BVR&MT – Từng đoàn người đi bộ có, hay rồng rắn trên xe máy ngược ngàn về lại Tây Nguyên, hay rong ruổi hướng ra Miền Trung về lại quê hương đều cảm thấy xúc động và yên tâm, khi trên những chặng đường ấy thấy những bóng áo xanh áo vàng của lực lượng công an hỗ trợ hết mình.
Liên tiếp những ngày qua, hàng ngàn người không trụ nổi ở TPHCM và một số tỉnh phía nam trước sức càn quét của cơn bão dịch bệnh đã lũ lượt rời phố thị về quê cũ. Họ ngược ngàn lên Tây Nguyên, ngược nắng ngược gió để về lại miền Trung lắm nhọc nhằn và trên hành trình về lại quê hương ấy, lực lượng công an, lực lượng CSGT các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức dẫn đường đưa người dân về quê tránh dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất dù bộn bề công việc.
Nhìn những đoàn người lũ lượt hành trang, có nhiều người chắc sẽ đầy xúc cảm. Sau loài chim thì loài người đang phải chấp nhận những cuộc thiên di. Họ thiên di về phố thị, nơi cuộc sống nhiều ánh hào quang nhưng vẫn đẫm nhọc nhằn, chỉ để hy vọng có một công việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn, cuộc sống khá hơn, tâm lý ổn định hơn. Cuộc sống quê nhà vốn đã trở nên quá khó khăn với những người ấy, họ buộc phải xa quê hương và tìm đến thành thị để kiếm việc.
Nhưng rồi cơn bão dịch quét qua đô thị, quét qua những mảnh đời du mục về đô thị. Những người rời quê làm chuyến thiên di ấy có những người ổn định ở phố thị phương Nam nơi họ tin chọn, nới đó có việc làm và thu nhập khá. Khi dịch bệnh bủa vây và họ cầm cự được, sống được qua ngày với số tiền tích lũy. Nhưng còn có rất nhiều người sống ở những khu tạm cư, những khu nhà trọ, những khu vực mà đường chỉ là đường đất, thiếu thốn. Đô thị giờ là nhà, là chốn nương thân của 37,7 % dân số Việt Nam (tương đương gần 36 triệu người, số liệu năm 2020), nhưng trong số đó không phải ai cũng may mắn có của ăn của để.
Thực tế chật chội, thiếu thốn cuộc sống quê kiểng sẽ không phải là điều dễ quen đối với những người dân di cư mới đến thành phố vốn quen với những khoảng không gian thoáng đạt, với ruộng rừng mênh mông. Với vòng quay chóng mặt của cuộc sống sinh tồn hôm nay ở phố thị, khi mà mọi việc vừa mới xảy ra ban sáng có thể đến chiều đã trở thành thì quá khứ, khiến người ta ít có thời gian tĩnh tâm để nhìn sâu vào trầm tích của mảnh đất mà họ đang đứng chân. Cuộc sống có thể không quá khó khăn như nhiều người khác, nhưng tìm được việc mới và làm quen với cuộc sống thành thị sẽ không phải là điều dễ làm. Nhưng rồi, Họ – có lẽ đã được phố thị đào luyện, chỉ cần được sống trọn vẹn với ước mơ thực sự của mình, thế là đủ. Thế nhưng dịch bệnh đã ngáng trở tất cả, càn quét tất thảy, khiến những người lạc quan nhất cũng đôi lúc ngờ vực, khiến những người bàng quan nhất đôi lúc cũng ưu tư. Và với những người thiên di ra phố thị, họ nặng lòng với mảnh đất nương thân này, nhưng bất khả dĩ để trụ lại nên họ đành tìm cách hồi hương.
Những cuộc hồi hương cũng chẳng dễ dàng gì, nó đánh đổi bằng nhọc nhằn, có đôi khi tuyệt vọng, và cũng có lúc có những điều diệu kỳ. Có những chuyến xe, những chuyến bay giải cứu người dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng trong những ngày qua vẫn tấp nập được diễn ra. Đó là những người may mắn được hồi hương trong chuyến thiên di nhiều chông gai của cuộc đời. Khi đó là những địa phương quan tâm tới người dân địa phương mình ở những vùng dịch bệnh. Nhưng, còn có nhiều, rất nhiều những người đang mong ngóng được hồi hương nhưng đành bất lực. Họ nghèo khó và đơn độc, trụ lại cũng không được, mà về quê thời điểm này thì lại càng không. Chính quyền có giúp đỡ, nhưng chỉ được một phần nào. Vì cả triệu người, hàng triệu người ở khắp các phố thị đang đều cần được giúp, sức người có hạn, chính quyền cũng không thể cùng lúc trở thành ông Bụt bà Tiên hiện ra ngay lập tức nơi người khốn khó kêu cứu. Thế nên, đâu đó vẫn có sự than vãn, vẫn có lời trách cứ. Nhưng chỉ biết dùng một từ: “Hãy thông cảm!”.
