BVR&MT – Ngày 26/11, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương, đại diện 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực xử lý chất thải, đặc biệt là hơn 40 nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều thách thức: kẹt xe, chống ngập và môi trường mà một trong số đó là vấn đề xử lý rác thải đô thị với khối lượng ngày càng lớn, thành phần, tính chất đa dạng. Công tác quản lý chất thải rắn đô thị trong những năm qua không còn đơn thuần là quản lý chất thải rắn sinh hoạt mà còn bao gồm vấn đề quản lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, xây dựng y tế…
Về phương pháp xử lý chất thải rắn ở nước ta nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay chủ yếu là chôn lấp, bộc lộ nhiều hạn chế, lãng phí tài nguyên đất, “tài nguyên” rác, ảnh hưởng đến môi trường nước ngầm, đất và không khí…
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, từ thực tiễn hiện nay, TP. Hồ Chí Minh mong muốn có những nhà máy xử lý rác thải thông minh để xử lý rác thải trên địa bàn một cách hiệu quả: vừa xử lý rác thải, vừa tạo ra năng lượng, an toàn cho môi trường, thiết kế đẹp như những công trình văn hóa nghệ thuật. Để làm được điều này, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu công khai nhằm đảm bảo cơ hội cho tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, lựa chọn các dự án xử lý chất thải rắn phù hợp cho Thành phố trong thời gian tới. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng khẳng định, Thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp có đầu tư vào lĩnh vực này để nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài và cùng đạt được những kết quả tốt đẹp.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Nguyễn Toàn Thắng đã giới thiệu tổng quan về tình hình xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố, định hướng nhu cầu kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư và thông tin một số chính sách ưu đãi của Thành phố đối với nhà đầu tư.
Báo cáo cho biết, về chất thải rắn sinh hoạt, mỗi ngày trên địa bằng TP. Hồ Chí Minh hiện nay phát sinh khoảng 8.700 tấn, trong đó chủ yếu phát sinh từ các nguồn như: khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, khu vực công cộng, trung tâm thương mại, chợ… và được thu gom, vận chuyển về hai khu liên hiệp xử lý chất thải của Thành phố để xử lý.
Đối với chất thải công nghiệp – chất thải nguy hại, hiện nay, trên địa bàn Thành phố khối lượng chất thải ước tính phát sinh khoảng 1.500-2.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải nguy hại khoảng 350-400 tấn/ngày. Đối với chất thải rắn y tế, trung bình trong năm 2017 khoảng 22 tấn/ngày.
Dự báo năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt là 10.081 tấn/ngày, chất thải nguy hại 549 tấn/ngày; chất thải y tế 30 tấn/ ngày, đến năm 2025, chất thải rắn sẽ là 12.864 tấn/ngày; chất thải nguy hại 807 tấn/ngày; chất thải rắn y tế 50,5 tấn/ngày…
Để thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện vào Thành phố, theo đồng chí Nguyễn Toàn Thắng, Thành phố có một số chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư: ưu đãi về đất đai, chính sách về hỗ trợ giá mua/bán điện, chính sách về nguồn vốn và chính sách về thuế.
Trong đó, đối với chính sách về nguồn vốn, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung (dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư) bằng hình thức xã hội hóa sẽ được ngân sách Thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay.
Về chính sách đất đai, nếu dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung thuộc địa bàn huyện Củ Chi và Bình Chánh mà đáp ứng quy mô, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định thì được chọn 01 trong 02 chế độ: hoặc miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp. Thành phố sẽ sử dụng quỹ đất trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi để bố trí phù hợp cho nhà đầu tư xây dựng dự án; ngoài ra Thành phố sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án của nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được thông tin về các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn thành điện năng đã được áp dụng trên thế giới và tại Việt Nam, kinh nghiệm của các địa phương trong áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn.
Tham luận tại Hội nghị cho thấy, phương thức xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt hiện nay đang được các quốc gia quan tâm, áp dụng bởi hiệu quả rõ rệt. Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ (Trung tâm Công nghệ Môi trường, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), xử lý rác thải chủ yếu có 03 phương thức: chôn lấp, ủ phân và đốt phát điện. So sánh 03 phương thức, đốt phát điện vô hại, ưu thế về giảm số lượng và ô nhiễm môi trường (có thể giảm 90-95% thể tích và khối lượng chất thải), có thể tận dụng nhiệt, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, giảm phát thải khí nhà kính, do đó phương pháp này trở thành lựa chọn hàng đầu của các nước có nguồn đất đai và năng lượng hạn hẹp. Tại nhiều nước trên thế giới, rác thải sinh hoạt đô thị cơ bản được xử lý bằng phương thức đốt, phương hướng chủ đạo là chuyển dần từ chôn lấp sang đốt phát điện. Ví dụ ở Đức tới trên 60% chất thải rắn được đốt; ở Đan Mạch chất thải rắn được đốt gần 100% (đốt có thu hồi năng lượng).
