BVR&MT – Đà Lạt, một ngày nóng hơn lệ thường, tôi như bớt được đôi chút mệt mỏi sau chặng đường dài từ Bảo Lộc về Đà Lạt khi trông thấy ấm trà Thái Nguyên vừa pha bỏng rẫy. Có điều là thay vì ngồi thong thả uống trà như mọi khi, lần này nhà văn Chu Bá Nam lại tỏ ra khá… bí ẩn, khi nói: “Hôm nay, nó hơi khác thường một chút!”. Thế rồi, ông đi vào bếp, mang theo chiếc bình thủy, rót đầy hai li và đẩy về phía tôi một li: “Uống thử xem nó là loại nước gì!”.
Duyên khởi
Thực tế thì thứ nước màu nâu ngăm ngăm vừa được nhà văn Chu Bá Nam rót ra từ chiếc bình thủy, tôi đã uống một đôi lần, nhưng vì thấy ông có vẻ hơi nghiêm trang, nên cũng đâm ra lừng khừng. Chưa trả lời vội, tôi ngồi đăm đăm nhìn ly nước nghĩ ngợi. “Đây! Nó là thứ này!”, vừa nói nhà văn Chu Bá Nam vừa giở đúng trang 193 của cuốn sách “Đỉnh cao đế quốc Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp” của TS Eric T. Jennings do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2015, ra đặt trước mặt tôi.
Tính ông vốn vậy! Cẩn trọng, chu đáo và rạch ròi. Tôi ngó qua, trang sách có logo quảng cáo nhãn hiệu Thé des Plateaux Mois (Trà Mọi cao nguyên), vẽ hình một phụ nữ người dân tộc thiểu số địu con bên hông, vai mang gùi, miệng ngậm tẩu thuốc, hai tay đang làm động tác hái trà trên núi. “Nếu kiếm được thứ này thì bán cho ta 10 kg. Ta mua với giá gấp ba giá thị trường”, nhà văn Chu Bá Nam đề nghị.
Tôi bảo cứ để thử xem rồi hẵng tính chuyện mua bán. Tuy nhiên, nếu có kiếm được, tôi cũng chỉ bán theo giá thị trường. Thế là hành trình tìm kiếm trà rừng của tôi bắt đầu, Thés des Plateaux Mois là cách gọi của người Pháp, còn người dân bản địa (K’Ho và Mạ) thì gọi là Ce bri. Cánh rừng đầu tiên tôi tiếp cận thuộc địa phận xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Y hẹn, ông Hoàng Hinh, người có đất vườn tại đây, đã đợi tôi sẵn để dẫn đường. Gửi xe máy ở nhà dân gần đó, tôi lỉnh kỉnh ba lô, máy ảnh, sẵn sàng cho hành trình tìm kiếm cây trà rừng. Thế nhưng, sự hí hửng của tôi nhanh chóng bị dập tắt bởi câu nói như ra lệnh của ông bạn dẫn đường: “Gửi hết đồ đạc ở đấy luôn đi!”. Dứt lời, ông bạn dẫn đường chỉ tay lên phía đỉnh núi, nói tiếp: “Trên kia mới có!”.
Mặc dù nghĩ có thứ trà nào mà sống được ở trên đấy? Thế nhưng, tôi đành phải nghe theo lệnh của người dẫn đường là gửi lại ba lô, máy ảnh để tiếp tục hành trình. Sau khi vượt qua rẫy cà phê, chúng tôi gặp một con suối cạn. Tiếp tục đi một quãng xa, lại gặp một con suối. Cả hai phải vịn cành cây, đu người mới qua được con suối. Trèo qua con dốc dựng đứng, lại băng thêm một quãng đường rừng nữa, trước mặt chúng tôi mới hiện ra một khoảnh đất, nhấp nhô những tảng đá hoa cương. “Thứ này chỉ mọc ở những nơi đất có nhiều đá. Kìa, nó mọc ở cuối hòn đá kia kìa”, ông Hoàng Hinh nói. Theo hướng chỉ tay của người dẫn đường, tôi thấy một cây thân gỗ to bằng cổ chân, cao 2 – 3 m, mọc ở rìa tảng đá hoa cương.
