BVR&MT – Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) đã ký thỏa thuận với Liên minh châu Phi (AU) nhằm giúp lục địa này chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và hỗ trợ AU phát triển.
Thỏa thuận được đưa ra sau vài năm đàm phán và được ký kết bởi Đại sứ Josefa Sacko, Ủy viên phụ trách kinh tế nông thôn và nông nghiệp của Ủy ban Liên minh châu Phi và Steven Broad, Giám đốc điều hành TRAFFIC.
AU bao gồm 55 quốc gia thành viên tạo nên lục địa châu Phi.
Một trong những nguyên nhân gây ra hầu hết các vụ săn trộm động vật hoang dã ở châu Phi là do các tổ chức tội phạm có khả năng tiếp cận với các thiết bị và vũ khí công nghệ cao.
Việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã như tê giác và voi từ lâu đã trở thành mối quan tâm lớn của các nhà bảo tồn. Kinh nghiệm chính sách và hỗ trợ kỹ thuật của TRAFFIC sẽ giúp AU “duy trì việc sử dụng và buôn bán các loài động thực vật được khai thác hoang dã ở mức độ hợp pháp và bền vững”, đồng thời “chống lại mọi hoạt động buôn bán bất hợp pháp và khai thác quá mức đe dọa đến đa dạng sinh học của chúng ta”, Đại sứ Sacko cho biết.
Theo thỏa thuận, TRAFFIC sẽ hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ môi trường và quản lý động vật hoang dã trên khắp châu Phi cũng như đóng vai trò là khuôn khổ trong cuộc chiến chống khai thác và buôn bán bất hợp pháp. Đặc biệt, TRAFFIC sẽ giúp Ủy ban AU thực hiện Kế hoạch Hành động Phục hồi Xanh, một kế hoạch 5 năm được đưa ra vào tháng trước nhằm vạch ra chiến lược cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi khí hậu từ đại dịch Covid-19 với các mục tiêu ưu tiên về phát triển bền vững và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã cũng giúp AU và các quốc gia thành viên chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh như Công ước về Đa dạng sinh học và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp vốn thường đặt ra các mục tiêu bảo vệ môi trường quan trọng.
Lan Thương (Theo namibian.com.na)