BVR&MT – Với vai trò thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai kịp thời, có hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng của Chính phủ. Tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) được thực hiện thông qua NHCSXH đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện TDCSXH mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, TDCSXH là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là một kênh tạo thêm xung lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội.
Trong 15 năm qua (2002 – 2017), TDCSXH đã được triển khai thành công với nhiều kết quả quan trọng. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…
Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài… Cùng với đó, TDCSXH cũng đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tại tỉnh Tuyên Quang – một trong những tỉnh miền núi Đông Bắc có tỉ lệ hộ nghèo cao, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó trên 95% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục và đào tạo; chú trọng ưu tiên tập trung vốn cho vay hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tại tỉnh Sơn La, sau 15 năm hoạt động, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã mở rộng 15 chương trình tín dụng ưu đãi, triển khai đến 100% các xã, bản của tỉnh với tổng dư nợ 3.441,3 tỷ đồng, cho 446.441 lượt hộ vay vốn. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã giúp 70.807 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 30.856 lượt lao động, 21.170 hộ nghèo được vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà ở; xây dựng 105.257 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường.
Tại TP. Hà Nội, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có trên 1,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Chi nhánh NHCSXH. Trong đó, có trên 630 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho gần 220 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 460 nghìn lao động, giúp cho trên 140 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng cải tạo gần 430 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng, cải tạo trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo…
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện NHCSXH tỉnh cho biết, thông qua các chương trình TDCSXH, NHCSXH đã giúp cho hơn 264.000 lao động có việc làm, hơn 193.000 lượt hộ nghèo và 54.000 lượt hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó có hơn 62.000 hộ thoát nghèo, 48.000 hộ cải thiện cuộc sống.
Tại tỉnh Bình Dương, các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đã giúp cho 185.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Mức vay bình quân tăng từ 2,1 triệu đồng/hộ (năm 2003) lên 23,9 triệu đồng/hộ vào thời điểm hiện nay, tăng 11,4 lần. Tín dụng chính sách đã trở thành một kênh tín dụng quan trọng, hữu hiệu góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh đã giảm từ 2,09% năm 2002 xuống còn 1,23% vào đầu năm 2017.
Theo đánh giá tổng quan của NHCSXH, TDCSXH được thực hiện thông qua NHCSXH còn góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua đó, khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chính sách đúng đắn, góp phần hạn chế được mặt trái của kinh tế thị trường, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
TDCSXH cần tiếp tục tham gia đắc lực vào công cuộc XĐGN bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số hạn chế. Tại một số địa phương như Tuyên Quang, đại diện NHCSXH tỉnh cho biết, công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức; có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời những hộ mới phát sinh nghèo, cận nghèo vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị – xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa cao, làm cho hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và vốn tín dụng chính sách nói riêng còn có phần hạn chế. Hoạt động tín dụng chính sách chưa được đồng đều giữa các huyện…
Tại tỉnh Nghệ An, theo Giám đốc NHCSXH tỉnh, hiện nay nguồn vốn còn khá bất cập, phụ thuộc chủ yếu vào Trung ương (chiếm 98,6%), nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ rất thấp 1,4% nên chưa có điều kiện để triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững theo mục tiêu riêng của tỉnh.
Chia sẻ thêm về một số khó khăn, hạn chế, đại diện NHCSXH tỉnh Bến Tre cho biết, nguồn vốn tín dụng để triển khai cho vay các chương trình tín dụng hàng năm chủ yếu do Trung ương chuyển về nên đôi khi Chi nhánh chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đối tượng thụ hưởng chính sách lớn, dư nợ tín dụng hàng năm tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn cho các đối tượng chính sách để mở rộng sản xuất kinh doanh; công tác tuyên truyền, phổ biến tín dụng chính sách xã hội được triển khai đến người dân nhưng chưa có biện pháp tuyên truyền về chiều sâu. Hơn nữa, phần lớn tín dụng chính sách xã hội cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nên thường xuyên bị ảnh hưởng yếu tố thời tiết, giá cả, quy mô tín dụng nhỏ, lẻ thiếu tính liên kết nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn đã làm hạn chế hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội của tín dụng chính sách.
Để khắc phục những khó khăn trên, đại diện NHCSXH nhấn mạnh, trong thời gian tới, TDCSXH tiếp tục sẽ là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững. NHCSXH đặt mục tiêu, hoạt động TDCSXH phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt TDCSXH và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững. Cụ thể, phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp…
Xác định tầm quan trong của hoạt động TDCSXH đối với công tác giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị, tất cả các Bộ, ngành, địa phương tích cực chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kế hoạch 401 về triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt các chủ trương xã hội hoá nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững…
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, cả nước hiện còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai. Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta có những thành công nhưng mà còn nhiều tồn tại bất cập để tiếp tục công việc càng ngày càng khó khăn này của sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo. Một năm chúng ta giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% đến 1,5% bình quân, đối với các huyện vùng sâu, vùng cao ít nhất 4%/năm. Và trong bối cảnh như vậy, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là một kênh tạo thêm xung lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội. Chính vì vậy tín dụng chính sách hay cán bộ làm tín dụng, hay hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người vay vốn./.