BVR&MT – Nguồn vốn chính sách giúp chị em tạo dựng sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững, từ đó đã góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Phụ nữ thường phải gánh chịu hậu quả của nghèo đói nặng nề hơn nam giới. Chính vì vậy các nhà phân tích cho rằng giảm nghèo cũng đồng nghĩa với giải phóng phụ nữ và bảo vệ quyền bình đẳng giữa nam và nữ.
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 cũng đặc biệt ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến vấn đề giới trong công tác giảm nghèo bền vững càng rõ rệt hơn trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội với việc ưu tiên hỗ trợ phụ nữ trong việc tiếp cận vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, trở thành một trụ cột tạo lập kinh tế gia đình, từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội.
Khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp Lại Văn Bé Chín cho biết, trong những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền vận động đưa chính sách tín dụng đến các chủ hộ vay vốn là nữ, ngân hàng này còn ưu tiên đưa vốn vào các mô hình sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã (hợp tác xã), làng nghề có tính lan tỏa rộng đối với khu vực lao động nữ.
Điển hình là Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ 20-10 ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh. 10 năm hoạt động trên địa bàn xã, hợp tác xã 20-10 là thành quả của sự khuyến khích, động viên từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động thành lập tạo việc làm cho phụ nữ nghèo. Tuy nhiên, với vốn góp 1,5 đến 3 triệu đồng và 12 thành viên ban đầu, việc phát triển hợp tác xã rất khó khăn. Vì vậy, nguồn vốn 100 triệu đồng cho 5 hộ nghèo vay trở thành nguồn vốn quan trọng giúp hợp tác xã đầu tư 2 máy dệt chiếu và mua nguyên vật liệu dệt chiếu và đan lát.
Phó Giám đốc hợp tác xã Nguyễn Công Nghiệp cho biết đến nay hợp tác xã đã có 8 máy dệt, nguồn vốn hình thành tài sản cũng với phương thức từ nguồn vay hộ nghèo của các thành viên góp vốn vào hợp tác xã.
Hợp tác xã không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho 27 thành viên mà còn là nơi địa chỉ hội tụ của các mẹ các chị cùng nhau làm việc, tạo thu nhập thoát nghèo và phát triển kinh tế gia đình. Ngoài dệt chiếu, hợp tác xã có 4 tổ đan lục bình hội tụ những phụ nữ nghèo của xã làm thêm những buổi nông nhàn, nhưng thực tế có khoảng 200 người là thành viên gia đình của họ cùng tham gia với thu nhập bình quân trả theo sản phẩm 3,5 triệu đồng/tháng.
“Nếu không có việc làm thì chị em làm thuê, làm mướn ở ngoài bấp bênh, bữa có bữa không. Thu nhập mỗi tháng không đến 1,5 triệu đồng. Từ khi làm ở hợp tác xã thì đồng lương của chị em ổn định hơn, chị em yên tâm làm hơn,” ông Nghiệp nói.
Còn với những chị em nghèo xã An Hải, huyện Bình Phước (Ninh Thuận), nguồn vốn chính sách giúp họ trở thành một trụ cột chính làm kinh tế cho gia đình thoát nghèo. Như chị Châu Thị Ân ở xã An Hải, huyện Bình Phước, gần 9 năm (từ năm 2008 đến cuối năm 2016) trải qua đôi chu kỳ vay vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã bước qua ngưỡng nghèo nhờ chăm chỉ từ việc chăn nuôi bò. Cánh cửa thoát nghèo bền vững thêm mở rộng khi chị tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia hợp tác xã Tuấn Tú chuyển đổi trồng măng tây năm 2016. 3 sào đất đầu tư măng tây cho gia đình chị cho một năm 8 tháng thu hoạch với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/ngày, trừ chi phí đầu tư lãi ròng bình quân 1 triệu đồng/ngày.
Nguồn vốn chính sách giúp chị em tạo dựng sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững, từ đó đã góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Họ không chỉ làm tốt vai trò “xây tổ ấm” với ý nghĩa chăm sóc gia đình, con cái mà còn cùng người chồng tạo dựng kinh tế cho mái nhà thêm vững chắc. Nhiều chị em không chỉ vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, mà còn tạo được hiệu ứng tích cực tới cộng đồng, tạo thêm việc làm hay đào tạo nghề giúp các chị em phụ nữ khác tại địa phương có cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Điểm tựa thực hiện bình đẳng giới
Kết quả hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho thấy những hỗ trợ tín dụng cho phụ nữ ngày càng tăng cả về lượng và chất. Báo cáo kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đến cuối tháng 1/2020 cho thấy riêng hoạt động cho vay ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trên 2.522 triệu thành viên tham gia với số dư hơn 80.435 tỷ đồng-đứng đầu cả về số thành viên và dư nợ trong 4 tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong đó riêng tháng Một doanh số cho vay đạt 1.560 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn luôn đạt thấp nhất, chỉ chiếm 0,22% tổng dư nợ, cho thấy ý thức hoàn trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn vay của phụ nữ luôn cao hơn, cũng như ý thức vượt khó vươn lên làm kinh tế của người phụ nữ. Số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 4.636 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ tiền gửi cao nhất trong 4 tổ chức chính trị – xã hội, điều đó cho thấy chị em đã có nguồn tích lũy phục vụ cho nhu cầu tài chính gia đình cũng như tái đầu tư phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, tỷ trọng 39% số thành viên và dư nợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội chưa phản ánh hết số hộ nữ hiện đang vay vốn tại Ngân hàng này bởi còn một phần các hộ vay là nữ thực hiện vay thông qua Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cũng như trực tiếp vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thống kê đầy đủ. Uớc tính số hộ vay là nữ chiếm khoảng phân nửa trong 6,5 triệu hộ hiện đang có dư nợ tại ngân hàng này.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong năm 2020 cũng như những năm tới Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách, trong đó ưu tiên đến phụ nữ.
Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau,” phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”… Ngoài ra, ngân hàng hướng tới việc kêu gọi các chính quyền địa phương ủy thác vốn để thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới…, tạo sự đồng thuận, thu hút đông đảo phụ nữ, hộ gia đình và các đối tượng chính sách tích cực hưởng ứng.