rằng mình sống có ích hơn”.
Một trong những câu chuyện để lại cho Hoàng Thanh trăn trở nhất khi cô đưa tin và làm rõ sự thật liên quan đến một học sinh tự tử ở Yên Bái. Hoàn cảnh thương tâm ấy đã đặt em vào biết bao khó khăn, thậm chí là nước mắt. Vì là phóng viên trẻ, không có nhiều tiền nên cô đã phải đôn đáo chạy khắp nơi để tìm được một văn phòng luật sư đồng ý tư vấn pháp lý miễn phí cho gia đình em.
Nói về nghề thì hào sảng như vậy nhưng khi hỏi đến chuyện lập gia đình, Hoàng Thanh lại như một cô bé, nhí nhảnh mà đáng yêu đến lạ thường: “Nghề của mình vất vả lắm, đi sớm về hôm, chắc chẳng ai lấy đâu. Với lại em vẫn chỉ là cô gái 18 tuổi thôi anh, em muốn trưởng thành bằng những trải nghiệm, những hành trình của người phóng viên đã”.
PV Thiên Thảo (thực hiện)