Tại Việt Nam vấn đề đốt chất thải cũng đang được quan tâm do khối lượng chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, biện pháp xử lý rác thải đang tồn tại (chôn lấp) ngày càng biểu hiện các nhược điểm rất khó giải quyết.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, đốt rác phát điện sẽ trở thành xu thế mới tại Việt Nam. Do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa xảy ra với tốc độ cao, khối lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều thì chất thải rắn một mặt đang tạo áp lực rất lớn đối với môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, chất thải rắn lại là nguồn tài nguyên tái tạo đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư công nghệ đốt chất thải rắn phát điện quá cao, nên để công nghệ đốt chất thải phát điện được triển khai thực tế, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ bao gồm: phí xử lý chất thải rắn, giá điện, các chính sách ưu đãi về đất đai, các chính sách ưu đãi về phí, thuế… nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực đốt chất thải phát điện.
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Công ty Tâm Sinh Nghĩa cho biết, mỗi ngày TP. Hồ Chí Minh có hơn 8.000 tấn rác do 03 đơn vị phụ trách xử lý. Riêng bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam làm chủ đầu tư xử lý khoảng 5.500 tấn rác/ngày. Số còn lại được xử lý làm phân compose ở Phước Hiệp, huyện Củ Chi do Công ty CP Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đảm nhận. Với lượng chất thải lớn, phức tạp, đại diện Công ty Tâm Sinh Nghĩa cho rằng cần đòi hỏi phải có một công nghệ phù hợp với điều kiện môi trường tại Việt Nam. Về phía bản thân, Công ty cũng cam kết với lãnh đạo Thành phố sẽ tâm huyết khẩn trương đầu tư thành công dự án đổi mới công nghệ xử lý rác, thu hồi năng lượng từ rác phát điện, tiết kiệm nguồn tài nguyên, hạn chế phát thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá cao cách làm của TP. Hồ Chí Minh khi công khai, minh bạch trong lĩnh vực này. Đồng chí Đặng Huy Đông cho rằng, sau khi đấu thầu, nhà đầu tư nếu tự tin thì nên vận hành thử công nghệ của mình trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng để các cơ quan chức năng đo kiểm các chỉ số. Sau khi đảm bảo các thông số kỹ thuật, công suất theo đúng hợp đồng đề xuất thì lúc đó mới ký hợp đồng dài hạn. Nếu kết quả không đạt yêu cầu, không đúng trong hợp đồng đề xuất thì vẫn phải loại để tạo cơ hội cho đơn vị khác. Tránh tình trạng doanh nghiệp ký được cái hợp đồng xử lý rác lâu dài rồi thì cứ ôm để đó, không đổi mới công nghệ. Mặt khác, trong tiêu chí cũng cần phải làm rõ hiệu suất xử lý từ rác thành điện.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thành phố đang thay đổi công nghệ xử lý rác, thay đổi chuyển từ chôn lấp là chính, đến năm 2020 áp dụng các công nghệ biến rác thành năng lượng. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, từ thực tế hoạt động của mình, các nhà khoa học chỉ ra rằng có đủ khả năng về công nghệ để xử lý rác. Đồng thời, qua đó chứng minh có những lĩnh vực không cần Nhà nước đầu tư, mà có thể áp dụng phương thức xã hội hóa đầu tư, nhà nước chỉ trả bằng phí dịch vụ. Với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư, để chọn được nhà đầu tư phù hợp nhất, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay có nhiều giải pháp đang được áp dụng trong việc xử lý rác thải trên thế giới. Ở một số nước họ làm tốt công tác phân loại rác, rác khô, còn ở Việt Nam rác có độ ẩm cao, hơn nữa còn hạn chế trong việc phân loại tại nguồn, do đó để tìm công nghệ cũng khó khăn hơn. Với tốc độ phát triển kinh tế và dân số ở Thành phố ở mức cao (thực tế 13 triệu người), lượng rác thải trong thời gian tới còn tăng hơn nữa và việc xử lý rác thải là vấn đề chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố trân trọng và sẵn sàng đón nhận, ủng hộ những nhà đầu tư tâm huyết vào lĩnh vực này trên cơ sở phù hợp với điều kiện của Thành phố. Sau hội nghị, Thành phố sẽ công bố các chương trình cụ thể, giao các sở, ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư để có thể tham gia đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo dangcongsan.vn