Tiến lại gần hơn, tôi thấy có một cành bị chặt đổ xuống. Chắc trước đó đã có người đến lấy lá. Ông Hoàng Hinh bảo: “Nên lấy cả cành con. Bởi cành uống ngon hơn lá”. Chúng tôi thi nhau tuốt lá và cả cành con mang về.
Trà rừng sau khi phơi khô, đem gói trong bao nilon. Thỉnh thoảng tưới ít nước ở bên ngoài làm ẩm. Mỗi lần sử dụng, lấy một ít lá trà đun với nước, hoặc cũng có thể hãm với nước sôi như hãm nước vối. Nước trà rừng màu nâu ngăm ngăm và sẽ sẫm màu hơn khi để qua hôm sau. Trà rừng uống ngọt và thơm, vị nửa trà nửa vối. Nếu thêm đá (tẩy) uống càng dễ chịu. Bà Ka Phêm (ngụ thôn Bộ Bê, xã Gia Bắc, huyện Di Linh) cho biết: “Phụ nữ dân tộc K’Ho sau khi đẻ có thể lên nương rẫy được ngay là nhờ uống thứ trà này”.
Theo bà Ka Phêm, từ trăm năm nay, người K’Ho đã dùng trà rừng để làm thức uống hàng ngày. Trà rừng mùi vị nhẹ nhàng, dễ chịu, ít bị kích ứng, nhất là ăn được nhiều cơm, đêm ngủ ngon giấc. Ngoài ra, trà rừng còn có công dụng mát gan, giải độc cơ thể… Ông Hoàng Hinh thì cho rằng, nhờ uống đều đặn trà rừng mà ông đã khỏi bệnh đau dạ dày. Chuyến tìm trà rừng ở địa phận Đức Trọng kết thúc. Nhưng số lượng lá trà mà chúng tôi kiếm được không đáng kể, chỉ đủ pha một vài ấm uống thử và một ít thì gửi chỗ ông Nguyễn Duy Chính, giảng viên Khoa Sinh học Trường Đại học Đà Lạt, để nhờ xác định tên khoa học của trà rừng.
Vĩ thanh
Gọi điện thoại cho ông Nguyễn Duy Chính, tôi được biết: Trà rừng tên khoa học là Cratoxylum sp., thuộc chi Thành ngạnh, nhưng chưa rõ loài. Quả trà rừng hình tứ diện (kim tự tháp), to bằng đầu đũa, khi tách ra có 3 mảnh vỏ. Hạt màu nâu nhạt, to hơn hạt kê. Cây sinh sản bằng hạt. Cành mọc ngang thân và lá thì mọc đối xứng. Thân trà rừng có nhiều gai, gần giống gai bồ kết. Chỉ khác ở chỗ gai trà rừng thì mọc đơn, gai bồ kết lại mọc thành chùm. Gai trà rừng cũng tù hơn và cứng hơn gai bồ kết.
Từ thông tin trên, tôi hí hửng rủ thêm anh Trần Hữu Giang (ngụ thôn 8, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) tiếp tục quần thảo ở vùng núi Hòa Bắc, rồi lại theo chân người địa phương xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) đạp rừng tìm kiếm trà rừng tại địa phận xã Lộc Bắc và xã Lộc Bảo. Ròng rã tìm mấy ngày trời, thế mà số trà kiếm được vẫn chưa đầy 0,5 kg. Thấy khó nhằn quá, tôi bèn gọi điện thoại nhờ một người bên họ đằng vợ (người K’Ho) kiếm giúp và hứa sẽ mua với giá 150 ngàn đồng cho mỗi kg lá trà khô. Trước mắt, tôi dặn cứ kiếm khoảng 10 kg.
Tới ngày nhận trà, tôi tá hỏa khi phát hiện đó chỉ là trà… ở rừng, chứ không phải trà rừng. Thực chất, nó là thân của cây trà dây, hoàn toàn khác với loại trà rừng mà tôi yêu cầu. Đặt túi trà dây lên chiếc cân bàn, kim chỉ đúng con số 8, đồng nghĩa với số tiền 1,2 triệu đồng. Nhưng nghĩ đến cái cảnh mới sớm mở mắt người ta đã phải lọ mọ chạy xe từ xã Gia Bắc về xã Đinh Trang Hòa (khoảng 46 cây số) để giao hàng cho tôi còn kịp đi Đà Lạt, chẳng lẽ lại từ chối? Tôi không nỡ làm thế!
Trịnh Chu