BVR&MT – Ngành Môi trường TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên các phong trào hưởng ứng giảm lượng rác thải nhựa ngoài môi trường, tái chế rác thải nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường bị chững lại; việc lạm dụng rác thải nhựa, đồ nhựa sử dụng một lần trở nên phổ biến và ngày càng nhiều hơn. Để kiểm soát chất thải nhựa, ngành Môi trường TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn.
Rác nhựa tăng đột biến
Suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại TPố Hồ Chí Minh cho đến nay, các hoạt động mua bán hàng hóa trực tuyến và giao nhận tận nhà dần trở thành xu thế. Nhu cầu sử dụng các loại túi nilon, hộp nhựa, bao bì nhựa… để đóng gói sản phẩm theo đó tăng đột biến, dẫn đến việc gia tăng lượng rác nhựa thải ra ngoài môi trường.
Chị Ngô Ngọc Đông Phương, chủ một cửa hàng kinh doanh trái cây, rau củ trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) cho biết, trong thời gian TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội để chống dịch, cửa hàng của chị đã chuyển qua kinh doanh trực tuyến. Thời điểm đó, nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao, mỗi ngày chị Phương phải giao hàng trăm đơn hàng đến nơi ở của khách. Chưa kể nhiều tổ chức thiện nguyện cũng đặt hàng rau, trái cây số lượng lớn từ cửa hàng của chị để chuyển đến cho bệnh nhân COVID-19 và các hộ dân nghèo. Do “quá tải” đơn hàng cộng thêm yêu cầu vận chuyển gấp rút nên chị Phương đã chọn gói hàng bằng các loại bao bì nilon để thuận tiện cho việc giao nhận.
Theo chị Phương, lúc trước cửa hàng của chị dùng lá chuối để gói trái cây, rau củ, còn túi đựng thì dùng túi vải hoặc túi giấy để khách cầm về. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh, hoạt động sản xuất của các loại bao bì thân thiện môi trường bị ảnh hưởng dẫn đến thiếu hàng nên chị bắt buộc phải quay lại dùng túi nilon để đóng gói hàng hóa. “Hơn nữa, lá chuối, túi giấy chỉ có thể sử dụng với những đơn hàng cá nhân mua số lượng ít, chứ với những đơn mua hàng chục, thậm chí hàng trăm kilogram thì rất bất tiện, dễ hỏng, rách trong quá trình vận chuyển nên tôi chỉ còn cách sử dụng túi nilon, giá thành rẻ mà lại có nhiều kích cỡ. Trong gần 4 tháng giãn cách, mỗi ngày tôi dùng đến gần 4kg túi nilon để chuyển hàng”, chị Phương nói.
Ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã qua giai đoạn căng thẳng thì nhiều người dân và các cơ sở kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh vẫn giữ thói quen sử dụng bao bì, vật dụng nhựa trong sản xuất, buôn bán. Tại nhiều hàng quán ăn uống, tiệm tạp hóa, siêu thị trên địa bàn Thành phố, đa phần người bán vẫn đựng thực phẩm, đồ uống trong các túi nilon, hộp xốp, chai lọ nhựa cho khách hàng. Ngay cả các chuỗi cửa hàng ăn uống có thương hiệu, từng sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường, nay cũng chuyển sang sử dụng các loại vật dụng nhựa dùng một lần để bán cho khách mang đi hoặc dùng tại chỗ.
Anh Trương Minh Phú, nhân viên của một quán cà phê trên đường Cao Thắng (Quận 3) chia sẻ, trước khi dịch bùng phát, quán của anh dùng ly giấy để đựng đồ uống cho khách, nhưng nay đã chuyển sang dùng ly nhựa kèm ống hút, muỗng bằng nhựa dù khách mua mang đi hay uống tại chỗ. Theo anh Phú, các sản phẩm này được đặt ở cơ sở sản xuất với số lượng lớn nên giá thành rất rẻ, thuận tiện trong quá trình buôn bán, lại không mất thời gian rửa.
“Khi thành phố kết thúc giãn cách, hàng quán được phép kinh doanh trở lại, nhưng nhiều người dân vẫn ngại ra ngoài ăn uống. Một thời gian dài sau đó chúng tôi chủ yếu chỉ giao hàng tận nhà. Vì lượng khách giảm, lại phải chạy chương trình khuyến mãi để thu hút khách trở lại, chúng tôi đã chuyển sang dùng ly, ống hút nhựa để tiết kiệm chi phí. Mỗi ngày chúng tôi dùng khoảng 200 ly nhựa và một số lượng tương tự nắp, ống hút, muỗng nhựa để đựng đồ uống cho khách”, anh Phú cho biết.
Theo anh Nguyễn Gia Thanh, chủ một cửa hàng bán quần áo tại quận Tân Bình, lúc trước anh chủ yếu dùng túi giấy để gói hàng cho khách đến mua, chỉ dùng túi nhựa khi phải chuyển hàng xa. Nhưng khi đại dịch xuất hiện, đa số khách chuyển sang đặt hàng online thì mỗi lần giao hàng anh phải bọc thêm 2 lớp túi nhựa và xịt khử khuẩn để khách yên tâm khi nhận hàng. Bởi theo anh, nhiều khách không dám mua do sợ virus bám bên ngoài nên yêu cầu người bán phải gói hàng nhiều lớp. Trung bình 6 tháng qua, lượng túi nhựa anh dùng gói hàng lên đến khoảng 6kg/tháng, tăng gần 6 lần so với trước dịch.
