BVR&MT – Trong hơn một thế kỷ, giới khoa học coi voọc lá là loài đơn nhất nhưng nghiên cứu mới chỉ ra rằng chúng có ba loài riêng biệt. Do chúng ẩn mình rất kỹ nên không dễ quan sát được sự khác biệt.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Scientific Reports khẳng định 3 loài voọc Đông Nam Á là những loài hoàn toàn khác biệt và 2 loài trong số này thuộc nhóm quý hiếm và nguy cấp nhất.
Chúng phân bố rộng trên khắp Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia, vì thế không được coi là nguy cấp. Nhưng theo nghiên cứu mới, 2 trong số 3 loài thuộc nhóm linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới, cần được bảo vệ khẩn cấp.
Nghiên cứu nêu bật khả năng của các công cụ phân giải trình tự gen vượt trội để sửa chữa các lỗi phân loài trong hàng thế kỷ qua – khiến các trường hợp cần bảo tồn khẩn cấp không được chú ý. Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu sử dụng DNA trong phân khỉ – một kỹ thuật không xâm nhập có thể được sử dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi mong rằng nghiên cứu này khích lệ thêm nhiều nghiên cứu về các loài khỉ hoàn toàn khác nhau ở châu Á. Sự đa dạng lớn hơn nhiều những gì chúng ta đã biết và nếu không nhận biết rõ, chúng ta có nguy cơ đánh mất”, Andie Ang, nhà nghiên cứu thuộc Quỹ bảo tồn Động vật hoang dã Singapore và là đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ.
Một thập kỷ trước, Ang mới bắt đầu nghiên cứu loài presbytis femoralis. Các ghi chép từ thế kỷ XIX phân loại loài này là một phân loài voọc, cùng với hai loài linh trưởng khác là voọc Đông Sumatra và Presbytis robinsoni. Nếu chỉ đánh giá qua bề ngoài, lỗi phân loại là có thể hiểu được. Cả 3 phân loài đều màu đen, chỉ khác biệt rất nhỏ ở các dấu màu trắng xung quanh khuôn mặt và vùng bụng.
Ngay từ đầu, Ang đã nghi ngờ presbytis femoralis là một loài riêng biệt. “Chỉ nhìn vào hình thái và những mô tả trước đây, có vẻ chúng là một loài khác nhưng tôi không có bất kỳ thông tin nào để chứng minh điều đó”, Ang cho biết.
Làm theo linh cảm luôn không dễ dàng. Voọc nổi tiếng là loài khó quan sát – chúng quý hiếm, hay di chuyển, hầu hết thời gian ở trên các ngọn cây. Chúng thường bỏ đi ngay khi thấy dấu hiệu xâm nhập của con người nên rất khó chụp ảnh hoặc phóng phi tiêu để lấy mẫu máu – một phương pháp có nguy cơ khiến chúng bị căng thẳng hoặc bị thương.
Để vượt qua những thách thức này, nhóm của Ang chuyển sang các mẫu phân. Ang cho biết, phân động vật là một nguồn tài nguyên chưa được khai phá với các nhà khoa học do chứa rất nhiều thông tin từ DNA của động vật đến bằng chứng về chế độ ăn uống, hệ vi sinh vật và ký sinh trùng.
Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm: thu thập các mẫu phân này rất khó khăn và tốn thời gian. Nhóm nghiên cứu định vị các đàn voọc trong rừng, sau đó lặng lẽ chờ đợi, đôi khi trong nhiều giờ cho đến khi đàn voọc đi khỏi thì mới kiểm tra bên dưới những tán cây để tìm phân của chúng.
“Đôi khi chúng tôi tốn cả ngày trời mà chúng không hề thải ra phân hoặc chúng tôi không thể tìm thấy phân vì dưới mặt đất có những thứ trông giống hệt như thế. Lắm khi lũ ruồi và bọ hung còn đến trước chúng tôi”, Ang kể.
