BVR&MT – Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 trong ngày 13/7 thu hút sự quan tâm của dư luận gồm: Ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho lái xe, giảm ùn tắc vận tải hàng hóa; thêm 2.301 ca mắc mới; yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng; danh sách 22 chốt chặn và test nhanh COVID-19 cho người về Hà Nội; Nhật Bản tiếp tục viện trợ cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine COVID-19.
Ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho lái xe, giảm ùn tắc vận tải hàng hóa
Ngày 13/7, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố đề nghị ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải.
Để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng ách tắc vận tải hàng hóa, Bộ GTVT đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng) bố trí điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra riêng biệt và ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải, đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản (bao gồm lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) theo hướng dẫn tại các văn bản số 898CV-BYT ngày 7/2/2021 và số 4351/CV-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế.
Cùng đó, ưu tiên trả lời kết quả nhanh cho người điều khiển phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, tránh gây ách tắc phương tiện vận tải; thông tin công khai các địa điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra cho lái xe để người lái xe và nhân dân biết, thực hiện xét nghiệm trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu thuận lợi lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch.
Thực tế, hiện nay một số tỉnh, thành phố bố trí các điểm xét nghiệm COVID-19 còn chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người đến xét nghiệm, nhất là đội ngũ lái xe.
Ngày 13/7, Việt Nam ghi nhận thêm 2.301 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 13/7, Việt Nam có tổng cộng 32.555 ca ghi nhận trong nước và 1.945 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 30.985 ca, trong đó có 6.779 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 13/7, Việt Nam ghi nhận 2.301 ca mắc mới; có thêm 222 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.553 ca. Trong ngày 13/7 Việt Nam cũng đã ghi nhận 5 ca tử vong, nâng tổng số tử vong của Việt Nam lên 130 ca. Số ca đang điều trị âm tính với SARS-CoV-2 là 502 ca.
Có 11 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình. Có 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Thừa Thiên – Huế, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đắk Nông, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai.
Đến nay, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm chủng 4.063.872 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.783.505 người; số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 280.367 người.
Yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn hoả tốc yêu cầu các bệnh viện tại các địa phương chuẩn bị sẵn sàng thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Theo đó, từ ngày 27/4/2021 đến nay, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư xuất hiện với tác động và hậu quả rất lớn, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh. Đã có trên 15.000 ca mắc mới và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Cùng với đó, số ca tiến triển nặng, nguy kịch dự báo sẽ tăng cao.
Để đáp ứng tốt nhất công tác cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh COVID-19 nặng trên phạm vi toàn quốc trong theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu:
Sở Y tế các địa phương chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh rà soát, bổ sung năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) hoặc thiết lập ngay đơn vị hồi sức tích cực (nếu chưa có) để không bị động trước diễn biến dịch. Đơn vị hồi sức tích cực điều trị COVID-19 phải bảo đảm cách ly riêng biệt với các đơn vị khác trong bệnh viện. Có thể lựa chọn khoa truyền nhiễm của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc một bệnh viện khác phù hợp trên địa bàn.
Đối với các tỉnh, thành chưa có dịch hoặc số ca mắc ít cần chủ động chuẩn bị ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Đối với các địa phương có nguy cơ cao (nhiều khu công nghiệp, thị xã đông dân cư…) cần tăng số giường bệnh hồi sức tích cực, chủ động ứng phó trong trường hợp dịch dịch bùng phát.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các Sở Y tế rà soát, đánh giá năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) của các bệnh viện trực thuộc và căn cứ dự báo tình hình dịch của địa phương ước tính số ca bệnh nặng để giao nhiệm vụ tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch cho các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, phân công Bệnh viện đa khoa tỉnh tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện (công lập, tư nhân và bệnh viện thuộc Bộ, ngành) trên địa bàn về công tác hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch theo kế hoạch được phân bổ.
Đối với bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được yêu cầu chuẩn bị, bố trí khu vực hồi sức tích cực tách biệt với khu hồi sức tích cực chung và các khoa, phòng khác; báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cơ số giường ICU để sẵn sàng tiếp nhận điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch theo phân công của Bộ Y tế và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
Các đơn vị chuẩn bị phương án để bảo đảm về nhân lực phục vụ, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm theo quy định của Bộ Y tế cho đơn vị Hồi sức cấp cứu tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng.
Đặc biệt, các đơn vị cần chú ý hệ thống khí nén, oxy trung tâm, máy thở, camera theo dõi… sẵn sàng điều trị ngay ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch trong trường hợp được phân công.
