BVR&MT – Thiệt hại nặng nề là tình cảnh của du lịch toàn cầu nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng khi bóng ma chết chóc của đại dịch Covid-19 bao phủ khắp thế giới suốt từ đầu năm 2020. Những thành quả khống chế dịch bệnh bước đầu cùng chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã giúp ngành công nghiệp không khói phần nào nhúc nhắc gượng dậy. Nhưng chặng đường để có thể quay lại mức tăng trưởng thần kỳ nhiều năm trước còn đầy rẫy khó khăn. Và áp lực phải tái cấu trúc toàn diện để tạo bộ mặt mới và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ đang đặt ra bài toán mà ngành du lịch nước nhà phải nhanh chóng kiếm tìm lời giải.
Cơn địa chấn mang tên Covid-19
Trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt đã từng đôi lần gặp bước lao đao, vì ảnh hưởng của đại dịch SARS năm 2003 hay vòng xoáy suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng những gì đã từng trải qua trong quá khứ xem ra quá nhỏ nhoi, so với con số thiệt hại 7 tỷ USD (theo ước tính của Tổng cục Du lịch) mà ngành phải hứng chịu, chỉ trong khoảng từ tháng 2 tới tháng 4 năm nay. Và tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, có tới 80-90% số doanh nghiệp du lịch – lữ hành vừa và nhỏ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng.
Theo số liệu do Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cung cấp, ngành du lịch đóng góp tới 8,8% GDP. Và 25% số việc làm mới tạo ra cho xã hội thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành. Vậy mà, cũng theo một khảo sát của TAB vào cuối tháng 4-2020, có tới 65,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cắt bớt một nửa số nhân viên, gần 20% cho nghỉ toàn bộ. Và 78% số doanh nghiệp chọn cắt giảm lương hoặc nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót, 9% cực đoan hơn – đóng cửa kinh doanh.
Nhiều kịch bản khác nhau đã được Tổng cục Du lịch đưa ra, nhưng đáng buồn là dự đoán nào cũng… tăng trưởng âm. Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9, lượng khách quốc tế sẽ giảm 75% với 4,6 triệu lượt. Xấu nữa, dịch hoành hành hết tháng 12 thì lượng khách quốc tế sẽ giảm 80%, khi dừng lại ở con số 3,7 triệu lượt đã đón trong ba tháng đầu năm.
Ðại dịch không chỉ đẩy ngành công nghiệp không khói vào tình cảnh kiệt quệ vì không có khách. Nó cũng làm thói quen trải nghiệm, khám phá cùng xu hướng sử dụng dịch vụ của người dân thay đổi hoàn toàn. Từ dấu mốc Covid-19, làm quen với trạng thái “bình thường mới” cũng đồng nghĩa với những gì “bình thường cũ” không bao giờ còn trở lại. Theo kết quả khảo sát của TAB về xu hướng du lịch của người Việt Nam hậu Covid-19 vào tháng 5-2020, vẫn có tới 37% số người được hỏi nói “không” với khách sạn và 40% vẫn tránh xa máy bay. Cũng như thế, gần 20% số du khách chọn phương tiện xe riêng, 69% lựa chọn điểm đến an toàn (về cả dịch bệnh lẫn an ninh), 67% chọn biển là điểm đến yêu thích. Thắt chặt chi tiêu khiến gần một nửa chọn tour ngắn ngày. Và giãn cách xã hội trở thành thói quen khiến gần 90% lựa chọn đi cùng gia đình và nhóm nhỏ bè bạn, thay vì xu hướng theo đoàn lớn như trước.
Ðại dịch cũng khiến người dân chỉ còn duy nhất một lựa chọn: du lịch nội địa. Hạ tầng trong nước vốn đủ phục vụ 80 triệu lượt khách Việt giờ giảm xuống còn 30%. Cung lớn gấp ba cầu, trong khi xu hướng tự thiết kế tour, tự đặt vé máy bay và khách sạn của khách Việt ngày càng tăng. Và cái bắt tay hiệu quả giữa hàng không – cơ sở lưu trú – dịch vụ giải trí bằng những combo kích cầu hấp dẫn khiến các đơn vị lữ hành nội địa rất khó bán tour. Bước vào guồng quay kích cầu với tâm thế không lãi lời, chỉ làm để đợi chờ tín hiệu tích cực nhưng hầu hết các doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ đều phải “kêu trời”, khi “gửi báo giá suốt ngày mà chốt tour cực ít” – bà Phạm Thanh Thúy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Tre Việt than thở.