Dịch bệnh đã khiến nhiều người kiệt quệ, khiến nhiều nơi dừng hoạt động, khiến nhiều địa phương nghẹt thở với hàng vạn việc phải xử lý. Và dòng người hồi hương sau những cuộc thiên di vẫn tiếp tục. Nhằm hỗ trợ cho người dân về quê an toàn, người dân cùng chính quyền địa phương và Công an các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã điều nhiều đoàn xe dẫn đường cho những người đi xe máy về quê. Những ngày vừa qua, những hình ảnh hỗ trợ đoàn xe bà con di chuyển từ Miền Nam về Tây Nguyên, về Miền Trung được đăng tải lên khắp các mặt báo, khắp các trang mạng xã hội, và mọi người đều xúc động và cảm phục với sự hỗ trợ đặc biệt ấy. Những chuyến hồi hương dài đằng đẵng vài trăm, có khi cả ngàn cây số là một hành trình dài và đầy những bất trắc. Nhưng trên những đoạn đường ấy, người dân và lực lượng chức năng các địa phương đã hỗ trợ hết mình.
Trong đoàn xe kéo dài cả của người dân về quê ấy, còn có các lực lượng cảnh sát giao thông đi ở giữa đoàn, cuối đoàn cũng được bố trí những xe chuyên dụng của lực lượng cảnh sát giao thông để hỗ trợ. Dọc tuyến đường, người dân chuẩn bị sẵn lương thực, xăng xe, nước uống, thuốc men để hỗ trợ bà con về quê.
Tại Đà Nẵng, đêm và sáng từ ngày 3/10, Phòng CSGT đã phối hợp với Công an huyện Hoà Vang, Công an quận Liên Chiểu bảo đảm TTATGT cho đoàn gồm 74 xe máy, 137 người đi từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về các tỉnh phía Bắc. Một cán bộ CSGT dẫn đoàn cho biết: “Do đi dài ngày nên bà con rất mệt mỏi, lực lượng CSGT đã phải chia ra dẫn thành 5 tốp liên tục từ 2h đến 5h30. Phòng CSGT cũng đã liên hệ với Công an tỉnh TT-Huế để tiếp tục hỗ trợ bà con di chuyển qua địa phận tỉnh TT-Huế!”. Không chỉ dẫn đoàn, hỗ trợ người dân đi đường, Lực lượng CSGT Đà Nẵng cũng như người dân các địa phương đã tiếp tế nước uống, bánh mì, thực phẩm cần thiết để bà con đỡ cơn đói, giữ sức khỏe để tiếp tục hành trình.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Đà Nẵng cho biết: “Phòng Cảnh sát giao thông CATP dẫn đường cho đoàn xe máy của bà con từ các tỉnh phía Nam đi về Bắc qua địa phận TP Đà Nẵng, đã liên hệ với CSGT CAT Thừa Thiên Huế hỗ trợ dẫn đoàn tiếp cho bà con. Đoàn xe đông lại đi trong đêm nên được lực lượng CSGT chia thành 5 top để đảm bảo an toàn. Chuyến dẫn đoàn lần này chứa rất nhiều tình cảm của người dân Đà Nẵng đối với bà con đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mong bà con thượng lộ bình an trên những chặng đường tiếp theo, chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch Covid-19!”.
Những đoàn người hồi hương tiếp tục đi, và sẽ có những đoàn người khác đi qua các địa phương, nhưng chắc chắn mọi người đều yên tâm rằng lực lượng công an các địa phương vẫn đang nỗ lực hết mình để hỗ trợ tất cả mọi người. Trên hành trình hồi hương của họ, luôn có một niềm tin và sự cảm ơn với lực lượng công an nơi họ đã đi qua.
Tiêu Dao