BVR&MT – Mới đây, tòa án ở Banda Aceh, thủ phủ tỉnh Aceh ở mũi phía bắc Sumatra, Indonesia đã đưa ra phán quyết một vụ kiện được Diễn đàn Môi trường Indonesia (Walhi) – tổ chức NGO môi trường lớn nhất nước – khởi phát từ tháng 3. Bị đơn là chính quyền tỉnh Aceh – bên cấp giấy phép và PT Kamirzu – công ty con ở Indonesia thuộc Tập đoàn Prosperity International Holding, có trụ sở tại Hồng Kông – bên nhận giấy phép.
Phán quyết yêu cầu nhà phát triển đập và chính quyền tỉnh dừng dự án xây dựng nhà máy công suất 443 MW, được xây dựng trên diện tích 4.407 ha ở ba huyện Gayo Lues, Aceh Tamiang và East Aceh.
Dự án xây đập Tampur trị giá 3 tỷ USD nhưng dự kiến đặt trong một khu rừng là nơi trú ngụ của các loài cực kỳ nguy cấp như hổ, tê giác và đười ươi.
Walhi hoan nghênh quyết định của tòa án.
Dự án đã bị đông đảo người dân phản đối, còn các nhà môi trường chỉ trích dự án thiếu khâu bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên. Các chuyên gia cho rằng đánh giá tác động môi trường do bên phát triển đập thực hiện đã không đánh giá được những rủi ro tự nhiên, chẳng hạn như động đất và lũ quét.
Các nhà phê bình cũng nêu bật tình trạng thiếu các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã trong phân tích tác động môi trường – vốn là yếu tố giám sát quan trọng do vị trí đập nằm trong hệ sinh thái Leuser. Khu rừng rậm này rất giàu đa dạng sinh học và là nơi cuối cùng trên trái đất mà hổ Sumatra, tê giác, đười ươi và voi – những loài cực kỳ nguy cấp đang trên bờ vực tuyệt chủng – vẫn cùng tồn tại.
Một chỉ trích khác về giấy phép cấp cho PT Kamirzu vẫn chưa làm rõ liệu nhà phát triển đập đã hoàn thành việc lập bản đồ các khu vực rừng sẽ bị ảnh hưởng từ dự án hay chưa.
Nếu dự án xây đập được triển khai, sinh cảnh của các loài cực kỳ nguy cấp sẽ bị ngập lụt và bị chia cắt bởi con đập, các tuyến đường và đường dây truyền tải điện.
Nhật Anh (Theo Mongabay)