“Biết là gây hại cho môi trường nhưng sau dịch công việc buôn bán của tôi gặp nhiều khó khăn, chi phí mua túi nhựa thấp hơn các loại túi giấy nên đành chịu. Hơn nữa, nếu gói hàng bằng túi giấy thì khi xịt khử khuẩn sẽ bị ngấm nước vào quần áo bên trong, nên dù muốn tôi cũng không thể dùng”, anh Thanh phân trần.
Tăng cường tuyên truyền, ưu tiên tái chế
Theo bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (CITENCO), tuy số lượng rác thải sinh hoạt trong đợt dịch cao điểm vừa qua giảm nhiều so với trước đây, nhưng số lượng rác thải nhựa lẫn trong rác thải sinh hoạt lại gia tăng đáng kể.
Trước thực trạng này, từ tháng 10/2021, các hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa đã được CITENCO khởi động trở lại. Vừa qua, công ty đã hợp tác với tổ chức Liên minh tái chế bao bì Việt Nam để thu mua rác thải rắn từ các trạm trung chuyển, đơn vị thu gom rác dân lập, vựa phế liệu nhằm tái chế thành các sản phẩm hữu ích, giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Một giải pháp khác nhằm giảm thiểu chất thải nhựa là tuyên truyền, vận động người dân phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa tại nguồn. Theo đó, nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của việc phân loại rác. Qua đó, ý thức của người dân đã dần được cải thiện.
Theo ông Nguyễn Thanh Duy Tân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, sau một thời gian tích cực thực hiện tuyên truyền thì hiện nay nhiều hộ dân trong các khu dân cư đã thực hiện phân loại rác rất tốt, tinh thần tự giác cao. Sắp tới, phường sẽ làm việc với các chủ nhà trọ, đề nghị bố trí hai thùng rác để người thuê trọ thuận tiện phân loại. Ngoài ra, phường đang phấn đấu thực hiện chuyển đổi 100% phương tiện thu gom rác đạt chuẩn để tránh ô nhiễm môi trường.
Tại quận Tân Phú, UBND quận đã triển khai phát tờ rơi hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn, tặng thùng rác hai ngăn để người dân phân loại rác tại gia đình; đồng thời tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen của người dân. Qua đó, việc phân loại rác đã từng bước đi vào cuộc sống, người dân đã nhận thức được giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn là việc phải làm, phù hợp với xu thế phát triển và quy định của pháp luật. Sắp tới, quận Tân Phú sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện mô hình phân loại rác và đổi rác thải có khả năng tái chế lấy quà tặng hoặc vật phẩm có giá trị tương đương (đường, dầu ăn, bột ngọt, xà bông…) tại hộ dân.
Bà Đoàn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 3 chia sẻ, Hội đã phát động nhiều nơi tham gia thực hiện phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, tăng cường phân loại để chất thải nhựa có thể sử dụng, tái chế. Hội cũng tặng 41 kg túi rác tự hủy sinh học cho các đơn vị. “Chúng tôi phấn đấu năm 2022, 100% cơ quan Quận 3 tập trung thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa, 80% gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ phân loại rác tại nguồn”, bà Tú nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, một trong những mục tiêu quan trọng là hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, người dân… trên địa bàn Thành phố.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng các nguồn thải nhựa phát sinh trên địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ tiếp tục vận động, đôn đốc các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh… trên địa bàn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà thành phố đưa ra.
Cụ thể, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… có các hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nilon cho người tiêu dùng; hướng đến việc tính phí túi, bao bì nhựa đối với người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng khi không đem túi khi đi mua sắm… Các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng ăn uống… có chính sách giảm giá, tích lũy điểm cho những khách hàng mang theo sản phẩm thân thiện môi trường để chứa, đựng hàng hóa, thức ăn, nước uống…
Nhiều doanh nghiệp đang đồng hành cùng chính quyền TP Hồ Chí Minh trong “cuộc chiến” với rác thải nhựa. Bà Phan Thị Thúy Phượng, Giám đốc Công ty Sản xuất bao bì thân thiện môi trường Phương Lan, cho biết, Công ty đang sản xuất nhiều sản phẩm thân thiện môi trường, tự hủy sinh học như túi cuộn thực phẩm, túi rác, ống hút, ly, hộp cơm… với giá thành rẻ. Khi thải ra môi trường, dưới tác động của nắng gió, vi sinh vật thì các sản phẩm này sẽ phân hủy hoàn toàn trong vòng 2 năm và không gây hại cho môi trường. Trung bình mỗi tháng, Công ty bán khoảng 100 tấn thành phẩm.
“Chúng tôi thường xuyên đồng hành, kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và các quận, huyện để tuyên truyền, vận động, cung cấp các sản phẩm thân thiện môi trường cho người dân, tiểu thương, siêu thị, bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lân cận. Tuy gặp không ít khó khăn vì đại dịch, nhưng hiện nay tôi thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức, thói quen của nhiều người về giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường”, bà Phượng chia sẻ.