BVR&MT – Tình trạng thiếu lao động sau Tết cộng với số người lao động (NLĐ) F0 tăng nhanh khiến cho các địa phương, DN thiếu lao động. Các chuyên gia cho rằng, DN phải tổ chức lại phương án sản xuất, điều chỉnh tiền lương để động viên NLĐ làm việc.
Nhu cầu sử dụng lao động tăng
Hiện tại ở nhiều địa phương có số công nhân lao động là F0, F1 đang phải nghỉ việc để điều trị, cách ly khá cao: Hải Phòng 42.000 người, Bắc Giang 22.000 người…đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn.
Trong khi đó, các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô khiến cho nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Cụ thể, tỉnh Bình Dương cần khoảng 90.000 lao động, Long An 51.000 lao động, Hải Phòng trên 50.000 lao động, Tây Ninh 46.000 lao động, Kiên Giang 44.000 lao động, Cà Mau 35.000 lao động, Bắc Ninh 25.000 – 30.000 lao động, Quảng Ninh 24.000 lao động… Các địa phương có nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở lĩnh vực: Dệt may, da giày, điện tử, du lịch, nhóm lao động có trình độ (quản lý sản xuất, văn phòng, xuất nhập khẩu…), lao động thời vụ.
Đối với TP Hà Nội, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các DN có công đoàn cơ sở đã mở xưởng để sản xuất với 98,13% số công nhân lao động trở lại làm việc. Tuy nhiên, với sự thích ứng linh hoạt vừa chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế nên nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình kỹ thuật dân dựng, xây dựng nhà xưởng chế biến chế tạo tại các khu công nghiệp có xu hướng tăng. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng là: Công nghệ thông tin, xây lắp, dệt may, giày da, bảo vệ; dịch vụ du lịch, ăn uống, kỹ thuật, điện tử,… Dự kiến nhu cầu nhân lực thời gian tới ở TP Hà Nội cần khoảng 26.000 lao động, trong đó ngành dệt may 7.000 lao động, lắp ráp linh kiện 7.000 lao động, giày da 5.000 lao động, cơ khí – tự động hóa 4.000 lao động, dịch vụ 3.000 lao động.
Sau Tết Nguyên đán 2022, TP Hồ Chí Minh dự kiến nhu cầu lao động khoảng 30.000 người; trong đó may mặc khoảng 18.500 lao động, giày da 8.500 lao động, cơ khí 4.000 lao động, chế biến 3.000 lao động, điện – điện tử 2.600 lao động và những ngành còn lại 8.000 lao động. Một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động cao bao gồm: Công nghệ thông tin, kinh doanh thương mại, dệt may, giày da, thủy sản…Các DN đưa ra mức lương 6 triệu đồng/tháng đối với lao động không chuyên môn, 8 – 10 triệu đồng/tháng lao động có tay nghề, cộng với phụ cấp làm thêm giờ, cơm trưa, doanh thu theo sản phẩm.
Điều chỉnh tiền lương để giữ chân người lao động
Trước tình hình nhu cầu lao động tăng cao, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam dự báo, sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động (giữa các DN với nhau và cả NLĐ mới tham gia vào thị trường lao động với lực lượng lao động có kinh nghiệm, có nhu cầu thay đổi công việc) sẽ gia tăng trong thời gian tới. Điều này thể hiện ở trước, sau Tết Nguyên đán 2022 diễn ra khoảng 30 cuộc đình công, tạm dừng việc tập thể; nhiều hơn so với bình thường hằng năm. Nguyên nhân chủ yếu là do xung đột giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ xung quanh vấn đề đòi hỏi nâng lương, tăng phụ cấp.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, thị trường lao động phục hồi nhưng vấn đề hiện nay là số lao động bị F0 tăng nhanh, ảnh hưởng đến sản xuất. Ngoài ra, là tình trạng lao động nhảy việc, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội thời gian qua. Người đứng đầu ngành LĐTB&XH cho hay, sau thời giãn giãn cách xã hội, các DN đưa ra chính sách mời gọi lao động rất khác nhau. Vì vậy NLĐ có đòi hỏi, DN phải nâng lên, nếu không họ lại nhảy việc. Đây cũng là vấn đề rất cần phải lưu tâm.
Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam lại kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách hợp lý đảm bảo cuộc sống của NLĐ, như điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19… để họ yên tâm sản xuất, gắn bó với DN. Công đoàn các cấp kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng; do hiện nay không có chính sách tăng lương tối thiểu, dẫn đến không ít DN viện lý do này không tăng lương ảnh hưởng rất nhiều đến mức sống của công nhân.
Về phía các DN có nhiều NLĐ thuộc diện F0, F1 phải nghỉ điều trị, cách ly, tùy tình hình đã thực hiện cách khắc phục thiếu nhân lực. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long chia sẻ: Các đơn vị của công ty trải rộng nhiều tỉnh, tỉ lệ NLĐ bị nhiễm F0 khác nhau, có nơi 10 – 15%, nhưng có nơi tới 40%. Theo quy định, những NLĐ F0 được nghỉ cách ly và điều trị tại nhà để đảm bảo sức khỏe. Với đơn vị có nhiều F0, công ty vẫn duy trì sản xuất, tuy nhiên những người đi làm cố gắng nhiều hơn để bù một phần cho những trường hợp nghỉ F0. Đồng thời, công ty điều chỉnh kế hoạch sản xuất; bố trí lao động ở đơn vị có ít người F0 sang làm việc tại nơi có nhiều người F0 đang nghỉ điều trị. Cùng với việc có phương án làm thêm giờ, DN đã gặp khách hàng để đàm phán giãn thời gian giao hàng.
Nhiều NLĐ F0 đồng nghĩa với DN bị suy giảm nguồn lực, trong khi việc tuyển dụng lao động rất khó. Các chuyên gia lao động cho rằng, bây giờ DN phải coi nguồn nhân lực thực sự trở thành vốn quý; DN cần tạo mọi điều kiện để NLĐ được làm việc và có lương, thưởng chu đáo; hỗ trợ NLĐ được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Bên cạnh đó là chính sách động viên tinh thần cố gắng để NLĐ cùng với DN khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn này.