Bằng cách xử lý các mẫu này, nhóm của Ang phân giải trình tự toàn bộ bộ gen của 11 cá thể voọc riêng lẻ, so sánh với cơ sở dữ liệu di truyền của các mẫu trước đó cũng như so các mẫu này với nhau. Để được coi là một loài khác, trình tự ty thể của động vật có vú thường phải khác nhau khoảng 5%. Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu phát hiện sự khác biệt giữa 3 loài voọc từ 6%-10%.
“Chúng tôi tính toán rằng các loài này phân chia từ 3 triệu năm trước, trước thế Pleistocene (thế Cánh Tân). Chúng thậm chí không phải họ hàng gần gũi”, Ang cho biết.
Đối với hai loại voọc Presbytis femoralis và Presbytis percura, phân loại loài mới cũng làm dấy lên lo ngại về bảo tồn khẩn cấp vì hiện chúng đủ điều kiện là loài cực kỳ nguy cấp do quần thể nhỏ và giới hạn.
Ang ước tính tổng quần thể Presbytis femoralis chỉ khoảng 300 đến 400 cá thể, khoảng 60 cá thể sống tại Singapore, còn lại sống ở các bang phía nam bán đảo Malaysia – nơi những cánh rừng đang nhanh chóng bị chuyển đổi thành các đồn điền cọ dầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không biết còn lại bao nhiêu voọc Presbytis percura. Chúng chỉ sống tại tỉnh Riau trên đảo Sumatra – khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng và săn trộm cũng như có tỷ lệ phá rừng rất cao.
Mặt khác, voọc Presbytis robinsoni phân bố rộng rãi hơn nhưng vẫn được IUCN phân loại “sắp bị đe dọa”.
“Hiện tại, chúng không thực sự bị đe dọa tuyệt chủng”. Nhưng với đà phát triển đô thị và nạn phá rừng đang gia tăng, Presbytis robinsoni cuối cùng cũng sẽ rơi vào tình trạng khẩn cấp tương tự hai loài kia, Ang cho biết.
Các mối đe dọa không có gì mới nhưng được coi là loài mới đúng nghĩa có nghĩa là người ta sẽ nghiêm túc quan tâm đến sự sống còn của những linh trưởng này hơn.
“Nhận thức bảo tồn của công chúng chủ yếu là về các loài, không phải phân loài, vì vậy làm rõ các phân loài như phân loại trước đây thật ra là loài riêng biệt sẽ giúp ích rất nhiều về gây quỹ cho công tác bảo tồn. Christian Roos, nhà di truyền học linh trưởng thuộc Viện nghiên cứu Linh trưởng Leibniz ở Gottech, Đức, và không tham gia nghiên cứu cho biết.
Nhóm của Ang hiện đang làm việc với các đối tác tại các trường đại học và các tổ chức phi lợi nhuận ở Malaysia, Indonesia, Singapore để khuyến khích thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về các loài mới và vận động tăng cường bảo vệ loài ở cấp chính phủ.
Nhóm nghiên cứu cũng nghi ngờ rằng nhiều loài khác, bao gồm cả các loài linh trưởng đang được gắn mác phân loài đang chờ khám phá. Hiện nhóm đang theo đuổi một nghiên cứu tiếp theo về phân loài voọc Presbytis siamensis vốn chỉ còn phân bố ở tỉnh Riau, có khả năng là một loài cực kỳ nguy cấp mới. Theo như nghiên cứu mới, các mẫu phân có thể là chìa khóa để mở ra những khám phá.
“Phương pháp này hiện không được sử dụng thường xuyên trong phân loài học nhưng có tiềm năng rất lớn”, theo Vincent Nijman, nhà bảo tồn tại Đại học Oxford Brookes và đồng tác giả của bài báo mới. “Nếu chúng thải phân, chúng ta có thể thu thập DNA”.
Thược Dược (Theo National Geographic)