BVR&MT – Sông Mê Kông – chảy từ cao nguyên Tây Tạng qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông – là một điểm nóng đa dạng sinh học. 60 triệu dân sống trong khu vực đa phần là người nghèo với thu nhập và nguồn cung thực phẩm chủ yếu phụ thuộc vào dòng sông cùng các chi lưu. Tuy nhiên, việc gia tăng đột biến các dự án thủy điện đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái lưu vực, cản trở quá trình di cư của cá, giảm chất lượng dinh dưỡng và trầm tích, trừ phi tìm thấy một sự thay thế khả thi.
Tiến sĩ Thomas Wild, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Atkinson đã hợp tác cùng Giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường Patrick Reed, chuyên gia Viện Di sản Thiên nhiên (NHI) và cả hai đã làm việc với Chính phủ Campuchia để nghiên cứu và tìm kiếm các lựa chọn thay thế tốt nhất cho dự án thủy điện Sambor – hiện đang được đề xuất xây dựng trên sông Mê Kông ở vùng đất phía Nam làng Sambor, huyện Sambour, tỉnh Kratié thuộc Đông Bắc Campuchia.
Nghiên cứu của hai tác giả tạm dịch là “Cân bằng giữa phát triển thủy điện và các tác động sinh thái ở sông Mê Kông: Sự đánh đổi cho siêu đập Sambor” đã được xuất bản trên Tạp chí Quy hoạch và Quản lý tài nguyên nước quốc tế.
Theo Tiến sĩ Wild, “mô hình quy hoạch thủy điện truyền thống là để các nhà phát triển tìm kiếm và lựa chọn các vị trí tối ưu hóa cho đập thủy điện, sau đó tìm cách để giảm thiểu các tác động của nghề cá sau này. Chúng tôi thay đổi điều đó bằng cách ưu tiên các mối quan tâm của hệ sinh thái ngay từ đầu, bắt đầu với việc lựa chọn địa điểm”.
Đập Sambor được đề xuất là một khối bê tông chạy dài 11m dặm – theo cách nói của Wild – sẽ cản trở quá trình di chuyển của nửa triệu con cá trong mỗi giờ khi chúng muốn hướng về các nhánh sông thượng nguồn để sinh sản hoặc bơi xuôi dòng xuống nơi có nguồn dinh dưỡng tốt hơn cùng khu vực ngư trường thủy sản quan trọng là hồ Tonle Sap và Đồng bằng sông Cửu Long. Điểm dừng chân cuối cùng của chúng có thể là đồng bằng Việt Nam – nơi đang phải đối mặt với sự căng thẳng về sinh thái do lũ lụt và nước biển dâng dâng cao.
Để Chính phủ Campuchia có thể lựa chọn được các phương án tối ưu, Wild và Reed đã tạo ra một nền tảng mô hình giúp nhóm phát hiện ra một thiết kế đập thay thế được gọi là “Giải pháp thay thế sinh thái Sambor”, với các phương án thiết kế và vận hành giúp cải thiện trầm tích và dòng di chuyển của cá trong khi vẫn duy trì được sản xuất điện.
Hai nhà nghiên cứu đã hợp tác với một nhóm nghiên cứu liên ngành – bao gồm các nhà sinh vật học về cá, một kỹ sư đập, một nhà địa chất học, một nhà địa lý học, một luật sư và một nhà kinh tế – nhằm nghiên cứu các lựa chọn thay thế, thiết kế và vận hành, phân tích cụ thể sự sự đánh đổi trong việc cân bằng các mục tiêu sinh thái và năng lượng.
Mặc dù Giải pháp thay thế sinh thái Sambor vẫn tồn tại những rủi ro đáng kể cho nghề cá ở sông Mê Kông nhưng nó đã chứng minh cho các quan chức trong Chính phủ Campuchia bao gồm cả Thủ tướng rằng vẫn tồn tại các lựa chọn khác.
Wild chia sẻ “những gì chúng tôi đã làm là đưa ra cho những người ra quyết định thấy một loạt những lựa chọn có sẵn, mỗi lựa chọn có kết quả kinh tế, sinh thái và xã hội khác nhau. Chúng tôi đã giúp họ xác định các số liệu đặc trưng cho các kết quả và mục tiêu này, đồng thời xác định các giải pháp thay thế có thể mang lại kết quả cân bằng hơn so với việc xây dựng các đập đề xuất ban đầu. Tôi nghĩ rằng họ đã được trao quyền nhiều hơn để suy nghĩ về những lựa chọn của họ”.
Sau khi nhóm NHI trình bày kết quả của mình, Chính phủ Campuchia đã xem xét nhiều lựa chọn thay thế cho thiết kế Sambor ban đầu và bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng các tấm quang điện mặt trời nổi có hiệu quả kinh tế và ít gây gián đoạn cho hệ sinh thái.
Hai nhà khoa học Wild và Reed muốn chia sẻ bộ công cụ của họ với các quốc gia khác có năng lực kỹ thuật hạn chế nhưng muốn khám phá các giải pháp thay thế năng lượng ngoài những gì nhà phát triển đập đã đề xuất, cho phép họ có nhiều tiếng nói hơn đối với sự phát triển của chính họ.
“Thật dễ dàng để nói từ thay thế nhưng không dễ để tạo ra một “thay thế” đủ nổi bật và đáng tin cậy trong quá trình ra quyết định thực sự. Có rất nhiều sự phức tạp, các sắc thái, sự không chắc chắn và nhạy cảm của những điều này, bạn phải cực kỳ thận trọng. Các giải pháp phải được tích hợp, liên ngành và phải có một số tính phù hợp và tính hợp pháp trong bối cảnh ra quyết định trong thế giới thực phức tạp”, Lau Reed nhấn mạnh.
Minh Hiền (Theo Cornell.edu)