BVR&MT – Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) được thành lập theo Quyết định số 1240/QĐ-TTg, ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 64.800ha có nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu Á nhiệt đới, núi cao và các loài động thực vật rừng quý hiếm, đặc hữu.
Tính đa dạng sinh học
Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm trên cao nguyên Lâm Viên có độ cao trung bình từ 1.500- 1.800m, địa hình chia cắt mạnh được chắn bởi các dãy núi cao như đỉnh Hòn Giao(2.060m), Bidoup(2.287m), LangBiang(2.167m). Khí hậu nơi đây ôn hoà, nhiệt độ không khí trung bình năm 180C, lượng mưa trung bình năm 1800mm, tại các đai cao trên lượng mưa có thể đạt 2800-3000mm/năm.
Thảm thực vật rừng ở đây được đặc trưng bởi các kiểu rừng sau:
– Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình: Phân bố ở độ cao trên 1.700m, lượng mưa 2.300mm- 3.000mm/năm, độ ẩm từ 89%- 95%, được đặc trưng bởi các họ: họ chè (Theaceae), họ Thích (Aceraceae), họ Re (Lauraceae), họ Ngọc Lan (Magnoliaceae), họ Đỗ Quyên (Ericaceae), họ Hồi (Illiciaceae), họ Hoa Hồng (Rosaceae), họ Thông (pinaceae), họ Kim Giao (Podocarpaceae), họ Hoàng Đàn (Cupressaceae).
– Kiểu phụ rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới: Phân bố ở độ cao trên 1.700m, được đặc trưng bởi các họ: họ Dẻ (Fagaceae), họ Re , họ Chè, họ Ngọc Lan, họ Thông, họ Kim Giao, họ Hoàng Đàn.
– Kiểu phụ rừng rêu( rừng lùn): Phân bố ở độ cao trên 2.000m, nơi đây thường xuyên bị che phủ, trên cây rừng có nhiều rêu và địa y mọc, đặc trưng bởi các họ: họ Phong Lan(Orchidaceae), họ Ngũ gia bì (Araliaceae), họ Dẻ(Fagaceae), họ Đỗ Quyên(Ericaceae).
– Rừng thưa cây lá kim á nhiệt đới núi thấp: Phân bố ở độ cao dưới 1.700m, đặc trưng bởi Thông ba lá( Pinus khasya) mọc thuần loài.
– Rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre với cây lá rộng: Phân bố ở độ cao 800- 1.200m, đặc trưng bởi các loài : Le Núi Dinh( Oxynanthera dinhensis), Lồ Ô( Bambusa balcoa), cùng với các loài cây gỗ như: Mạ sưa(Helicia cochinchinensis), Chẹo(Engelhardtia wallicluana). Hệ thực vật ở đây được di cư xâm nhập theo 3 luồng : Hệ thực vật Ấn Độ- Miến Điện có họ Bàng( Combretaceae); Hệ thực vật Himalaya- Vân Nam, Quý Châu Trung Quốc có 5 họ đặc trưng: họ Kim Giao, họ Dẻ, họ Ngọc Lan, họ Re, họ Đỗ Quyên; Hệ thực vật Bắc Việt Nam- Nam Trung Quốc có 6 họ đặc trưng: họ Đậu (Fabaceae), họ Ba mảnh vỏ ( Euphorbiaceae), họ Thị( Ebenaceae), họ Cà phê( Rubiaceae), họ Cỏ(Poaceae), họ Điều( Anacardiaceae).
Theo kết quả điều tra cho thấy: Về thực vật đã thống kê được 1.468 loài thuộc 161 họ, 673 chi, trong đó có 91 loài đặc hữu, 62 loài quý hiếm thuộc 29 họ thực vật khác nhau được ghi trong sách đỏ Việt Nam, 15 loài được ghi trong nghị định số 32/2006/NĐ – CP ngày 30 tháng 3 năm 2006.
Đặc biệt chú ý họ Phong Lan có 18 loài quý hiếm, Ngành hạt trần có 14 loài, trong đó có 10 loài quý hiếm như: Thông tre nam (Podocarpus annamensis), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Thông đỏ (Taxus wallichiana), Du sam (Keteleria evelyniana), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis), Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii), Thông năm lá Đà Lạt (Pinus dalatensis), Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii Hook. f.), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum(Roxb) Wall.ex Hook), những loài đặc hữu tiêu biểu là: Côm Bi Doup (Elaeocarpus bidupensis), Chè gò đồng Bi Doup (Gordonia bidupensis), Lan hoàng thảo Đà Lạt (Dendrobium dalatensis), Trà hoa Lang Biang (Impatient langbiangensis), Hoa tím Đà Lạt (Viola dalatensis), Cung nữ Lang bi an (Procris langbiangensis), Ẩn mạc Lang Biang (Cryptophragmium langbiangensis), Sồi Lang bi an (Quercus langbiangensis), Vân đa Bi Đúp (Vanda bidupensis Aver. & christeson), Cáp mộc Bi Đúp(Craibiodendron heryi W.W. Smith var bidoupensis Smitin & Phamh), Nỉ lan Bi Đúp(Eria bidupensis(Gagnep) Seidenf. Ex Aver)…
Có thể nói rằng hệ thực vật ở đây rất đa dạng và phong phú có nhiều loài mang tên địa phương, đồng thời nơi đây còn là cái nôi của Ngành hạt trần (đứng sau Hoàng Liên Sơn), nhiều loài cho giá trị kinh tế cao và khoa học như Pơ mu, Bách xanh, Thông đỏ, Đỗ quyên hoa hồng, Thông năm lá Đà Lạt, Lan Gấm…
Về Động vật đã điều tra được 208 loài, 81 họ, thuộc 27 bộ:
+ Các loài đặc hữu: Về Chim có 17 loài tiêu biểu là Mi Langbian (Crocius Langbianus), Khướu đầu đen (Garrulax milleti), Sẻ thông họng vàng (Carduelis monguilloti), Gà lôi trắng (Lophura nycthemera), Trĩ sao (Rheinartia ocellata),..Về Thú có một số loài tiêu biểu đặc trừng cho khu vực Nam Trường Sơn như: Bò tót (Bos gaurus), Voi (Elephas maximus), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis).
