Tỉnh Thái Nguyên: Triển vọng nghề rừng từ giống cây bản địa

BVR&MT – Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng, chống biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, vận động, khuyến khích người dân chuyển sang trồng rừng mang tính bền vững. Cách làm này bước đầu tạo được chuyển biến trong sản xuất nghề rừng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Chương trình Bảo vệ và phát triển rừng, năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới 3.040 ha rừng tập trung. Trong đó trồng 2.920 ha rừng sản xuất, 100 ha rừng trồng thay thế và 20 ha rừng phòng hộ. Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên tập trung nhiều giải pháp bảo đảm mục tiêu trồng mới 2.554 ha rừng.

Từ đầu năm, tỉnh tập trung quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng; tăng cường công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, khuyến khích trồng và khai thác bền vững cây lâm sản ngoài gỗ. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đôn đốc các ban phát triển rừng xã, xóm, thôn, bản hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị tốt điều kiện cần thiết, bảo đảm tiến độ cũng như hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2018. Tỉnh Thái Nguyên quy hoạch khoảng 120 nghìn ha để trồng rừng sản xuất, phần lớn diện tích này là đồi núi thấp.

Mô hình chuyển đổi cây lâm nghiệp trên đất rừng tại ven Hồ Núi Cốc.

Cụ thể, hướng tới việc trồng cải tạo, thay thế cây keo bằng những loại cây bản địa, hỗ trợ người dân phát triển sinh kế bền vững trên diện tích đất rừng được giao là biện pháp mà Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc đã và đang triển khai nhằm bảo vệ, phát triển bền vững rừng phòng hộ. Từ đó góp phần tạo cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch; đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, bà Nguyễn Thị Hiền, một trong những người đến với nghề trồng rừng sớm tại ven Hồ Núi Cốc và có diện tích rừng lớn nhất cho biết: Từ khi có những chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên người dân đã chuyển đổi cây trồng từ cây keo sang cây bản địa với mong muốn bảo vệ môi trường, bảo vệ đất khỏi bạc màu do sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Ở vùng núi ven Hồ Núi Cốc, do địa hình đất, khí hậu phù hợp trồng cây mít, trám đen và trám trắng cho giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, được sự tạo điều kiện từ Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc người dân đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất cây trồng lâu năm.

Về phía Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc, đại diện đơn vị nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thực hiện Phương án quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc bền vững có sự tham gia của người dân, giai đoạn 2014-2020. Mục tiêu của Phương án nhằm phân rõ trách nhiệm và tạo sự đồng thuận của người dân trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển bền vững rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, tạo nên khu rừng có chức năng phòng hộ tốt”.

Xác định được tầm quan trọng này, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc đã phối hợp với chính quyền các địa phương và hạt kiểm lâm các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Cùng với đó, Ban Quản lý tiến hành giao khoán công tác bảo vệ rừng cho các hộ dân theo phương án đã được phê duyệt.

Văn Trì