Lữ hành nội địa khó khăn là thế, nhưng vẫn còn nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Nhìn lại con số 10 triệu người Việt du lịch nước ngoài năm 2019 khiến thị trường outbound (đưa khách ra nước ngoài) tăng trưởng ngoạn mục 20% của năm 2019, số phận của 2.022 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (số liệu cuối năm 2018) sẽ ra sao, khi đành quay trở lại chia sẻ miếng bánh nội địa vốn đã quá nhỏ mà lại còn thuộc lĩnh vực sở đoản? “Có tới 70% trong con số hơn 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế kinh doanh mảng đưa khách Việt đi khám phá năm châu. Giờ chuyển sang làm du lịch nội địa đâu có dễ dàng. Tôi sợ sẽ phải chứng kiến một làn sóng phá sản doanh nghiệp outbound, có thể tới 50%” – ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam lo lắng chia sẻ với báo giới. Thực tế cho thấy, mỗi ngày có cả chục doanh nghiệp lữ hành quốc tế làm thủ tục chấm dứt hoạt động, đơn vị nào cầm cự được thì cũng thua lỗ nặng nề. Viettravel, Saigon Tourist lỗ từ 1.700 đến 2.200 tỷ đồng, TNT dự báo lỗ 1.200 tỷ đồng chỉ trong quý II-2020…
“Thay đổi, hay là chết”
Ðại dịch Covid-19 như một phép thử cho ngành du lịch. Và mức độ tàn phá ngoài sức tưởng tượng của nó đã trở thành một tấm lưới lọc nghiệt ngã. Doanh nghiệp khỏe mạnh, thức thời, chịu thay đổi và biết tìm “cơ” trong “nguy” sẽ sống sót và vươn dậy. Những đơn vị yếu ớt, kém thích nghi sẽ nhanh chóng bị xóa sổ. “Ðây là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành du lịch, từ hoạt động quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên hợp tác hàng không và du lịch” – Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lê Quang Tùng khẳng định trong Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19”.
Ứng dụng công nghệ để tái cấu trúc ngành là một giải pháp được nhiều chuyên gia hiến kế. Là một trong những ngành cần nhanh chóng chuyển đổi số, quản trị thông minh để từng bước hội nhập và phát triển, vượt qua những khủng hoảng khó khăn trước mắt. Ngành du lịch phải chủ động đổi mới mô hình quản lý và phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đưa ra kế hoạch chiến lược và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập “hệ sinh thái du lịch thông minh”. Công nghệ số cũng giúp doanh nghiệp tính toán được xu hướng nhu cầu của khách. Thành công bước đầu của những sàn giao dịch du lịch trực tuyến “made in Vietnam” như yeudulich.com, tripi.com, welcome.vn, ivivu.com… đã trở thành điểm nhấn về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh.
Khi hội đủ điều kiện để mở cửa trở lại với các nước, cần tập trung vào các thị trường châu Á với tầm bay ngắn để nhanh chóng khôi phục hồ sơ du lịch quốc tế. Chú trọng về chất, bớt chạy theo số lượng cũng là chiến lược kinh doanh hiệu quả. Xác định thị trường trọng điểm xưa nay vẫn là điểm yếu của du lịch Việt và càng lộ rõ qua đại dịch. Ưu tiên những dòng khách và thị trường có mức chi tiêu trên đầu người lớn thay vì thu hút những đối tượng ăn – ngủ – nghỉ lấy tiêu chí tiết kiệm tối đa làm đầu. “Tái cơ cấu thị trường cần tính toán cẩn trọng, theo hướng không để bất cứ thị trường nào giữ vai trò chi phối và tổng thu từ du lịch phải tăng. Tìm mọi cách để khách chi tiêu nhiều hơn là mục tiêu quan trọng” – Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký TAB nhấn mạnh.
Triết gia người Ðức F.Nietzsche có câu: “Những gì không giết chết được ta sẽ khiến ta mạnh hơn”. Du lịch Việt sẽ mạnh mẽ hơn và mang một sức sống mới mẻ hơn sau khi đại dịch đi qua. Mong thế và cũng hy vọng thế!