TP. Hồ Chí Minh: Giải quyết 825 điểm ô nhiễm rác thải

BVR&MT – Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 19 ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, trên địa bàn TP đã giải quyết được 825/825 điểm ô nhiễm về rác thải.

Những con kênh ô nhiễm như thế này đã và đang được quận 12 xử lý bằng cách xây dựng hệ thống cống hộp.

Theo UBND TP, qua 2 năm triển khai Chỉ thị 19, nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân TP về bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực thể hiện ở sự đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân TP bằng những hành động thiết thực, cụ thể trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường góp phần vì TP văn minh – sạch đẹp – an toàn.

Tại các quận, huyện đã tích cực vận động người dân ký cam kết không xả rác bừa bãi, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định; tổ chức hệ thống tiếp nhận, xử lý nhanh phản ánh về môi trường của người dân; lắp đặt camera giám sát, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường… Trong đó, đặc biệt việc tổ chức xóa điểm ô nhiễm, tổng vệ sinh và chuyển hóa điểm ô nhiễm thành khu sinh hoạt cộng đồng.

Cụ thể, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 19 ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, trên địa bàn Thành phố đã giải quyết được 825/825 điểm ô nhiễm về rác thải (tỷ lệ đạt 100%). Trong đó, có 159 điểm đã được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện đã tiến hành khảo sát và lắp đặt 37.871 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị, tăng thêm 12.865 camera so với thời điểm năm 2019 là 25.006 camera.

Trong thời gian tới, UBND quận, huyện tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo của quận ủy, huyện ủy trong quản lý chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn TP, nhanh chóng và kịp thời giải quyết các ý kiến của người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường; đồng thời, triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera tại các khu dân cư; xử lý vi phạm vệ sinh môi trường một cách nghiêm minh.