BVR&MT – Từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm là mùa cao điểm rùa từ khắp nơi trên Biển Đông… lên Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) đẻ trứng. Chính vì thế thời điểm này, Tổ chức Bảo Tồn Nhiên Nhiên Quốc Tế (IUCN) phối hợp với Ban Quản Lý (BQL) Vườn Quốc Gia Côn Đảo thực hiện chương trình tình nguyện. Các nhóm tình nguyện viên (TNV) sẽ được phân đi nhiều đảo nhỏ để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, bảo vệ rùa biển, dọn rác, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng…
Trong dịp hè 2019, nhóm TNV chúng tôi gồm 18 thành viên từ 21 đến 40 tuổi đến từ nhiều tỉnh thành, nghề nghiệp khác nhau đã xuất phát ra Côn Đảo…Tại BQL Vườn Quốc Gia, nhóm được học các quy định, nội quy, cũng như những kiến thức cần thiết về rùa biển. Ở đây chúng tôi được biết huyện đảo Côn Đảo có 14 bãi biển loài Rùa xanh (hay còn gọi là Vích) và Đồi mồi lên đẻ trứng.
Có 12 TNV được phân ra hòn Bảy Cạnh (vì đây là nơi có số lượng rùa biển lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam), nhóm 3 TNV khác ra Hòn Cau và nhóm 3 TNV cuối cùng đến bãi Dương.
Sáng hôm sau, từ mép nước, chúng tôi được ca-nô hộ tống ra những chiếc tàu gỗ để ra các đảo nhỏ. Nhiều người trẻ chúng tôi thì đây là lần đầu tiên được thử cảm giác đi tàu gỗ chòng chành trên sóng ở một vùng biển cách xa đất liền. Có lẽ vì thế nhiều chàng trai, cô gái không khỏi thích thú pha lẫn cảm giác phê phê khó tả. Điều kiện vật chất trên hòn Bảy Cạnh hay Hòn Cau, Bãi Dương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả nhóm phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống trước cho 10 ngày trên đảo. Nhóm đông nhất ở Bảy Cạnh phải chung nhau một cái tủ lạnh nhỏ, chỉ để được thịt cá, còn rau củ bỏ ngoài ăn luân phiên… Chỗ ngủ thì TNV nữ được ưu tiên trên giường, còn TNV nam sẽ nằm võng qua đêm.
Trên những hòn đảo nhỏ hoang vắng, bốn bề gió lộng, sóng biển ào ào xô bờ, lại được ăn uống, sinh hoạt trong điều kiện cộng đồng như thời gian khó trước đây… cũng là những thử thách, trải nghiệm bản thân cho một số bạn trẻ vốn đã quen cuộc sống phố thị, ăn ngủ sung túc.
Sáng đầu tiên nhóm nhỏ 12 TNV chúng tôi ở trên hòn Bảy Cạnh là việc dọn vệ sinh, san lấp hố rùa đẻ vào đêm hôm trước. Đặc biệt ở bãi cát nơi rùa sinh sản có rất nhiều loại rác thải từ biển dạt vào. Nên công việc mất thời gian nhất với chúng ta trong ngày là đi nhặt rác, tập trung lại rồi xử lí bằng cái đốt.
Đến buổi tối, công việc chính của TNV mới bắt đầu, ai cũng rất tò mò và chờ đợi. Các TNV được trang bị đèn pin chiếu sáng rồi bắt đầu theo kiểm lâm viên đi “cứu hộ, đỡ đẻ cho rùa”. Theo ông Nguyễn Đình Lý- Trưởng trạm kiểm lâm Bảy Cạnh cho biết thì việc đi kiểm tra rùa đẻ, lấy trứng về bãi ấp… diễn ra liên tục, vào tất cả các đêm, dù mưa gió cũng phải làm.Chúng tôi tiếp tục được chia ca trực cùng kiểm lâm viên, mỗi người chỉ được ngủ 3-4 giờ. TNV nào thức khuya tốt thì có thể xin đi trực thâu đêm.
Mọi người bắt đầu được kiểm lâm hướng dẫn cách theo dấu chân rùa từ biển bò lên đảo, sau đó đi theo dấu chân ấy để xem chúng có đẻ không, và nếu có thì đẻ vào lúc nào, rồi ghi lại thời gian. Rùa cái và rùa đực thường giao phối trong suốt 72h ở trên biển. Sau đó, rùa cái lên bãi biển đào hố cát sâu từ 50-60cm rồi đẻ khoảng 70-120 quả trứng trong vòng 2 giờ.
Sau đó kiểm tra xem rùa đã được gắn thẻ chưa. (Thẻ được gắn trên phần chân rùa để theo dõi hành trình di chuyển từ nơi kiếm ăn đến nơi giao phối và đẻ trứng). Với những con rùa chưa có, kiểm lâm viên sẽ hướng dẫn TNV cách gắn thẻ cho chúng, rồi đo chiều dài, rộng của mai. Những con có thẻ rồi, các TNV có nhiệm vụ ghi lại số thẻ, rồi đánh dấu chỗ rùa đẻ. Do mắt rùa rất nhạy cảm với ánh sáng, nên đèn pin chỉ được được phép soi chiếu vào vùng lưng. Công việc “đỡ đẻ cho rùa” vào ban đêm vô cùng lạ lẫm với nhiều người, nhưng ai cũng cảm thấy mình đã được làm, được trải nghiệm những điều rất thú vị.
Trong suốt quá trình, TNV im lặng theo dõi rùa đẻ, sau đó mang trứng về 2 khu ấp tập trung. Trứng rùa ấp trong điều kiện dưới 26 độ C sẽ nở thành rùa đực, còn trên 30 độ C sẽ thành rùa cái. Còn trong khoảng nhiệt độ 26-30 độ C thì xác suất thành đực hay cái là 50/50.
Sau khoảng 45-60 ngày ấp rùa con sẽ nở ra và được thả về biển khi đã cứng cáp. Nhưng chỉ có 1/1000 con rùa có thể sống sót đến khi trưởng thành. Lý giải về tỷ lệ sống sót vô cùng thấp này, Anh Nguyễn Văn Hoàn – kiểm lâm viên ở hòn Bảy Cạnh cho biết: “Do thời gian từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành của rùa rất lâu, thường là 20-30 năm, lại phải đối mặt với nhiều hiểm họa như ăn nhầm túi nilon vì tưởng là sứa (thức ăn yêu thích của rùa). Rồi thì bị đánh bắt trái phép, vướng vào lưới của ngư dân, hay bị các loài sinh vật biển khác tiêu diệt…”.
Trong suốt một tuần làm công việc cứu hộ, đỡ đẻ cho rùa, nhóm TNV chúng tôi ở hòn Bảy Cạnh đã được chứng kiến 69 lượt rùa cái lên, tạo thành 47 tổ và đẻ được 4623 quả trứng. Vào các buổi sáng trong đợt tình nguyện, chúng tôi cũng đã thả 1696 rùa con về với biển. Sau đợt tình nguyện, mỗi chúng tôi được trao giấy chứng nhận của IUCN và BQL Vườn Quốc gia Côn Đảo. Nhưng quan trọng hơn là sau đợt tình nguyện ý nghĩa này, thì mỗi TNV sẽ trở thành những đại sứ tuyên truyền, nêu cao ý thức cộng động để bảo vệ sự sinh tồn của loài động vật thân yêu này.
Bài, ảnh: Dương Văn Hải – Nguyễn Văn Duy (Tác phẩm đạt giải B Cuộc thi viết về Bảo vệ Rừng và Môi trường” lần thứ 3 năm 2019)