Danh sách 22 chốt chặn và test nhanh COVID-19 cho người về Hà Nội
Công an TP Hà Nội vừa ký công văn hoả tốc số 5136/CAHN-PV01 về việc triển khai chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thuỷ nội địa ra vào thành phố và các bến tàu, bến xe liên tỉnh. Tổng số có 22 chốt, được chia làm 6 cụm như sau:
Cụm số 1, tuyến Quốc lộ 1A, 1B (tỉnh Hà Nam về Hà Nội, từ chốt số 1 đến chốt số 3): Chốt số 1 tại Ngã ba Cầu Giẽ (Km 213 Quốc lộ 1A đi qua huyện Phú Xuyên; chốt số 2 tại Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (Km188) đi qua huyện Thanh Trì; chốt số 3 tại Quốc lộ 21B-ngã 3 chợ Dầu, huyện Ứng Hoà.
Cụm số 2 (từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang về Hà Nội-theo tuyến Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn; từ chốt số 4 đến chốt số 11): Chốt số 4: Quốc lộ 5 (cây xăng Vĩnh An, số 1051 Nguyễn Đức Thuận, Trâu Quỳ), huyện Gia Lâm. Chốt số 5: Cầu Phù Đổng-Cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, huyện Gia Lâm. Chốt số 6: Đê Bát Tràng-gầm cầu vượt Thanh Trì, huyện Gia Lâm. Chốt số 7: Gầm cầu Thanh Trì-lối đi Ecopark, quận Long Biên. Chốt số 8: Nút giao Quốc lộ 5B-Cổ Linh, quận Long Biên. Chốt số 9: Đường Đặng Phúc Thông, Gia Lâm (trước cơ sở đăng ký xe số 3-Phòng PC08). Chốt số 10: Km8+100 Quốc lộ 18-lối xuống đường Võ Nguyên Giáp, huyện Sóc Sơn. Chốt 11: Quốc lộ 18-lối xuống đường Võ Văn Kiệt, Sóc Sơn.
Cụm số 3 (tỉnh Hoà Bình về Hà Nội, từ chốt 12 đến chốt số 14): Chốt 12: Km 422+057 đường Hồ Chí Minh, thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ. Chốt 13: Chốt kiểm dịch huyện Chương Mỹ. Chốt 14: đường Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam – cao tốc Hà Nội, Hòa Bình, huyện Thạch Thất.
Cụm số 4 (tỉnh Phú Thọ về Hà Nội, từ chốt 15 đến chốt số 17): Chốt 15: đầu cầu Đồng Quang – đường 87A, huyện Ba Vì. Chốt 16: Đầu cầu Văn Lang-Quốc lộ 32, huyện Ba Vì. Chốt 17: Đầu cầu Trung Hà-Quốc Lộ 32, huyện Ba Vì.
Cụm số 5 (tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội, từ chốt số 18 đến chốt số 21): Chốt 18: Đầu cầu Vĩnh Thịnh-Quốc lộ 32, thị xã Sơn Tây. Chốt 19: Trạm soát vé BOT quốc lộ 2, huyện Sóc Sơn. Chốt 20: Quốc lộ 2-đầu vào cao tốc Hà Nội, Lào Cai, huyện Sóc Sơn. Chốt 21: Đường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh nối Quốc lộ 2 (Đường 100).
Cụm số 6 (tỉnh Thái Nguyên về Hà Nội): Chốt số 22: Quốc lộ 3- ngã ba Ni, huyện Sóc Sơn.
Nhiệm vụ của chốt gồm: Kiểm soát phương tiện vận tải, xe ô tô cá nhân vào Thành phố (riêng đối với các tỉnh giáp ranh có dịch phải kiểm soát cả xe máy); bảo đảm an ninh, trật tự; hướng dẫn, phân luồng giao thông; Dừng xe, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên xe (đặc biệt là đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định), nhắc nhở, khuyến cáo việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19, có thể xét nghiệm nhanh COVID-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết (do Y tế quyết định); kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sáng lọc toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội.
Nhật Bản tiếp tục viện trợ cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine COVID-19
Nhật Bản vừa công bố tiếp tục viện trợ cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine COVID-19.
Sáng ngày 13/7/2021, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi công bố, Nhật Bản sẽ viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine Astrazeneca phòng COVID-19 cho Việt Nam. Theo đó, lô vaccine thứ 4 này sẽ được chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam (Sân bay Tân Sơn Nhất) vào rạng sáng ngày 16/7/2021. Như vậy đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 3 triệu liều vaccine COVID-19.
Trước đó, Nhật Bản cũng đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine Astrazeneca, đã được chuyển về Việt Nam chia làm 3 đợt.