+ Các loài động vật quý hiếm: Qua điều tra và thống kê cho thấy có 45 loài được ghi trong nghị định 32/2006/NĐ-CP, ngày 30 tháng 3 năm 2006 “ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”.
Các giải pháp bảo tồn
Hiện nay sự tác động của người dân vào Vườn quốc gia chưa nhiều, nhưng việc kiểm soát cũng rất khó khăn bởi tuyến đường DT 723 đi qua Vườn nối liền Đà Lạt – Nha Trang, tuyến đường DT 722 Đông Trường Sơn.
Một số loài quý hiếm, có giá trị kinh tế ở trên đang là tâm điểm của khai thác trộm, một vài Doanh nghiệp đã đầu tư phát triển kinh tế trên tuyến đường 723 nằm trên địa phận của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, vì vậy vấn đề bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học phải được đặt lên hàng đầu do đó cần phải có những giải pháp hữu hiệu, cụ thể là:
– Tăng cường giáo dục cho cộng đồng dân cư sống cạnh rừng hiểu lợi ích mang lại từ rừng, khai thác và sử dụng các sản phẩm từ rừng mang tính bền vững.
– Tuyên truyền các chủ chương chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua các buổi họp thôn, hoạt động tập thể, phối hợp với nhà trường lồng ghép một số tiết học về bảo vệ và phát triển rừng.
– Hàng năm phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị chủ rừng giáp ranh với nhau, khi có tình huống xảy ra phối hợp với nhau, quy chế phối hợp với chính quyền địa phương, hàng tháng họp giao ban với nhau, tiến tới xây dựng các quy ước quản lý bảo vệ rừng cho từng thôn, buôn.
– Đẩy mạnh công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho dân (hiện nay mới giao khoán 34.053 ha) và diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo điều kiện cho dân có công ăn việc làm và nâng cao thu nhập.
– Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên tuyến đường DT 723 và tuyến đường DT 722, tại các trạm kiểm lâm trên tuyến này như trạm kiểm lâm Klong lanh, Giang ly, Hòn giao phải bố trí trực 24/24, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại những điểm nóng, phối hợp thường xuyên với Chính quyền địa phương tổ chức truy quét các vụ vi phạm về lâm luật.
– Xây dựng phương án PCCCR có hiệu quả, kết hợp tuyên truyền cho người dân trong việc sử dụng lửa, hướng dẫn khi đốt nương làm rẫy, hàng năm tập huấn về công tác PCCCR.
– Cần xây dựng một kế hoạch điều tra tổng thể tài nguyên rừng theo định kỳ có thể 5 năm hoặc 10 năm, để nắm bắt được tổng thể của tài nguyên, phục vụ tốt cho công tác quản lý rừng.
– Xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển rừng, sử dụng bền vững tài nguyên rừng bằng các chương trình đầu tư như: hợp tác quốc tế, hợp tác với các Trường Đại học và các Viện nghiên cứu. Mặt khác không ngừng đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Vườn quốc gia nhất là công tác bảo tồn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và được coi là phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng của Vườn, vừa kết hợp nội lực và ngoại lực.
– Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với phát triển văn hóa bản địa như khôi phục và xây dựng một số làng nghề dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực… tạo công ăn việc làm cho người dân, giảm áp lực vào rừng.
– Bảo tồn các giá trị đặc trưng văn hoá bản địa, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái góp phần cho việc bảo tồn đa dạng sinh học cho vùng Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đồng thời bảo vệ phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai.
Đối với một số loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm ở Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà giải pháp bảo tồn tốt nhất là bảo tồn nguyên vị (insitu) mà trước tiên phải bảo vệ hệ sinh thái rừng. Vấn đề tái sinh tự nhiên của chúng trở nên rất khó khăn, nên bảo tồn exsitu đóng một vai trò không nhỏ, việc thu thập hạt giống và cây con tái sinh về gây trồng thử là những cố gắng cần thiết, song cần bảo đảm nguyên tắc là thu hái hạt từ nhiều cây mẹ, từ nhiều điểm trong vùng phân bố và từ nhiều vùng trong Vườn, để bảo tồn nguồn gen có được nền tảng di truyền đủ lớn. Bảo tồn chuyển vị (exsitu) chỉ là giải pháp mang tính định hướng khi không thể thực hiện được bảo tồn nguyên vị.
Tuy nhiên để thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà rất cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực về lĩnh vực bảo tồn, đồng thời có sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương và các tổ chức Quốc tế.
Thạc sĩ Hoàng Đình Quang (VQG Bidoup-Núi Bà)